Gà luộc đã vô cùng quen thuộc trên mâm cỗ cũng như trong các bữa ăn hằng ngày của chúng ta. Mặc dù, đây là một món ăn khá đơn giản trong nền ẩm thực Việt Nam nhưng để luộc gà đúng chuẩn vàng ươm với da căng bóng, thịt ngọt mềm đúng điệu thì bạn vẫn cần biết tới các kỹ thuật luộc gà. Hôm nay, Trung cấp nghề nấu ăn sẽ mách bạn cách luộc gà thơm ngon tại nhà như ngoài quán để cùng gia đình thưởng thức nhé!
Vì Sao Mâm Cúng Thường Có Gà Luộc?
Chúng ta không còn quá xa lạ gì với hình ảnh món gà luộc xuất hiện trên các mâm cỗ. Đặc biệt vào dịp Tết, gà được chuẩn bị công phu, cẩn thận hơn rất nhiều bằng cách trang trí đẹp mắt. Gà là vật dâng cúng phù hợp với tất cả mọi gia đình vì dễ kiếm, dễ chế biến. Ngoài ra, gà còn mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp theo quan niệm xưa. Trong 12 con giáp, gà là biểu tượng cho sự cương trực và mạnh mẽ. Người xưa quan niệm đêm giao thừa là thời điểm trời đất tối tăm nhất vì Mặt trời ẩn mình rất sâu. Bởi vậy, nhà nhà bảo nhau cúng một con gà trống trong thời khắc ấy với hy vọng gà sẽ đánh thức Mặt trời cho đủ đầy ánh nắng, sức sống cho cả năm. Điều này cũng thể hiện ước mong “mưa thuận gió hoà” của cư dân nông nghiệp từ thời xa xưa. Cứ như vậy, gà luộc trở thành một nét văn hoá đi liền với tín ngưỡng tôn sùng Mặt trời của nghề trồng lúa nước.
Bạn đang xem bài: Cách Luộc Gà Thơm Ngon “Bất Bại” Mà Bạn Nên Biết
Gà luộc bày trí khéo léo đẹp mắt trên mâm cúng. Nguồn: Internet
Cách Luộc Gà Thơm Ngon, Không Bị Nứt Da
Nhiều người vẫn nhận định luộc là một phương pháp chế biến món ăn rất đơn giản. Tuy nhiên đối với món gà luộc, bạn cần phải cẩn thận và có một số kỹ thuật để phần thịt gà vừa chín tới, giữ được độ ngọt, hình dáng và đặc biệt lớp da vàng ươm, không bị rách, có độ dai giòn. Những hướng dẫn chi tiết dưới đây sẽ giúp bạn đạt được những yêu cầu trên:
Chọn gà là khâu rất quan trọng
Chúng ta nên chọn gà ta hoặc gà thả vườn vì thịt săn, dai, ngon hơn gà công nghiệp. Khi chọn mua gà sống thì bạn nên chú ý chọn gà khoẻ mạnh, có lông bóng mượt, màu sáng, áp sát thân. Còn với gà đã làm sẵn, bạn sẽ lựa chọn kỹ lưỡng hơn dựa vào các đặc điểm sau:
- Thân gà nhỏ gọn, săn chắc, ức nhỏ. Trọng lượng khoảng 1,5-2kg là vừa, gà quá to khi luộc sẽ lâu chín và dễ bị nứt da.
- Da gà ta vàng óng, không bị tím tái, không có các đốm đen,… Nếu da gà vàng đậm mà mỡ gà lại trắng thì gà đã bị tẩm hóa chất để màu sắc đẹp.
- Thịt gà tươi, không có mùi hôi, mùi thuốc kháng sinh,… Bạn sẽ dùng tay ấn vào phần thịt để kiểm tra. Nếu thịt nhão, trơn, có hiện tượng bị tiêm nước thì bạn tuyệt đối không mua để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe.
Bạn cần chọn lựa kỹ nguyên liệu trước khi chế biến để thành phẩm đạt yêu cầu. Nguồn: Internet
Cách luộc gà thơm ngon mà bạn nên biết
Bước 1: Thịt gà sau khi được làm sạch lông và nội tạng thì rửa với giấm và muối để khử mùi hôi. Bạn chà thật nhẹ các miếng gừng đập dập đều khắp bên ngoài và bên trong thân gà để tránh làm gà luộc nứt da. Sau đó, gà được rửa lại bằng nước lạnh và để ráo. Bạn sẽ bắt chéo cánh gà xuyên qua mỏ, nhét 2 chân gà vào phía sau bụng để sau luộc gà có hình dáng đẹp mắt khi bày trí ra mâm cỗ cúng.
Bước 2: Bạn lựa chọn một chiếc nồi vừa đủ (không quá nhỏ cũng không quá lớn) rồi cho gà nguyên con vào và đổ nước lạnh phủ xâm xấp, nhớ đặt phần bụng gà xuống bên dưới. Thêm vào nồi vài củ hành tím và vài nhánh đầu hành lá hoặc vài lát gừng đập dập để thịt gà luộc được dậy lên mùi thơm tự nhiên. Bạn sẽ chỉnh lửa vừa và thường xuyên vớt bọt để da gà được đẹp. Đến khi thấy nước luộc sôi lăn tăn thì hạ lửa xuống mức nhỏ nhất, luộc thêm 5 phút nữa. Theo cách luộc gà này, phần thịt ở đùi gà luộc sẽ không bị co tụt lên do nước sôi vì lửa quá lớn.
Các gia vị thêm vào như lá chanh, hành tây, hành tím, gừng,… sẽ giúp thịt gà thơm hơn. Nguồn: Internet
Bước 3: Tắt lửa, đậy nắp thêm 20 phút để thịt gà được chín đều hoàn toàn. Sau đó, bạn vớt gà ra, cho vào thau nước đá lạnh để nguội, da gà co lại săn chắc và không bị bỡ, sẽ giòn và căng mọng hơn nhiều.
Bước 4: Để da gà có màu vàng đẹp thì bạn dùng nghệ giã nát trộn với chút dầu ăn rồi phết đều lên da gà để tạo màu vàng óng và sự căng mượt hấp dẫn. Bạn nhớ dùng khăn giấy thấm cho khô da gà trước khi làm.
Bước 5: Bạn có thể để nguyên con và trình bày ra dĩa để làm mâm cúng hoặc chặt miếng vừa ăn khi thưởng thức. Gà luộc được ăn kèm cùng muối tiêu chanh là ngon và hợp vị nhất.
Gà luộc sau khi hoàn thành sẽ có màu vàng đẹp mắt, kích thích vị giác người dùng. Nguồn: Internet
Giải Đáp Một Số Thắc Mắc Khi Luộc Gà
Tại sao lại cho gà vào luộc khi nước lạnh?
Đôi khi, bạn thấy thịt gà đã chín mềm nhưng xương vẫn còn màu đỏ, điều này rất mất thẩm mỹ và gây ái ngại cho người dùng. Để khắc phục tình trạng đó, bạn cần lưu ý là không đợi nước sôi mà cho gà vào luộc từ lúc nước lạnh. Điều này giúp nhiệt độ gà tăng dần theo nước và chín đều từ trong ra ngoài. Ngoài ra, nếu bạn sử dụng gà đông lạnh thì cần giã đông hoàn toàn rồi mới bắt đầu chế biến. Việc gà không bị nóng lên đột ngột còn giúp tránh được việc da gà bị nứt do chưa kịp mềm.
Bạn nên luộc gà với nước lạnh thay vì nước sôi. Nguồn: Internet
Luộc gà có nên đậy nắp không?
Khi luộc gà, việc đậy nắp vung hay không cũng ảnh hưởng tới độ mềm ngọt của món ăn. Bạn cần sẽ mở nắp để nhiệt độ tăng dần và nước không sôi sùng sục nổi bọt, tránh trường hợp da gà bị rách, thịt gà quá chín. Tuy nhiên, trong thời gian ngâm gà trong nước luộc sau khi tắt bếp bạn nên đậy nắp vung lại để hơi nóng được giữ lâu hơn, tránh trường hợp gà không chín đều và bị đỏ xương.
Với những chia sẻ bí quyết về cách luộc gà thơm ngon được Trung cấp nghề nấu ăn bật mí trong bài viết này, bạn chắc hẳn đã đủ tự tin để thực hiện món ăn quen thuộc, bổ dưỡng này rồi phải không nào? Vậy còn chần chừ gì mà không chiêu đãi cả gia đình ngay hôm nay? Hãy tiếp tục theo dõi chuyên mục mẹo hay nhà bếp để có thêm nhiều kiến thức hữu ích trong nấu ăn nhé!
Trích nguồn: Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường miền Trung
Danh mục: Tổng hợp