Đề bài: Đoạn văn phân tích tinh thần lạc quan của những người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Bạn đang xem bài: Đoạn văn phân tích tinh thần lạc quan của những người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Đoạn văn phân tích tinh thần lạc quan của những người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính
I. Dàn ýĐoạn văn phân tích tinh thần lạc quan của những người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Chuẩn)
1. Mở đoạn
– Giới thiệu về tác giả Phạm Tiến Duật, tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” và tinh thần lạc quan của những người lính lái xe.
2. Thân đoạn:
a. Lí giải về lòng lạc quan:
– Lòng lạc quan là niềm tin ở tương lai tốt đẹp giúp con người vượt qua những gian khổ, thách thức trước mắt. Nó được bộc lộ ở tiếng cười, câu đùa… ngay trong thực tại gian nan, vất vả.
b. Phân tích tinh thần lạc quan của những người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính
– Người lính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính phải đối diện với muôn vàn khó khăn.
– Đối diện với những gian khổ ấy là lòng lạc quan đáng khâm phục của những người lính:
+ Hình ảnh so sánh “bụi phun tóc trắng như người già” vừa khắc họa chân dung người lính vừa nói lên sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
→ Tiếng cười “haha” cất lên từ những khuôn mặt lấm láp bụi đường thể hiện sự coi thường, vượt lên và thách thức khó khăn.
– Cách so sánh “mưa tuôn mưa xối như ngoài trời” gợi ra hiện thực dữ dội của mưa rừng. Nhưng dù là bão táp mưa sa người lính vẫn đầy thách thức và lạc quan. Người lính tin rằng “mưa ngừng” rồi “gió lùa mau khô thôi”.
– Điệp ngữ “ừ thì” thể hiện thái độ lạc lạc quan, yêu đời, không ngại khó khăn, gian khổ của những người lính.
– “chưa cần” mang ý nghĩa về sự phủ định một hành động phải diễn ra ngay trong thực tại từ đó thể hiện sự thách thức của người lính với những khó khăn đồng thời cũng cho thấy niềm lạc quan ở họ.
c. Kết đoạn:
Khẳng định tinh thần lạc quan của những người lính.
II. NhữngĐoạn văn phân tích tinh thần lạc quan của những người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính hay nhất
1. Đoạn văn phân tích tinh thần lạc quan của những người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính, mẫu 1 (Chuẩn)
Phạm Tiến Duật là một trong số những nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Nhắc đến ông, người ta không thể không nhắc đến “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” với hình tượng người lính ngang tàn, dũng cảm với một niềm tin mãnh liệt vào tương lai tương sáng. Chính lòng lạc quan cùng tình yêu nước, lí tưởng đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc đã giúp người lính vượt qua mọi khó khăn gian khổ. Đối đầu với mưa bom bão đạn từ quân thù những chiếc kính mỏng manh vỡ vụn khiến những người lính trong xe phải đối mặt với “gió vào xoa mắt đắng”, “bụi phun tóc trắng như người già” và “mưa tuôn mưa xối như ngoài trời”. Người lính đã vượt lên tất cả những gian khổ ấy bằng lòng lạc quan mà biểu hiện trước hết là tiếng cười vui tươi, yêu đời. Những chiếc xe không còn kính bởi bom rơi, đạn nổ khiến bụi đường ùa vào buồng lái. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi từng viết về bụi đường Trường Sơn “Đoàn quân vẫn đi vội vã/ Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa”. Đối với Phạm Tiến Duật thì bụi Trường Sơn đã làm nên mái tóc bạc của người lính “Bụi phun tóc trắng như người già”. So sánh, màu trắng của tóc bám bụi với màu trắng của tóc người già vừa khắc họa chân dung người chiến sĩ vừa thể hiện sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Dẫu khó khăn là vậy, nhưng tâm hồn người lính vẫn đầy tràn lòng lạc quan. Tiếng cười “ha ha” trong câu thơ “nhìn nhau mặt lấm cười ha ha” là tiếng cười bật lên từ những khuôn mặt lấm láp cho thấy gió bụi không thể dập tắt lòng yêu đời, yêu Tổ quốc của người lính. Không còn kính, người chiến sĩ lái xe phải đối diện với mưa rừng. Qua so sánh “mưa tuôn mưa xối như ngoài trời” Phạm Tiến Duật đã nói lên sự dữ dội của màn mưa Trường Sơn. Thế nhưng, những người lính tin rằng sẽ có có lúc mưa ngừng rồi gió lùa sẽ khiến áo quần “mau khô thôi”. Điệp ngữ “ừ thì” thể hiện thái độ lạc lạc quan, yêu đời, không ngại khó khăn, gian khổ của những người lính. “chưa cần” vốn mang nghĩa phủ định những việc cần làm ngay thực tại dù đó là việc rửa sạch khuôn mặt lấm láp bụi đường hay hong khô quần áo ướt nước mưa qua đó cho thấy lòng lạc quan của người lính. Mọi khó khăn đều có thể gác lại nhường chỗ cho phút giây cất tiếng cười “ha ha” và nhường chỗ cho niềm tin “gió lùa mau khô thôi”. Bài thơ về tiểu đội xe không kính khắc họa thành công hình tượng những người lính mang dáng vẻ hiên ngang, ý chí kiên cường cùng lòng lạc quan tươi sáng. Bom đạn chiến trường chỉ tuy làm vỡ những tấm kính mỏng nhưng lại làm sáng lên vẻ đẹp tâm hồn của người lính.
2. Đoạn văn phân tích tinh thần lạc quan của những người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính, mẫu 2 (Chuẩn)
Phạm Tiến Duật là một trong số những cây bút trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Ông thường viết về người lính với tâm hồn trẻ trung, sôi nổi, tràn đầy tình yêu Tổ quốc và lòng lạc quan yêu đời. Bài thơ về tiểu đội xe không kính được in trong tập “Vầng Trăng – Quầng lửa” là một bài thơ như vậy. Lòng lạc quan vẫn luôn tồn tại trong mỗi người nhưng nó chỉ thực sự thể hiện rõ nhất khi con người phải đối diện với khó khăn, gian khổ. Lạc quan là lòng tin ở tương lai tốt đẹp chắc chắn sẽ đến. Tinh thần lạc quan của người lính thể hiện ở tiếng cười trước gió bụi mịt mù. Động từ “phun” diễn tả sự tuôn trào, cuộn sóng của bụi đường. Chính màn bụi đó đã khiến người lính trở nên lấm lem. So sánh “bụi phun tóc trắng như người già” thể hiện sự liên tưởng độc đáo, ngộ nghĩnh của người lính. Qua góc nhìn so sánh ấy, người lính thể hiện sự lạc quan trước khó khăn, gian khổ. Sự lạc quan còn thể hiện rõ nhất khi người lính cất tiếng cười “ha ha” dù khuôn mặt lấm láp bụi đường bởi tiếng cười luôn là biểu hiện cao nhất của niềm vui, lòng lạc quan trước cuộc đời. Không còn kính, người lính trong ca bin phải đối mặt trực tiếp với mưa rừng xối xả. So sánh “mưa tuôn mưa xối như ngoài trời” đã diễn tả được những khắc nghiệt của thiên nhiên mà người lái xe phải hứng chịu. Điệp từ “mưa” gợi tả cơn mưa rừng mù mịt. Dẫu nó mang đến cái lạnh cùng sự ẩm ướt nhưng người lính không hề sợ hãi mà vẫn hiên ngang đối mặt. Người lính tin rằng “mưa ngừng” gió sẽ lùa và quần áo “mau khô thôi”. Hai khổ thơ 3 và 4 với việc sử dụng điệp ngữ “không có kính, ừ thì” cùng điệp cấu trúc “không có kính, ừ thì…” đã khiến giọng thơ trở nên gần gũi, hóm hỉnh đậm chất lính. Từ “chưa cần” cũng được điệp lại cho thấy sự ngang tàng và lạc quan của người lính. Những việc tưởng chừng gấp gáp nhất như rửa sạch khuôn mặt bụi đường hay phơi khô quần áo đều trở nên chưa cần thiết ngay bởi khó khăn đâu có là gì và cũng bởi chính khó khăn ấy mang đến cho họ tiếng cười vui vẻ vì mái tóc bất ngờ chuyển trắng, bởi họ tin rằng mọi khó khăn rồi sẽ qua đi. “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” đã thành công khắc họa hình tượng người lính Trường Sơn mà nổi bật lên là lòng lạc quan cách mạng. Với trái tim sục sôi lòng yêu nước, tâm hồn tràn đầy niềm tin ở tương lai người lính đã vượt qua mọi gian khổ để đến với ngày chiến thắng khải hoàn.
3. Đoạn văn phân tích tinh thần lạc quan của những người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính, mẫu 3 (Chuẩn)
“Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là một trong những sáng tác làm nên tên tuổi của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến chống Mĩ, Phạm Tiến Duật thường viết về người lính với tâm hồn trẻ trung, tràn đầy lòng lạc quan yêu đời. Người lính trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là một người như vậy. Chiến tranh ác liệt, người lính Trường Sơn phải đối diện với vô vàn khó khăn. Bom rơi, đạn nổ khiến những chiếc xe không còn kính từ đó người lính phải đối diện với gió – “gió vào xoa mắt đắng”, đối diện với bụi – “bụi phun tóc trắng như người già”; đối diện với mưa – “mưa tuôn mưa xối như ngoài trời”. Thế nhưng dù là khó khăn nào người lính vẫn luôn lạc quan. Trước khó khăn, họ cất tiếng cười trẻ trung sôi nổi. Câu thơ “không có kính, ừ thì có bụi” vừa khẳng định đặc điểm của những chiếc xe vừa thừa nhận những khó khăn do đặc điểm đó mang lại bằng một ngôn từ trẻ trung, hóm hỉnh, đậm chất lính. Bụi đường khiến mái tóc, khuôn mặt người lính trở nên lấm lem. Bụi biến những chàng trai trẻ thành “người già”. So sánh “bụi phun tóc trắng như người già” vừa diễn tả được ngoại hình của người lính vừa thể hiện góc nhìn ngộ nghĩnh của họ. Lấm láp bụi đường những người đồng đội thấy nhau trong một diện mạo khác từ đó tiếng cười bật lên một cách bất ngờ mà ở đâu có tiếng cười thì ở đó có lòng lạc quan. Bên cạnh tiếng cười, lòng lạc quan còn thể hiện ở niềm tin vào tương lai. Không còn kính, chiếc cabin không thể ngăn được cơn mưa rừng làm ướt người lính “không có kính, ừ thì ướt áo”. Một lần nữa, người lính nói về đặc điểm của chiếc xe và thừa nhận khó khăn bằng một giọng ngang tàng. Dẫu ướt áo nhưng “chưa cần thay” bởi khi mưa ngừng gió lùa sẽ khô thôi. Niềm tin của người lính vào việc gió lùa khô áo vừa cho thấy sự ngang tàng thách thức thiên nhiên, vừa cho thấy niềm lạc quan ở họ. Xuyên suốt hai khổ thơ 3 và 4 hình tượng người lính lái xe hiện lên với vẻ ngang tàng, lạc quan. Điệp ngữ “không có kính, ừ thì” kết hợp với điệp cấu trúc “không có kính, ừ thì…” tạo nên giọng thơ trẻ trung, hồn nhiên. “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là một trong số những bài thơ tiêu biểu viết về người lính. Qua trang thơ Phạm Tiến Duật, người đọc chắc chắn không thể quên những những người lính ngang tàng mà lạc quan từ đó trân trọng hơn những người cầm súng đã đi qua chiến tranh, hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước.
—————HẾT—————
Như vậy, Đoạn văn phân tích tinh thần lạc quan của những người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính đã giúp các em thêm khâm phục, ngưỡng mộ những anh bộ đội cụ Hồ. Để có cái nhìn tổng quát về tác phẩm, mời các em cùng tham khảo những bài viết sau: Đoạn văn phân tích khổ 1, 2 Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Phân tích khổ 5, 6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Đoạn văn phân tích vẻ đẹp của người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Phân tích vẻ đẹp thế hệ trẻ qua Bài thơ tiểu đội xe không kính và Những ngôi sao xa xôi.
Trích nguồn: Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường miền Trung
Danh mục: Giáo dục