Bạn có biết rằng các trình duyệt web mà bạn sử dụng đang tự động download và áp dụng những gói phông chữ chưa được cài đặt trên hệ thống không? Phông chữ web, hay web font, là một nhân tố không thể thiếu giúp các trang web mà bạn truy cập hàng ngày trông đẹp mắt và dễ tương tác hơn.
Cùng tìm hiểu cách thức hoạt động của web font cũng như tầm quan trọng của chúng trong trải nghiệm duyệt web thông thường nhé!
Bạn đang xem bài: Web Font là gì? Có tầm quan trọng thế nào trong trải nghiệm duyệt web
Desktop Font và Web Font
Trong quá trình sử dụng máy tính hàng ngày, chúng ta thường xuyên phải tương tác với các phông chữ. Đó có thể là những phông chữ đi kèm với hệ điều hành, một số đến từ các ứng dụng như Adobe Creative Suite hoặc Microsoft Office, trong khi số còn lại được tích hợp sẵn trong những ứng dụng mà bạn download, hoặc mua và cài đặt trên hệ thống.
Khi các gói phông chữ được cài đặt, bạn có thể sử dụng chúng trong các ứng dụng như công cụ xử lý văn bản, phần mềm chỉnh sửa hình ảnh, v.v. Đây được gọi chung là các desktop font và chúng được lưu trữ cục bộ trên máy tính của bạn.
Ở phía đối diện, có một loại phông chữ khác giữ vai trò quan trọng hơn khi trải nghiệm máy tính của bạn chuyển sang môi trường trực tuyến. Đó là các phông chữ trên web — web font — kiểu chữ được lưu trữ trên đám mây (và sau đó được lưu vào bộ nhớ cache trong trình duyệt của bạn), và được sử dụng để tạo ra văn bản xuất hiện trên các trang web mà bạn truy cập.
Lược sử về web font
Trở về giai đoạn sơ khai của Internet, kiểu chữ trên các trang web thường bị giới hạn ở những phông chữ cục bộ đã được cài đặt trên hệ thống của bạn. Nếu một phông chữ chưa được cài đặt, trang web sẽ tải một phông chữ “dự phòng” tiêu chuẩn khác thay thế. Do đó, các nhà thiết kế web thường chọn phông chữ hệ thống mặc định cho các trang web của họ, điều này khiến giao diện trang web trở nên khá nhàm chán do không có sự đa dạng về phông chữ được sử dụng.
Trong số những gói phông chữ được sử dụng trên các trang web lúc bấy giờ, Core Fonts for Web là phổ biến nhất. Đây về cơ bản là một tập hợp các kiểu chữ được cung cấp miễn phí cho các nhà thiết kế web. Bao gồm các phông chữ hệ thống được sử dụng rộng rãi trên máy tính Windows như Times New Roman, Arial, Comic Sans và Trebuchet. Ngoài ra, nhà thiết kế cũng có thể sử dụng các họ phông chữ như Serif, Sans-Serif và Monospace để chỉ định kiểu định dạng chung ngay cả khi không có sẵn một phông chữ cụ thể.
Tuy nhiên, điều này đã thay đổi vào năm 2010 khi Google tung ra Google Fonts, một kho lưu trữ mã nguồn mở khổng lồ cho các phông chữ miễn phí có thể được sử dụng ở mọi nơi trên internet. Kể từ đó, các đối thủ cạnh tranh khác, như Adobe’s Typekit và các plugin phông chữ được lưu trữ trên web, cũng đã xuất hiện, mang đến một thế giới phông chữ web rộng lớn và phong phú. Hiện nay, có hàng triệu trang web trên thế giới đang sử dụng phông chữ web, mang đến cho người dùng trải nghiệm đa dạng, thú vị hơn.
Cách thức hoạt động của web font
Nhà cung cấp kho phông chữ web lớn nhất, Google Fonts, là một thư viện web rộng lớn với hơn một nghìn gói phông chữ khác nhau. Bạn có thể sử dụng chúng trên trang web của mình bằng cách kéo chúng qua CSS. Đồng thời, các nhà phát triển thiết bị di động cũng có thể truy cập và sử dụng các gói phông chữ này khi tạo ứng dụng Android.
Khi một trang web sử dụng Google Fonts, nó sẽ lấy một phông chữ từ cơ sở dữ liệu của Google, sau đó hiển thị văn bản tương ứng khi bạn truy cập vào trang web đó bằng trình duyệt. Những gói phông chữ này được lưu trữ trên máy chủ của Google và có thể được tải gần như ngay lập tức. Các dịch vụ phông chữ đám mây khác cũng hoạt động theo cách tương tự.
Một giải pháp thay thế khác là sử dụng phông chữ nhúng, tự lưu trữ trên web. Điều này được thực hiện thông qua Web Open Font Format (WOFF) —một tệp phông chữ nén do Mozilla phát triển, tương thích với hầu hết các trình duyệt web hiện đại. WOFF sẽ là giải pháp hữu ích nếu bạn muốn nhúng một phông chữ tùy chỉnh không có sẵn trong các kho phông chữ web.
Sử dụng phông chữ Web
Về cơ bản, kho lưu trữ Google Fonts và tất cả các phông chữ trong đó đều hoàn toàn miễn phí và tất cả mọi người đều có thể truy cập được. Các phông chữ đều được sử dụng theo giấy phép mở, và rất nhiều trong số này đã trở thành “kinh điển” trong thiết kế web, chẳng hạn như Roboto, Lato và Montserrat. Google hiện cung cấp một trang web liệt kê tất cả các phông chữ có sẵn và cho phép bạn dùng thử cũng như so sánh chúng với nhau. Vì những phông chữ này được cung cấp miễn phí, bạn cũng có thể download để sử dụng chúng trên máy tính của mình.
Nhiều dịch vụ thiết kế web và quản lý nội dung như WordPress và Squarespace hỗ trợ web font. Nếu đang sử dụng trang web tùy chỉnh, bạn cần tải tệp phông chữ lên máy chủ của mình và sử dụng mã CSS để trỏ đến tệp phông chữ mà mình muốn sử dụng.
Trích nguồn: Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường miền Trung
Danh mục: Tổng hợp