Đề bài: Cảm nhận bức tranh thiên nhiên lúc giao mùa trong bài Sang Thu
Bạn đang xem bài: Cảm nhận bức tranh thiên nhiên lúc giao mùa trong bài Sang Thu
Cảm nhận bức tranh thiên nhiên lúc giao mùa trong bài Sang Thu
I. Dàn ýCảm nhận bức tranh thiên nhiên lúc giao mùa trong bài Sang Thu (Chuẩn)
1. Mở bài:
– Giới thiệu về Hữu Thỉnh và bài thơ Sang thu
– Khái quát về bức tranh thiên nhiên lúc giao mùa trong bài Sang thu
2. Thân bài:
a. Khái quát:
– Sang thu được viết năm 1977, in trong tập “Từ chiến hào tới thành phố”.
– Bài thơ là những cảm nhận tinh tế của nhà thơ Hữu Thỉnh khi đất trời chuyển mình chớm thu.
b. Phân tích bức tranh giao mùa:
– Các tín hiệu báo thu về:
+ “Hương ổi”: là tín hiệu đầu tiên, rõ ràng nhất khi trời đất chớm thu.
+ Ổi: là thức quả quen thuộc của người dân Việt Nam, thường đơm hoa, kết trái vào mùa thu.
+ Từ “bỗng” được đặt ở đầu câu: cho thấy sự ngỡ ngàng, kinh ngạc của nhà thơ khi bắt gặp những tín hiệu của mùa thu.
+ “Gió se”: làn gió khô và lạnh, không còn hơi nóng của mùa hè mà mát mẻ, dễ chịu hơn.
+ “Sương chùng chình”: Màn sương chậm chạp lan tỏa khắp những con ngõ nhỏ.
→ Sự xuất hiện bất ngờ của những tín hiệu mùa thu quen thuộc đã khiến nhà thơ ngỡ ngàng thốt lên: “Hình như thu đã về”.
– Những chuyển biến của đất trời mùa thu:
+ Dòng sông lững lờ chảy, chậm rãi và thong thả “dềnh dàng”
+ Đàn chim “vội vã” bay về phương Nam tránh rét.
+ Hai từ láy tượng hình đối lập nhau “dềnh dàng”, “vội vã”: diễn tả sự đối lập của vạn vật khi mùa thu sang.
+ Hình ảnh “đám mây mùa hạ”: là hình ảnh liên tưởng độc đáo nhất của bài thơ
→ Đám mây ấy như còn luyến tiếc mùa hạ nên chưa thực sự chuyển mình sang trời thu.
+ Đất trời đã chớm thu, vậy nên những ngày nắng, những cơn mưa cùng tiếng sấm đã vơi dần trên bầu trời “Vẫn còn bao nhiêu nắng/ Đã vơi dần cơn mưa/ Sấm cũng bớt bất ngờ”.
c. Đánh giá nội dung, nghệ thuật:
– Nội dung:
+ Bài thơ là bức tranh mùa thu của đồng bằng Bắc Bộ với những tín hiệu và cảnh sắc quen thuộc.
+ Bài thơ còn thể hiện được tình yêu thiên nhiên tha thiết của nhà thơ.
– Nghệ thuật:
+ Thể thơ năm chữ linh hoạt, uyển chuyển.
+ Các biện pháp nhân hoá, ẩn dụ, so sánh, liên tưởng được sử dụng hết sức khéo léo.
+ Ngôn ngữ thơ giản dị, gần gũi, hình ảnh thơ giàu sức gợi
+ Cách sử dụng từ láy rất tinh tế cùng cảm xúc ngỡ ngàng tạo nên sự đặc sắc cho bài thơ Sang thu.
3. Kết bài:
Khẳng định giá trị bài thơ.
II. Bài văn mẫuCảm nhận bức tranh thiên nhiên lúc giao mùa trong bài Sang Thu (Chuẩn)
Hữu Thỉnh là một trong những nhà thơ tiêu biểu nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông có nhiều tác phẩm thơ ca và văn xuôi xuất sắc như: m vang chiến hào, Thư mùa đông, Trường ca biển,… Nhưng nổi tiếng nhất phải kể tới bài thơ “Sang thu”. Bài thơ là bức tranh giao mùa đẹp đẽ của thiên nhiên đất trời khi từ hạ sang thu.
Bài thơ “Sang thu” được nhà thơ Hữu Thỉnh viết năm 1977 và in trong tập “Từ chiến hào đến thành phố”. Bài thơ chứa đựng những cảm nhận tinh tế của nhà thơ về những chuyển biến của đất trời từ cuối hạ sang thu.
Hữu Thỉnh sinh ra và lớn lên tại vùng quê đồng bằng Bắc Bộ, chính vì thế mùa thu đất Bắc đối với ông là sự quen thuộc, gần gũi. Vậy nhưng khi ông bắt gặp những tín hiệu chớm thu của thiên nhiên đất trời, nhà thơ cũng không khỏi giật mình mà ngỡ ngàng, kinh ngạc:
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”
Hữu Thỉnh đã vẽ lên bức tranh giao mùa của thiên nhiên bằng những nét bút chấm phá. Những tín hiệu của mùa thu quen thuộc được ông tinh tế phát hiện ra. Đó là một “hương ổi” thoảng qua trong “gió se” lạnh, là làn sương mù mờ mịt buổi sớm đang bao quanh xóm làng. Từ “bỗng” được nhà thơ đặt ở đầu câu cho thấy một sự ngỡ ngàng, kinh ngạc khi ông bất chợt nhận thấy mùi hương ổi quen thuộc đang đánh thức những giác quan nhạy bén nhất của mình. Ổi vốn là thức quà quen thuộc của người dân Việt Nam và “hương ổi” chính là tín hiệu đầu tiên, rõ ràng nhất khi đất trời chớm vào mùa thu. Nhưng bầu trời chớm thu không chỉ có “hương ổi” mà còn có những làn gió se lạnh đang mơn man thổi khắp không gian. Những cơn gió giờ đây đã đi hết những hơi nóng, chỉ còn lại sự mát mẻ, dịu dàng, mơn man của mùa thu. “Hương ổi” hoà vào trong gió, tung bay đến khắp chốn, khắp mọi nơi để báo hiệu thu về. Động từ “phả” được nhà thơ đặt ở đầu câu thơ như muốn diễn tả sự chủ động của “hương ổi”. “Hương ổi” chín thơm tự “phả” mình vào trong giò để gió làn toả khắp mọi nơi.
Tín hiệu thứ ba của mùa thu là màn sương mù đang giăng khắp chốn. Làn sương ấy chậm chạp bao phủ hết những con ngõ nhỏ quanh xóm làng. Nhà thơ đã nhân hóa màn sương như có linh hồn, đang “chùng chình” từng bước cố ý chậm lại để trùm lên khắp xóm làng thân yêu. Màn sương ấy cứ chậm rãi tiến tới, báo hiệu cho nhà thơ rằng mùa thu đã về. Tất cả những tín hiệu quen thuộc ấy cùng hiện lên khiến cho nhà thơ kinh ngạc, ngỡ ngàng mà thốt lên, tự hỏi mình
“Hình như thu đã về”
“Hình như” là cảm giác mơ hồ, không rõ ràng. Nhà thơ thảng thốt, ngỡ ngàng trước những chuyển biến của đất trời khi vào thu, khiến cho ông không tin vào chính bản thân mình mà tự hỏi lại chính mình: “hình như thu đã về”.
Thế nhưng qua đi những phút giây ngỡ ngàng, bức tranh mùa thu với những chuyển biến của đất trời hiện lên rõ ràng hơn:
“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã”
Bức tranh thu giờ đây hiện lên thật rõ. Dòng sông mùa hạ với những con nước cuồn cuộn giờ đây đã tình lặng, dịu dàng hơn. Nó thong thả, chậm rãi trôi đi trong sự yên ả của mùa thu đất trời. Đối lập với dòng sông, những chú chim lại “bắt đầu vội vã” bay về phương Nam tránh rét. Hữu Thỉnh đã rất tinh tế khi đặt hai từ láy tượng hình “dềnh dàng”, “vội vã” đối lập nhau trong hai câu thơ liên tiếp. Nó khiến cho ta cảm nhận được sự đối lập của vạn vật khi mùa thu sang. Mùa thu là một mùa thật đặc biệt, bởi mùa thu đến, tất cả vạn vật đất trời đều chuyển mình: sông thì “dềnh dàng”, chim thì “vội vã”, màn sương thì chậm rãi “chùng chình”. Tất cả đều chỉ để đón chờ nàng thu sang!
Thế nhưng đẹp đẽ nhất, độc đáo nhất trong những biến chuyển của đất trời mùa thu thì phải nói tới “đám mây mùa hạ”:
“Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
Đám mây trên bầu trời vẫn còn vương một chút nắng hạ, chỉ mới “vắt nửa mình” sang mùa thu mới. Phải chăng đám mây ấy còn luyến tiếc điều gì từ mùa hạ đang qua? Lối liên tưởng của nhà thơ Hữu Thỉnh quả thực rất độc đáo, chưa có nhà thơ nào lại có một sự liên tưởng độc đáo đến thế! Đám mây đó hẳn là còn tiếc nuối mùa hạ, bâng khuâng nên mới chỉ buông “nửa mình” qua trời thu như thế!
Đất trời đã chớm thu. Không gian mùa hạ đang dần thu hẹp. Thế nhưng đâu đó chút ánh nắng cuối hạ vẫn rực rỡ trong không gian:
“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”
Vẫn là những cơn nắng, vẫn là những trận mưa với những tiếng sấm rền trời, vậy nhưng đã chẳng còn sự dữ dội, tất cả đều đã nhạt dần, “vơi bớt” đi trong không gian.
Bài thơ Sang thu là những chuyển biến nhẹ nhàng nhưng rõ ràng của thiên nhiên, đất trời khi chuyển mình từ hạ sang thu. Những chuyển biến đó được nhà thơ Hữu Thỉnh ghi lại bằng những cảm nhận tinh tế, qua những hình ảnh quen thuộc.
Bằng thể thơ năm chữ hiện đại cùng các biện pháp nghệ thuật như nhân hoá, so sánh, ẩn dụ, Hữu Thỉnh đã vẽ lên bức tranh giao mùa vừa mới mẻ lại vừa quen thuộc. Ngôn ngữ trong thơ rất giản dị, mộc mạc, gần gũi với mọi người. Hình ảnh thơ trong sáng, giàu sức gợi với những liên tưởng rất độc đáo. Ngoài ra, ông cũng rất khéo léo trong việc sử dụng các từ láy trong các câu thơ cùng giọng điệu ngỡ ngàng đã khiến cho ta cảm nhận được hình ảnh mùa thu của quê hương vùng đồng bằng Bắc Bộ rất dân dã và bình yên.
Sang thu của Hữu Thỉnh đã giúp chúng ta cảm nhận được rõ bức tranh thiên nhiên giao mùa ở một miền quê hương đồng bằng thân thuộc rất đẹp đẽ, giản dị và nên thơ. Sang thu quả là một trong những bài thơ mùa thu hay và độc đáo trong nền thi ca Việt Nam.
—————-HẾT—————
Bài thơ Sang thu là một bài thơ rất hay về đề tài mùa thu. Cùng xem thêm các bài viết: Phân tích hai khổ đầu bài thơ Sang thu, Cảm nhận của em về bài thơ Sang Thu, Chất trữ tình và triết lí sâu lắng trong bài thơ Sang thu, Cảm nhận của em về bức tranh thu trong bài thơ Sang thu để hiểu rõ vẻ đẹp của thiên nhiên khi giao mùa từ hạ sang thu được cảm nhận bằng những cảm xúc rất tinh tế của nhà thơ Hữu Thỉnh nhé!
Trích nguồn: Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường miền Trung
Danh mục: Giáo dục