Đề bài: Đoạn văn nêu cảm nghĩ về hình ảnh người bà trong bài thơ Bếp lửa
Bạn đang xem bài: Đoạn văn nêu cảm nghĩ về hình ảnh người bà trong bài thơ Bếp lửa
Đoạn văn nêu cảm nghĩ về hình ảnh người bà trong bài thơ Bếp lửa
I. Dàn ý Đoạn văn nêu cảm nghĩ về hình ảnh người bà trong bài thơ Bếp lửa (Chuẩn)
1. Mở đoạn
Giới thiệu tác giả Bằng Việt, bài thơ Bếp lửa và hình ảnh người bà.
2. Thân đoạn
a. Bà là người đã chăm sóc, dạy dỗ cháu suốt năm tháng tuổi thơ:
– Tuổi thơ của cháu là những tháng ngày gian khổ, thiếu thốn, khi nạn đói ghê rợn bao trùm khắp xóm làng, quê hương.
– “Biết mấy nắng mưa” diễn tả sự hy sinh, vất vả của cuộc đời bà.
→ Bà nhọc nhằn, vất vả mưu sinh, cưu mang, dạy dỗ cháu suốt tám năm ròng.
b. Bà luôn vững lòng, trở thành hậu phương vững chắc trong hoàn cảnh chiến tranh:
– Bố mẹ đi công tác, cháu ở với bà, bà chăm cháu từng miếng ăn giấc ngủ: “Bà bảo cháu nghe”, “bà dạy cháu làm”, “bà chăm cháu học”.
– Bà là chỗ dựa tinh thần, vỗ về cháu, đùm bọc đầy chi chút.
c. Bà tần tảo sớm khuya, nhen nhóm lên ngọn lửa niềm tin, tình yêu thương:
– Ngày ngày bà vẫn giữ thói quen dậy sớm nhóm bếp lửa, bàn tay bà chăm chút đầy tình yêu thương.
– Bếp lửa bà nhóm lên cũng là ngọn lửa của tình yêu, sự sống và niềm tin.
– Bà nhen ngọn lửa bằng chính tình thương trong trái tim mình.
d. Đánh giá chung:
– Về nội dung: hình ảnh bà hiện lên bình dị, ấm áp mà thiêng liêng, bà không chỉ là người nhóm lửa mà còn là người giữ lửa và truyền lửa.
– Về nghệ thuật: hình ảnh bếp lửa vừa thực vừa biểu tượng, kết hợp giữa nhiều yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm, giọng thơ hồi tưởng, suy ngẫm.
3. Kết đoạn
Nêu cảm nghĩ về hình ảnh người bà.
II. NhữngĐoạn văn nêu cảm nghĩ về hình ảnh người bà trong bài thơ Bếp lửa hay nhất
1. Đoạn văn nêu cảm nghĩ về hình ảnh người bà trong bài thơ Bếp lửa, mẫu 1 (Chuẩn)
Trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt, người đọc như được soi sáng bởi một chân lý: tình yêu thương và những kỉ niệm sẽ nâng đỡ bước chân mỗi con người trong suốt cuộc đời. Người bà trong bài thơ là người nhóm bếp lửa, giữ ngọn lửa luôn cháy và truyền ngọn lửa yêu thương cho thế hệ mai sau. Đầu tiên, hình ảnh người bà được khơi gợi và tái hiện qua kí ức tuổi thơ của người cháu, bà xuất hiện với dáng vẻ cần mẫn, tận tụy, chi chút tảo tần “Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”. Từ láy “đói mòn đói mỏi” ấy là hiện thực dữ dội của nạn đói, khi ấy gia đình chỉ có hai bà cháu nương tựa vào nhau, bà tần tảo sớm hôm, vất vả chăm lo cho cháu từ miếng ăn đến giấc ngủ, bàn tay bà chi chút săn sóc cho cháu, để cháu dù có xa cách bố mẹ cũng không bị bơ vơ thiếu đi tình yêu thương. Bà là hậu phương vững chắc cho bố mẹ công tác, cháu bên bà suốt những năm tháng tuổi thơ được chở che, đùm bọc và cưu mang: “Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe/ Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học”. Dù hoàn cảnh có khốn cùng thế nào, dù “Giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi” bà vẫn mong các con yên tâm làm nhiệm vụ. Suốt bao năm trời, bà vẫn luôn giữ thói quen dậy sớm nhóm bếp lửa, bếp lửa ấy có ngọn lửa giữ hơi ấm của tình yêu gia đình, bà nhóm lửa là nhóm lên nguồn yêu thương, nhóm lên bằng chính tình yêu, đức hy sinh cao cả của bà. Điệp từ “nhóm”, “bà” và “bếp lửa” xuất hiện rất nhiều lần trong cả bài thơ, như để nhấn mạnh một điều rằng cả cuộc đời bà gắn liền với vất vả gian lao, và cả cuộc đời bà đã dành để nhen nhóm tình yêu nước, lòng tin yêu vào thế hệ mai sau.
2. Đoạn văn nêu cảm nghĩ về hình ảnh người bà trong bài thơ Bếp lửa, mẫu 2 (Chuẩn)
“Bếp lửa” của Bằng Việt là một trong những bài thơ cảm động nhất viết về tình cảm bà cháu. Hình ảnh người bà trong bài thơ gắn liền với bếp lửa, bàn tay bà ấp iu, nhen nhóm bếp lửa trong mỗi buổi sớm còn mờ sương. Bếp lửa được bà thắp lên bằng tất cả sự cần mẫn, khéo léo, kiên nhẫn. Cả tuổi thơ cháu sống bên bà, đó là những ngày tháng cơ cực, vất vả, không chỉ có bom đạn chiến tranh mà còn có bóng đen của nạn đói “Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi”. Hoàn cảnh đất nước có chiến tranh và sự khốc liệt của nạn đói năm 1945 khiến cho con người quay quắt trong đói khổ. Trong hoàn cảnh ấy, bà vẫn luôn kiên cường, vững lòng để trở thành hậu phương cho cả gia đình. Bà không chỉ là bà, bà còn là bố, là mẹ, là cô là thầy, bà dạy bảo, chăm lo, dạy cháu làm, chăm cháu học, bà vất vả khó nhọc nhưng vẫn luôn vững lòng, dặn cháu “Cứ bảo nhà vẫn được bình yên” để ở nơi tiền tuyến các con yên tâm công tác. Cả một đời bà lận đận vì con, vì cháu, trải qua biết bao nắng mưa, vất vả, nhọc nhằn, bếp lửa bà nhóm lên không chỉ là một bếp lửa đơn thuần, đó là bếp lửa của tình cảm gia đình, tình yêu thương vô bờ bến. Bà nhen ngọn lửa từ chính trong lòng bà “ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…”, suốt mấy chục năm bà vẫn thói quen nhóm lửa, nhóm lên “niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi” , “Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ”. Bà nhóm lên bếp lửa như nhóm lên ngọn lửa niềm tin và sức sống cho thế hệ trẻ mai sau, một ngọn lửa sẽ không bao giờ tắt trong trái tim người bà. Bài thơ là nỗi nhớ thương da diết của người cháu dành cho bà, đó là tình yêu thương, sự biết ơn đối với công lao chăm sóc, dưỡng dục của bà.
3. Đoạn văn nêu cảm nghĩ về hình ảnh người bà trong bài thơ Bếp lửa, mẫu 3 (Chuẩn)
Thông qua hình ảnh bếp lửa, nhà thơ Bằng Việt đã tái hiện đầy sống động hình ảnh của người bà tần tảo, giàu yêu thương, đằng sau đó là tình yêu thương của người cháu dành cho bà. Hình ảnh người bà được gợi lên không phải qua những câu chuyện cổ tích bà kể cháu nghe mà lại là một cuộc đời vất vả, lam lũ “biết mấy nắng mưa”. Cả một tuổi thơ của cháu là những tháng ngày chung sống bên bà, do là một tay bà cưu mang chăm sóc, tuổi thơ ấy là những năm tháng nhọc nhằn cơ cực đối với bà. Trong khi cha mẹ bận công tác, bận chống giặc thì đã có bà là hậu phương vững chắc. “Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen” câu thơ gợi ra vòng tuần hoàn của ngọn lửa không bao giờ tắt, đó là ngọn lửa được nhóm chính bởi tình yêu và lòng tin trong lòng bà. Thói quen dậy sớm nhóm bếp lửa của bà đã theo bà suốt mấy chục năm cuộc đời, ngọn lửa của bà nhóm lên lan tỏa hơi ấm tình thương, ý thức chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau và hơn hết đó là niềm tin yêu cuộc sống, hướng thế hệ trẻ về tương lai tươi sáng của đất nước không còn nghèo đói, không còn chiến tranh.
—————HẾT—————
Để tìm hiểu chi tiết nội dung cũng như nghệ thuật đặc sắc của bài thơ Bếp lửa các em có thể tham khảo thêm những bài văn mẫu đặc sắc khác như: Đoạn văn cảm nhận khổ cuối bài Bếp lửa, Đoạn văn cảm nhận những suy ngẫm của người cháu về bà và bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa, Đoạn văn phân tích khổ 1 bài thơ Bếp lửa, Đoạn văn phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài Bếp lửa.
Trích nguồn: Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường miền Trung
Danh mục: Giáo dục