Đề bài: Phân tích chi tiết tấm ảnh nghệ thuật trong bộ lịch cuối năm trong Chiếc thuyền ngoài xa
Bạn đang xem bài: Phân tích chi tiết tấm ảnh nghệ thuật trong bộ lịch cuối năm trong Chiếc thuyền ngoài xa
Phân tích chi tiết tấm ảnh nghệ thuật trong bộ lịch cuối năm trong Chiếc thuyền ngoài xa
I. Dàn ý Phân tích chi tiết tấm ảnh nghệ thuật trong bộ lịch cuối năm trong Chiếc thuyền ngoài xa (Chuẩn)
1. Mở bài
– Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Minh Châu, tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa.
– Dẫn dắt vào chi tiết tấm ảnh nghệ thuật trong bộ lịch cuối năm.
2. Thân bài
* Khái quát về Phùng, người nghệ sĩ đã chụp bức ảnh:
– Là nghệ sĩ nhiếp giàu trách nhiệm với công việc.
– Say sưa với công việc sáng tạo nghệ thuật của mình.
– Bức ảnh thuyền và biển trong bộ lịch cuối năm đã trở thành tác phẩm nghệ thuật lí tưởng được nhiều người sành nghệ thuật yêu thích.
=> Là bức ảnh đẹp hoàn mĩ, kết tinh của vẻ đẹp tự nhiên và tài năng, tâm huyết của người nghệ sĩ.
* Bức ảnh để lại cho Phùng nhiều suy tư, trăn trở:
– Không còn cái nhìn mơ hồ, phiến diện về cái đẹp trước mắt.- Hiểu được sự thật, những nghịch lí phũ phàng đằng sau một khung cảnh đẹp.
– Từ bức ảnh đó Phùng đã có nhìn nhận khác về cuộc đời và nghệ thuật:
+ Phùng cảm thấy tranh không còn chất lãng mạn, thơ mộng mà nghệ thuật khi ấy thấm đượm hơi thở cuộc sống.
+ Phùng có cái nhìn khác về chính tác phẩm của mình.
* Là chi tiết khép lại truyện ngắn, thể hiện quan niệm về nghệ thuật của tác giả:
– Phải nhìn cuộc sống một cách đa diện, nhiều chiều để phát hiện ra bản chất thực sự sau bề ngoài của hiện tượng.
– Nghệ thuật phải gắn liền với cuộc sống.
3. Kết bài
Khẳng định giá trị chi tiết tấm ảnh nghệ thuật trong bộ lịch cuối năm.
II. Bài văn mẫuPhân tích chi tiết tấm ảnh nghệ thuật trong bộ lịch cuối năm trong Chiếc thuyền ngoài xa (Chuẩn)
“Chiếc thuyền ngoài xa” là một tác phẩm tiêu biểu cho sự đổi mới quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu sau đổi mới. Thông qua những phát hiện của nhân vật Phùng về cuộc sống, đặc biệt là thông qua chi tiết tấm ảnh nghệ thuật trong bộ lịch cuối năm cuối tác phẩm, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã khẳng định mối quan hệ gắn bó, không thể tách rời giữa nghệ thuật và cuộc đời.
Phùng là một người nghệ sĩ nhiếp ảnh có niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật. Sau khi được trưởng phòng giao nhiệm vụ chụp một bức ảnh có cảnh thuyền và biển cho bộ lịch cuối năm, Phùng đã hào hứng đến một vùng biển để tác nghiệp. Nhờ niềm say mê sáng tạo và may mắn gặp được sự sắp đặt ngẫu nhiên của thiên nhiên, tạo hóa, cuối cùng Phùng cũng chụp được bức ảnh tuyệt đẹp để in trong bộ lịch cuối năm. Đó là tấm ảnh đen trắng về cảnh thuyền và biển trong sáng sớm. Tấm ảnh của Phùng không chỉ mang giá trị nghệ thuật cho bộ lịch năm đó mà mãi về sau tấm ảnh đó vẫn còn được treo ở nhiều nơi và trở nên nổi tiếng. Bức ảnh được nhiều người sành nghệ thuật lựa chọn treo trong nhà. Thế nhưng, sau khi chứng kiến tất cả bi kịch của người đàn bà hàng chài, Phùng lại có những cảm nhận rất khác về tác phẩm nghệ thuật của mình. Là bức ảnh do chính tay mình chụp nhưng đến khi nhìn lại Phùng lại thấy “quái lạ”, phải chăng là vì chính Phùng đã chứng kiến tất cả, từ vẻ bề ngoài đến tất cả những éo le, nghịch lí, phũ phàng, khốc liệt bên trong nên điều đó đã trở thành ám ảnh.
Mỗi lần ngắm kĩ Phùng vẫn nhìn thấy “cái màu hồng hồng của ánh sương mai” đó chính là vẻ đẹp tự nhiên, và Phùng đã biết nhìn sâu hơn, lâu hơn, vừa nhìn vừa chiêm nghiệm vào cuộc đời lại thấy hiện thực cuộc đời trong đó chính là hình ảnh “người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch,…”. Bức ảnh đã để lại cho nhiếp ảnh Phùng những suy tư, trăn trở phía sau vẻ đẹp của nó, là người chứng kiến tất cả mọi chuyện, Phùng không và không thể còn cái nhìn mơ hồ, phiến diện về cái đẹp trước mắt. Dần một người nhiếp ảnh như Phùng đã hiểu được sự thật, hiện thực phũ phàng đằng sau một khung cảnh đẹp, từ đó mà quan điểm về nghệ thuật của Phùng có lẽ sẽ khác đi, Phùng có cái nhìn khác về chính tác phẩm của mình, Phùng cảm thấy bức ảnh không còn cái thơ mộng, lãng mạn mà thấm đượm hơi thở cuộc sống. Tấm ảnh nghệ thuật trong bộ lịch cuối năm là chi tiết khép lại truyện ngắn, đây cũng là chi tiết thể hiện quan niệm nghệ thuật của tác giả. Người nghệ sĩ chân chính cần có cái nhìn đa diện, nhiều chiều về cuộc sống. Cần có sự gắn bó để thấu hiểu, phát hiện ra bản chất thực sự sau bề ngoài của hiện tượng. Nghệ thuật đối với ông cũng phải là thứ về gần với cuộc sống, làm đẹp cho cuộc sống, chứ không xa vời, lãng mạn hay rời xa thực tại.
Đặt trong tình huống không có chi tiết tấm ảnh nghệ thuật trong bộ lịch cuối năm ở cuối tác phẩm có lẽ vẫn đủ để truyền tải những ý đồ của tác giả. Tuy nhiên sự có mặt của chi tiết này lại là một dấu chấm than chứ không phải dấu chấm hết của một câu chuyện. Nó gợi mở ra cho thế hệ người đọc những chiêm nghiệm, suy tư về cuộc đời và nghệ thuật.
——————-HẾT——————-
Bên cạnh bài Phân tích chi tiết tấm ảnh nghệ thuật trong bộ lịch cuối năm trong Chiếc thuyền ngoài xa, còn có một số đề văn tổng hợp liên quan đến truyện ngắn này mà các em có thể tham khảo như: Cảm nhận của em về người đàn bà làng chài trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa, Phân tích hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, Phân tích nhân vật người đàn ông trong Chiếc thuyền ngoài xa, Cảm nhận về vẻ đẹp khuất lấp của người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa.
Trích nguồn: Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường miền Trung
Danh mục: Giáo dục