Thông điệp và ý nghĩa cảnh đợi tàu trong truyện Hai đứa trẻ
Thông điệp và ý nghĩa cảnh đợi tàu trong truyện Hai đứa trẻ
Bài văn Thông điệp và ý nghĩa cảnh đợi tàu trong truyện Hai đứa trẻ gồm dàn ý phân tích chi tiết, sơ đồ tư duy và bài văn phân tích mẫu hay nhất, ngắn gọn được tổng hợp và chọn lọc từ những bài văn hay đạt điểm cao của học sinh lớp 11. Hi vọng với
bài phân tích thông điệp và ý nghĩa cảnh đợi tàu trong truyện Hai đứa trẻ này các bạn sẽ yêu thích và viết văn hay hơn.
Đề bài: Thông điệp và ý nghĩa cảnh đợi tàu trong truyện “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam.
Bạn đang xem bài: Thông điệp và ý nghĩa cảnh đợi tàu trong truyện Hai đứa trẻ
Bài giảng: Hai đứa trẻ – Cô Thúy Nhàn (Giáo viên VietJack)
Dàn ý kenkenpham
1. Mở bài
– Thạch Lam là nhà văn có phong cách viết độc đáo, truyện không có cốt truyện, lời lẽ giàu chất thơ chất nhạc, bút pháp đậm tư tưởng nhân đạo.
– Hai đứa trẻ là một trong những tác phẩm tiêu biểu, thông qua cảnh hai đứa trẻ ngồi đợi chuyến tàu đêm muộn nhà văn đã biểu lộ những ý nghĩa và thông điệp đầy tính nhân văn cho độc giả.
2. Thân bài
* Cảnh đợi tàu khiến độc giả hiểu ra được nhiều điều:
– Những con người như chị Tí, bác Siêu, vợ chồng bác xẩm dẫu chẳng làm ăn buôn bán được bao nhiêu vào đêm tối nhưng tối nào cũng đều đặn dọn hàng đến đêm muộn.
– Họ đang chờ đợi một cái gì đó nhộn nhịp nào nhiệt khác hẳn với cái màu u ám, trầm buồn của khu phố tỉnh lẻ này. Đó chính là chuyến tàu từ Hà Nội về, mang đến thứ ánh sáng và âm thanh rực rỡ náo nhiệt.
* Hình ảnh chuyến tàu:
– Trước khi tàu đến, hình ảnh chuyến tàu mơ hồ trong tiếng gọi của bác Siêu, trong ánh mắt của nhân vật Liên, từ đó nhìn ra được cảm giác mong chờ của những con người phố huyện.
– Khi tàu đến rầm rộ mang theo thứ ánh sáng sáng rực, lấp lánh, tiếng người đông vui lố nhố.
– Khi tàu đi để lại những đốm lửa tung bay và theo ánh mắt của Liên là những chấm xanh xanh dần mất hút trong đêm tối.
=> Bộc lộ rõ nét tâm trạng của người dân phố huyện, háo hức và mong chờ.
* Ý nghĩa của chuyến tàu với người dân phố thị:
– Đoàn tàu mang một chút thế giới khác đi qua, khác với cái phố huyện tối tăm, u buồn, là món quà tốt đẹp của cuộc sống.
– Đó chính là tượng trưng cho những khao khát, những hy vọng mong manh về một cuộc sống tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn.
* Ý nghĩa của chuyến tàu với chị em Liên:
– Đối với An, chuyến tàu chính là một món quà của cuộc sống, thay thế cho những món đồ chơi mà em không có được, khơi gợi trong tâm hồn non nớt của em những tưởng tượng phong phú.
– Đối với Liên chuyến tàu mang đến cho chị những xúc cảm mơ hồ khó hiểu, gợi nhắc về một thời quá vãng xa xăm, đồng thời khiến chị ý thức rõ ràng hơn về cuộc sống cơ cực, bế tắc của người dân nơi đây.
* Thông điệp mà Thạch Lam muốn nhắn nhủ:
– Dẫu cuộc sống có khốn khó, vất vả và bế tắc đến chừng nào thì con người ta vẫn không bao giờ được thôi khát vọng, thôi mơ ước về một cuộc sống tốt đẹp và tươi sáng hơn.
– Những hy vọng, khát khao ấy vẫn luôn tiềm ẩn trong mỗi con người dù già hay trẻ và chúng được nuôi dưỡng bằng một tâm hồn lạc quan, yêu đời, bằng tình thương cảm, gắn kết những con người với nhau.
– Ở giữa một khung cảnh tàn, vẫn có những tâm hồn không tàn như chị em Liên, chị Tí, bác Siêu, vợ chồng bác xẩm.
3. Kết bài
– Nghệ thuật: Ngôn từ giàu chất thơ, lối viết không có cốt truyện.
– Nội dung:
+ Khắc họa rõ nét khung cảnh làng quê Việt Nam trước cách mạng, chất chứa những nỗi u buồn, khó nhọc, thông qua đó nhà văn bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc đối với cuộc sống của những con người quẩn quanh bế tắc.
+ Đồng thời trân trọng niềm hy vọng dẫu rất mong manh của họ về một cuộc sống tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn thông qua cảnh đợi tàu của chị em Liên và nhắn nhủ những thông điệp về tinh thần sống lạc quan của con người.
Sơ đồ kenkenpham
Có một nhà văn đã quan niệm rằng: “Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên; trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có thể có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”, đó chính là Thạch Lam. Nhắc đến Thạch Lam, người ta thường biết đến ông với một phong cách viết truyện ngắn rất độc đáo, không theo lối mòn cốt truyện hay tình huống truyện, mà truyện của ông là truyện nhưng lại không có cốt truyện, tựa như một cuốn phim mà diễn viên tự biên tự diễn chẳng cần có kịch bản vậy. Mỗi tác phẩm, mỗi truyện ngắn của ông tựa như một bài thơ trữ tình đượm buồn, chất thơ vương vấn trong từng câu chữ, từng cái quan sát biến chuyển của dòng thời gian, sự vật. Ông thường đi sâu vào tìm hiểu thế giới nội tâm của nhân vật với những xúc cảm mơ hồ, mong manh, rất đỗi tinh tế. Và nét văn phong độc đáo như vậy ta thấy được rất rõ ràng trong tác phẩm Hai đứa trẻ, đặc biệt thông qua cảnh hai đứa trẻ ngồi đợi chuyến tàu đêm muộn, chúng ta lại cũng thấy được những thông điệp và ý nghĩa đẹp đẽ, đầy tính nhân văn mà Nguyễn Minh Châu muốn truyền tải cho độc giả.
Có thể nói rằng đột phá của chất thơ trong toàn bộ tác phẩm đó chính là cảnh hai chị em Liên và những người dân phố huyện ngồi đợi chuyến tàu khuya, đợi một cái gì đó nhộn nhịp nào nhiệt khác hẳn với cái màu u ám, trầm buồn của khu phố tỉnh lẻ này. Những người dân nơi đây họ chờ đợi một cái gì đó tươi sáng hơn, chúng ta mới vỡ lẽ ra rằng tại sao “Chị Tí chẳng kiếm được bao nhiêu nhưng chiều nào chị cũng dọn hàng từ chập tối cho đến đêm”, bác Siêu chẳng thấy bán được cho ai nhưng chiều nào đêm nào bác cũng gánh hàng phở ra đây, vợ chồng bác xẩm cũng hiếm người nghe hát, nhưng chiều nào cũng một manh chiếu rách ngồi đây đợi, để rồi ngủ gục trên manh chiếu tự bao giờ. Hóa ra không phải chỉ để mưu sinh mà họ còn cùng nhau đợi được một chuyến tàu đêm, “chừng ấy con người trong bóng tối mong đợi một cái gì đó tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hàng ngày của họ”.
Hình ảnh đoàn tàu xuất hiện với những sự đợi chờ mong mỏi của người dân nơi phố huyện, người ta mong đến nỗi chỉ một chút động thái báo hiệu của đoàn tàu cũng đã khiến họ vui mừng háo hức, đó là bác Siêu nghển cổ nhìn ra phía ga “Đèn ghi đã ra kia rồi”, đó là ánh mắt chăm chú phóng ra đường ray của Liên thấy một “ngọn lửa xanh biếc, sát mặt đất như ma trơi”, là âm thanh của tiếng còi xe lửa kéo dài trước khi vào ga. Đoàn tàu rầm rập kéo đến , tiếng bánh sắt rít mạnh vào đường ray, những toa tàu “sáng trưng”, cửa kính “lấp lánh”, cả tiếng người lố nhố,… Tàu đi vào đêm tối, chỉ để lại những “đốm than đỏ bay tung trên đường sắt”, còn chỉ em Liên thì cứ nhìn mãi theo mấy cái chấm xanh xanh khuất dần và mất hút vào đêm tối. Hình ảnh chuyến tàu đêm đã bộc lộ rõ nét tâm trạng của người dân phố huyện. Sở dĩ nói như vậy bởi vì như nhà văn Thạch Lam đã nói “chuyến tàu như mang một chút thế giới khác đi qua”, đối với người dân phố huyện thì chuyến tàu ấy có một ý nghĩa vô cùng lớn, nó đã mang lại một thứ ánh sáng khác hẳn cái ánh sáng tù mù của ánh đèn dầu, của loài đom đóm, của những buổi chiều sẩm tối dưới ánh hoàng hôn nơi phố huyện, đó là thứ ánh sáng tươi vui đến từ Hà Nội thủ đô, nơi phồn hoa nhộn nhịp. Dẫu họ cũng biết rằng ánh sáng ấy cũng chỉ đến một chút rồi lại đi mất hút, để lại sau lưng bóng tối bao trùm còn ám ảnh hơn trước đó, thế nhưng họ cam lòng đợi chờ mãi từ sẩm tối cho đến khuya đợi đến mắt díu lại buồn ngủ, nhưng họ vẫn khát khao, mong chờ. Bởi chuyến tàu nhộn nhịp mang hơi thở nhộn nhịp, tươi sáng ấy chính là một món quà của cuộc sống, giữa bộn bề cái khó khăn, đói khát mưu sinh. Cái ánh sáng rực rỡ, lấp lánh mà đoàn tàu mang lại chính là tượng trưng cho niềm khát khao, nỗi hy vọng của những con người nơi đây. So sánh với nhiều tác phẩm văn học khác, ánh sáng cũng thường được nhiều tác giả tượng trưng cho niềm khát khao, hy vọng của con người trước những tối tăm, bất lực của cuộc đời. Đơn cử như trong Chí Phèo của Nam Cao, cảnh Chí Phèo tỉnh dậy nhìn thấy ánh sáng lờ mờ lọt vào căn lều ẩm thấp của mình, khao khát được trở lại làm người lương thiện, được hạnh phúc của hắn đã trỗi dậy, hay trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ, ánh sáng trên bếp lửa mà Mị vẫn thường hơ tay, hơ lưng cũng phản ánh những khao khát mãnh liệt trong tâm hồn Mị, và trong Vợ nhặt, nhân vật Tràng mua hai hào dầu về thắp lửa cho căn nhà sáng sủa lên trong đêm tân hôn cũng phản ánh cái khao khát, hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn của anh.
Tâm trạng của hai đứa trẻ cũng có nhiều những xao động, An còn nhỏ, cậu đợi tàu trong cái tâm trạng nôn nao háo hức, chuyến tàu đối với An đó chính là một món quà, thú vị, khơi gợi trong tâm hồn em những tưởng tượng phong phú. Chuyến tàu ấy đã thay thế, khỏa lấp đi những thiếu sót tuổi thơ em, bởi vì gia cảnh nghèo khó em không được có những món đồ chơi đẹp đẽ, không có những chuyến đến khu vui chơi, mà chỉ được quanh quẩn bên gian hàng nhỏ, nơi phố huyện mịt mù tăm tối. Còn với Liên đoàn tàu lại mang nhiều ý nghĩa khác, mang đến cho cô bé mới lớn những xúc cảm tinh tế, “tâm hồn Liên Liên yên tĩnh hẳn, có những cảm xúc mơ hồ khó hiểu”. Còn tàu gợi nhắc Liên về một thời quá vãng, đó là một cuộc sống nơi phố thị Hà Nội, đó là khi nhà Liên còn khá giả, Liên được thưởng thức những món quà vặt ngon miệng, được đi chơi đây đó, đâu đâu cũng là những ánh đèn sáng rực và lấp lánh. Nhưng ngày đó đã quá xa và có lẽ cuộc đời Liên mãi phải chôn chân ở cái phố huyện nghèo nàn và tối tăm này, chuyến tàu càng giúp Liên nhận thức rõ hơn về cuộc sống bế tắc, nghèo khổ hiện tại của những con người nơi đây. Thông điệp chính mà Thạch Lam muốn nhắn nhủ ở đây rằng dẫu cuộc sống có khốn khó, vất vả và bế tắc đến chừng nào thì con người ta vẫn không bao giờ được thôi khát vọng, thôi mơ ước về một cuộc sống tốt đẹp và tươi sáng hơn. Những hy vọng, khát khao ấy vẫn luôn tiềm ẩn trong mỗi con người dù già hay trẻ và chúng được nuôi dưỡng bằng một tâm hồn lạc quan, yêu đời, bằng tình thương cảm, gắn kết những con người với nhau. Dẫu có là cảnh tượng ngày tàn, chợ tàn hay những kiếp người tàn, thì chí ít vẫn có những tâm hồn non trẻ, những tâm hồn kiên cường như chị em Liên và những con người như bác Siêu, chị Tí, vợ chồng bác xẩm không tàn. Họ vẫn sống, vẫn lao động và cố gắng từng ngày, vẫn hằng hy vọng và mơ ước thoát khỏi cái cuộc đời tăm tối, u buồn nơi phố huyện mà tượng trưng chính là chuyến tàu Hà Nội về đầy ánh sáng rực rỡ, tươi vui.
Với văn phong viết truyện chậm rãi, lãng mạn, là truyện nhưng không có cốt truyện, Thạch Lam đã mang đến một tác phẩm rất đỗi tinh tế, với giọng điệu đầy tính nhạc và chất thơ êm đềm. Khắc họa rõ nét khung cảnh làng quê Việt Nam trước cách mạng, chất chứa những nỗi u buồn, khó nhọc, thông qua đó nhà văn bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc đối với cuộc sống của những con người quẩn quanh bế tắc. Đồng thời trân trọng niềm hy vọng dẫu rất mong manh của họ về một cuộc sống tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn thông qua cảnh đợi tàu của chị em Liên và nhắn nhủ những thông điệp về tinh thần sống lạc quan của con người. Đó chính là bút pháp nhân đạo của nhà văn Thạch Lam trong những tác phẩm của mình.
Trích nguồn: Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường miền Trung
Danh mục: Văn mẫu lớp 11