Văn mẫu lớp 11

Phân tích cảnh cho chữ trong truyện Chữ người tử tù (dàn ý – 5 mẫu)

Phân tích cảnh cho chữ trong truyện Chữ người tử tù (dàn ý – 5 mẫu)

Phân tích cảnh cho chữ trong truyện Chữ người tử tù (dàn ý – 5 mẫu)

Bài văn Phân tích cảnh cho chữ trong truyện Chữ người tử tù gồm dàn ý phân tích chi tiết, sơ đồ tư duy và 5 bài văn phân tích mẫu hay nhất, ngắn gọn được tổng hợp và chọn lọc từ những bài văn hay đạt điểm cao của học sinh lớp 11. Hi vọng với
5 bài phân tích cảnh cho chữ trong truyện Chữ người tử tù này các bạn sẽ yêu thích và viết văn hay hơn.

Đề bài: Phân tích cảnh cho chữ trong truyện ngắn “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân.

Bạn đang xem bài: Phân tích cảnh cho chữ trong truyện Chữ người tử tù (dàn ý – 5 mẫu)

Cảm nhận về cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù – Cô Lê Minh Nguyệt (Giáo viên VietJack)

Dàn ý kenkenpham

I. Mở bài:

– Nguyễn Tuân là nhà văn yêu cái đẹp và luôn hướng tới nó. Văn ông không thiếu những con người, những hoàn cảnh đẹp đến hoàn bích mà cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù là ví dụ điển hình.

– Trong tác phẩm Chữ người tử tù thì cảnh cho chữ chính là trung tâm của mọi giá trị nghệ thuật, nó vừa khắc họa chân dung người tử tù hiên ngang, thi vị lại vừa thể hiện được tư tưởng nhân văn sâu sắc.

– Cảnh cho chữ là một áng văn “xưa nay chưa từng có”

II. Thân bài

1. Tóm tắt hoàn cảnh trước khi cho chữ

– Người tù Huấn Cao: vốn là người có tâm hồn phóng khoáng, thích tự do và chán ghét những kẻ nhũng nhiễu nhân dân. Ông còn là người nghệ sĩ tài năng yêu thích cái đẹp và luôn giữ gìn thiên lương trong sáng. Huấn Cao cũng có nguyên tắc riêng của mình, ông viết chữ nổi tiếng nhưng chỉ cho những người ông quý, không bao giờ cúi đầu trước uy quyền và đồng tiền.

– Quản ngục: một người có thiên lương, biết quý trọng người hiền và yêu cái đẹp nhưng lại làm nghề quản ngục. Khao khát được chữ của Huấn Cao treo trong nhà là khao khát lớn đời ông.

– Cảnh cho chữ diễn ra trong ngục tối.

– Trong bối cảnh giữa một người tù và một tên quản ngục, ban đầu Huấn Cao không nhận ra tấm lòng của viên quản ngục nhưng sau đó người tử tù không thể từ chối mong muốn chính đáng của một người biệt nhỡn liên tài.

2. Diễn biến cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù

– Thời gian: Tình huống cho chữ diễn ra hết sức tự nhiên trong thời gian giữa đêm nhưng lại là thời gian cuối cùng của một con người tài hoa.

– Không gian: Cảnh cho chữ thiêng liêng lại được diễn ra trong cảnh u ám của ngục tối. Bối cảnh được khắc họa trên nền đất ẩm thấp, mùi hôi của dán, chuột…

– Người cho chữ là người tử tù nhưng oai phong, đang trong tư thế ban ân huệ cuối cùng của mình cho người khác. Kẻ xin chữ lẻ ra là người có quyền hành hơn nhưng cúi đầu mang ơn.

3. Giải thích tại sao Cảnh cho chữ là cảnh tượng xưa nay chưa từng có:

– Thông thường người ta chỉ sáng tác nghệ thuật ở nơi có không gian rộng rãi, trang nghiêm hay ít nhất là nơi sạch sẽ, đằng này cảnh cho chữ lại diễn ra nơi cái ác ngự trị.

– Người nghệ sĩ làm ra tác phẩm nghệ thuật phải thật sự thoải mái về tâm lí, thể xác trong khi Huấn Cao phải đeo gông, xiềng xích và nhận án tử vào ngày hôm sau.

– Người quản ngục là người có quyền bắt buộc kẻ tử tù nhưng ngược lại kẻ tử tù lại ở vị thế cao hơn có quyền cho hay không cho chữ.

4. Ý nghĩa của cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù

– Ca ngợi tấm lòng thiên lương của hai nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục

– Ca ngợi sự chiến thắng của cái đẹp dù ở nơi u ám nhất.

– Khẳng định vẻ đẹp tâm hồn trong con người của Huấn Cao từ đó thể hiện quan niệm thẩm mĩ của Nguyễn Tuân.

III. Kết bài

– Khái quát lại vấn đề.

Sơ đồ kenkenpham

Phân tích cảnh cho chữ trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

Phân tích cảnh cho chữ – mẫu 1

Nguyễn Tuân là một trong năm tác gia lớn của nền văn học Việt Nam. Ông có đóng góp không nhỏ đối với nền văn học hiện đại. Suốt cả cuộc đời Nguyễn Tuân luôn khát khao đi tìm cái đẹp, cái tinh hoa của đất trời để sáng tạo nên những kiệt tác văn học độc đáo. Và tác phẩm “Chữ người tử tù” trích trong tập “Vang bóng một thời”của ông cũng chứa đựng những nét đẹp đó.

Từ xưa đến nay, chơi chữ được coi là một thú chơi tao nhã của những kẻ có học thức. Thú chơi chữ thể hiện được toàn bộ cái đẹp, cái tài năng và cả trí tuệ của người viết cũng như người thưởng thức. Cảnh cho chữ thường được diễn ra tại những nơi trang trọng, có đủ trăng hoa tuyết nguyệt để khơi nguồn cảm xúc. Rồi từ đó những nét chữ uyển chuyển mang trong nó cả cái hồn riêng được ra đời. Nhưng cũng những nét chữ uyển chuyển có hồn ấy, Nguyễn Tuân lại cho nó sinh ra trong một hoàn cảnh khác lạ, “ một cảnh xưa nay hiếm”. Đó là cảnh cho chữ trong tác phẩm: ”Chữ người tử tù” trích trong tập “Vang bóng một thời”.

Nguyễn Tuân là một trong những nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông có đóng góp rất lớn cho nền văn học nước nhà đặc biệt là ở thể tùy bút. Nguyễn Tuân có nhiều tác phẩm hay như: Một chuyến đi, Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi, sông Đà, Vang bóng một thời,… Vang bóng một thời là một trong những tác phẩm thành công nhất của Nguyễn Tuân, cũng là một trong những truyện ngắn hay nhất trong kho tàng văn học Việt Nam.

Truyện ngắn “chữ người tử tù” ban đầu có tên là “dòng chữ cuối cùng”. Đây là tác phẩm kết tinh tài hoa của Nguyễn Tuân trước Cách Mạng và được nhà phê bình Vũ Ngọc Phan đánh giá là “một văn phẩm đạt gần tới sự hoàn thiện, toàn mĩ”. Nhân vật chính trong truyện ngắn này là Huấn Cao- một con người văn võ song toàn. Huấn Cao có tiếng là người có tài viết chữ Hán nhanh và đẹp. Ông không chỉ cái cái tài về nghệ thuật thư pháp mà còn có cái trí tuệ uyên bác. Từng nét chữ của ông ẩn chứa cả văn hóa, quan niệm về nhân thế. Người ta treo chữ ông trong nhà không chỉ để chiêm ngưỡng cái đẹp của bức thi họa, mà còn để ngẫm nghĩ những tư tưởng sâu sắc. Nhưng “tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ. Có được chữ ông Huấn mà treo là một vật báu trên đời”. Không chủ có tài về nghệ thuật, ông Huấn còn là người có thiên lương. Tính ông chính trực, khẳng khái, không vì tiền bạc, quyền thế mà ép mình cho chữ bao giờ. Gặp hình tượng nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm, khiến người đọc dễ dàng liên tưởng tới người thủ lĩnh tài ba văn vó phong toàn, người anh hùng dân tộc Cao Bá Quát. Được nhân dân ca tụng:

“Văn như Siêu Quát vô tiền Hán

Thi đảo Tùng Tuy thất thịnh Đường”.

Thật vậy, ngay lúc bước vào tù lao, vác trên vai cái gông lớn bằng gỗ lim, ông Huấn không những không mảy may run sợ trước lời quát nạt của tên lính áp giải mà vẫn lạnh lùng “thúc mạnh đầu thang gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái”. Lúc bị giam trong nhà lao, trước sự biệt nhỡn của viên quản ngục, ngày ngày đưa rượu thịt vào cho ông và các đồng chí, ông vẫn thản nhiên đón nhận và coi đó là “hứng sinh bình”, thậm chí ông còn coi khinh viên quản ngục, không muốn hắn bước vào buồng giam của ông thêm lần nào nữa.

Một con người có tài năng về nghệ thuật, có thiên lương cao đẹp, lại có khí phách ngang tàn và tính khoảnh như Huấn Cao tưởng chừng như sẽ không bao giờ chịu chấp nhận tặng chữ của mình cho viên quản ngục. Thế nhưng, khi hiểu ra nỗi lòng và sở thích cao quý của viên quản ngục, biết ông đã bất chấp cả tính mạng của mình vì thú vui cao quý, Huấn Cao đã thay đổi định kiến về một kẻ tiểu lại giữ tù như ông , ân hận vì thiếu chút nữa “đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ” và quyết định tặng chữ cho ông. Chính lúc này, thiên lương của ông đã tự tỏa sáng, bên cạnh thứ ánh sáng đỏ rực của bó đuốc, tỏa sáng cả căn buồng giam chật hẹp ẩm thấp đầy phân gián phân chuột hôi hám. Trong chính cái đêm hôm ấy, cái đẹp đã lên ngôi. Từ một viên quản ngục hàng ngày khét tiếng tàn bạo giờ đây lại khúm núm. Một kẻ tử tù, “ cổ đeo gông, chân vướng xiềng” lại đĩnh đạc, làm chủ nơi ngục tù. Kẻ tử tù ấy dù bị giam hãm về thể xác nhưng nhân cách y lại tự do khác hẳn với kẻ tưởng chừng tự do nhưng lại bị trói buộc cả tâm hồn tại nơi ngục tù tăm tối, nơi cái ác ngự trị này. Nơi ngục tù tăm tối ấy, đêm nay lại diễn ra “cảnh xưa nay chưa từng có”. Cảnh cho chữ – cho một vật báu trên đời lại được diễn ra tại nơi tối tăm chật hẹp. Cái ánh sáng của ngọn đuốc cháy đỏ rực xóa tan bóng đêm tăm tối. Mùi thơm từ chậu mức bốc lên xoa dịu đi mùi hôi tanh của căn phòng. Trên tấm lụa bạch còn nguyên lần hồ, từng nét chữ vừa đẹp, vừa vuông của ông Huấn dần hiện ra. Vậy là cái đẹp có thể nảy sinh trên nền cái xấu, cái ác, cái tội lỗi nhưng không bao giờ sống chung với cái xấu, cái ác. Vì thế, sau khi cho chữ xong, Huấn Cao đã khuyên viên quản ngục đổi nghề, đổi chỗ ở để giữ thiên lương cho lành vững, phải có thiên lương lành vững mới thưởng thức được cái đẹp. Cái thiên lương cao đẹp của ông Huấn cũng là sáng bừng cả thiên lương ẩn giấu của quản ngục. Hành động xin “bái lĩnh” của y chính là sự chiến thắng của cái đẹp, sự thất bại thảm hại của cái xấu, cái ác. Cảnh cho chữ không diễn ra ở nơi có trăng hoa tuyết nguyệt mà lại ở trong căn buồng tăm tối chật hẹp. Nơi ngự trị của cái ác lại là nơi cái đẹp được “khai sinh”, thăng hoa. Toàn bộ bóng đêm tăm tối của ngục tù đã sụp đổ, chỉ còn lại vẻ đẹp thuần khiết của khí phách của thiên lương. Người tử tù dù ngày mai có phải chịu án tử hình nhưng kẻ ấy không chết mà sẽ đi vào cõi bất tử cùng với cái đẹp. Huấn Cao là hiện thân cho vẻ đẹp hoàn mỹ, con người ấy chỉ có thể chết về tinh thần , nhưng tử tưởng đẹp của ông Huấn và từng lờ dạy của ông sẽ còn lại với đời, sẽ theo viên quản ngục trong suốt cuộc đời còn lại.

Câu chuyện thành công không chỉ vì nó phê phán đúng thực trạng xã hội đương thời mà còn vì cái độc đáo khác lạ của tình huống truyện. Câu chuyện kể về cuộc gặp gỡ giữa hai con người hoàn toàn khác nhau. Một người là viên quan quản ngục- một công cụ trấn át kẻ tù tội phục vụ cho triều đình, còn người kia là kẻ tử tù chống lại triều đình. Thế nhưng chính cái đẹp đã đẩy hai con người hoàn toàn khác biệt ấy trở thành tri kỉ. Họ là người nghệ sĩ, biết yêu và coi trọng cái đẹp. Cái độc đáo của truyện cũng nằm trong chính từng nhân vật. Huấn Cao – tên tử tù – lại là một nghệ sĩ sáng tạo ra cái đẹp. Viên quản ngục – công cụ trấn tội phạm của triều đình- lại là con người có mong muốn thưởng thức cái đẹp. Cả câu chuyện mang vẻ cổ kính từ nhân vật, cảnh cho chữ cho đến ngôn ngữ câu văn. Chính nghệ thuật đối lập tương phản, kết hợp với bút pháp tả thực và bút pháp lãng mạn đã đem đến thành công cho tác phẩm. Không gian ẩm thấp nơi buồng giam, thời gian đêm tối bóng dáng con người trong đêm và ánh sáng bó đuốc như ánh sáng của thiên lương, của tài năng, khí phách. Màn đêm tăm tối của ngục từ – hiện thân cho cái ác – lại bị ánh sáng của tài năng, thiên lương làm sụp đổ. Không gian được miêu tả hẹp dần: từ căn phòng đến ánh sáng ngọn đuốc, tấm lụa trắng tinh rồi đến từng con chữ vuông vắn.

Dường như, cảnh cho chữ và hình tượng nhân vật Huấn Cao đã giúp Nguyễn Tuân thể hiện thành công phong cách nghệ thuật của mình. Ông luôn hướng tới cái đẹp, cái phi thường lí tưởng, đã đẹp phải tuyệt mĩ, đã tài phải siêu phàm, nhưng cũng có cá tính độc đáo.

Câu chuyện kết thúc nhưng dư âm về cái đẹp, cái khí phách hiên ngang và thiên lương cao quý của ông Huấn vẫn còn vương vấn. Người đọc có thể hình dung ra một viên quản ngục từ biệt nơi quan trường đầy thị phi mà trở về quê nhà. Ngày ngày, ông thư thả ngắm bức thi họa của ông Huấn ban cho được treo ngay ngắn trong gian giữa ngôi nhà mà trong lòng vẫn khắc sâu lời khuyên răn của ông Huấn.

Phân tích cảnh cho chữ – mẫu 2

Nguyễn Tuân được sinh ra trong 1 gia đình nhà nho khi Hán học đã tàn, thơ văn của ông luôn viết về cái đẹp, ông dành cả cuộc đời của mình để đi săn tìm cái đẹp. Ông có những đóng góp không nhỏ cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Tác phẩm “Chữ người tử tù” được in trong tập “Vang bóng một thời” đánh dấu tài năng của Nguyễn Tuân trước cách mạng tháng Tám và được coi như là 1 văn phẩm đạt gần đến độ hoàn mĩ. Ở cuối truyện, cảnh cho chữ là cảnh được tác giả tập trung miêu tả, tô đâm vẻ đẹp lãng mạn của người anh hùng Huấn Cao, qua đó khẳng định được sự chiến thắng của thiên lương, của ánh sáng trước bóng tối và cái xấu. Có thể nói, cảnh cho chữ là cảnh tượng đắt giá nhất, cảnh mà xưa này chưa từng có.

Truyện ngắn được xây dựng dựa trên mối quan hệ giữa 2 nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục, cả 2 đều là nhân vật của chủ nghĩa lãng mạn, vượt lên hoàn cảnh, không chịu sự chi phối của hoàn cảnh. Huấn Cao là người nghệ sĩ tài hoa, với nghệ thuật viết thư pháp, nét chữ ông trở thành niềm khao khát của biết bao nhiêu con người có thú chơi chữ. Và quản ngục là 1 trong số đó, sở nguyện lớn nhất của quản ngục là có được đôi câu chữ của Huấn Cao treo trong nhà, Ở đây, người nghệ sĩ gặp kẻ tri âm trong 1 hoàn cảnh bất thường: Người có nét chữ huyền thoại kia lại là người tử tù, còn người có thú chơi chữ tao nhã kia lại là 1 viên quản ngục. Chuyện xin chữ tưởng như khó có thể xảy ra bởi cả cuộc đời ông mới chỉ cho chữ có 3 người. Liệu Huấn Cao có thể cho chữ cho kẻ tiểu lại như quan nhục chăng? Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra, điều không thể đã trở thành có thể, chính nhờ sở thích cao quý, tấm lòng quý trọng người tài của quản ngục đã khiến Huấn Cao phải xúc động. Ông đã dành đêm cuối cùng của mình tại nhà giam tỉnh Sơn để cho chữ quản ngục, ông cho chữ không phải là để phô trương tài năng mà là để tạ 1 tấm lòng.

Cảnh ông Huấn cho chữ trong nhà giam được khắc họa bằng chi tiết gây ấn tượng, cảm hứng mãnh liệt trước cảnh tượng cho chữ xưa nay khó có đã khiến Nguyễn Tuân say sưa sáng tạo bằng các ngôn từ sắc sảo, bút pháp dựng người, dựng cảnh đạt tới độ điêu luyện. Cảnh cho chữ được diễn ra vào buổi đêm, đêm cuối cùng của ông Huân tại nhà ngục. Địa điểm cho chữ là ngay trong buồng giam chật hẹp với mạng nhện đầy tường, trên đất bừa bãi phân chuột phân gián Trong không khí trang nghiêm 3 nhân vật hiện lên trong 3 tư thế khác nhau: Huấn Cao thì cổ đeo gông, còn chân vướng xiềng nhưng vẫn ung dung vẽ đậm to từng nét chữ, viên quản ngục thì đang khúm núm cất những đồng tiền kẽm để đánh dấu từng ô chữ, còn thầy thơ lại thì đang run run bê lấy chậu mực. Tuy là khác nhau về tư thế, về địa vị về con người nhưng họ đều có điểm chung là biết thưởng thức và trân trọng cái đẹp Những nét chữ của con người chuẩn bị đi vào cõi chết mà không hề ngả nghiêng xiêu vẹo mà “vuông, tươi tắn nói lên hoài bão tung hoành của 1 đời con người”. Những nét chữ như phượng múa rồng bay thể hiện được tài năng của ông Huấn. Không chỉ vậy, với thái độ ung dung, tràn trề cảm hứng sáng tạo, ông còn tinh tế cảm nhận được mùi mực thơm ngát thể hiện được khí phách hiên ngang, không sợ cái chết của ông Huấn. Nếu không có tinh thần tự do, không có sức mạnh thì chắc chắn sẽ không có được phong độ ấy. Khi viết chữ xong, ông buồn bã đỡ quản ngục đứng thẳng dậy, ông buồn không phải vì ngày mai mình sẽ bị giải ra pháp trường mà ông buồn vì người như quản ngục lại phải…. Ông còn khuyên quản ngục thật chân thành hãy tìm về nhà quê mà ở, xong rồi hãy nghĩ tới chuyện chơi chữ, ở đây khó lòng giữ được thiên lương cho lành vững. Lời khuyên đặt ra yêu cầu đối với người thưởng thức: Phải có tâm hồn đẹp mới có thể cảm nhận được hết cái đẹp, phải có 1 môi trường tốt để cái đẹp được bảo vệ và giữ gìn. Như vậy, Huấn cao chuẩn bị đi vào cõi chết mà vẫn nghĩ tới sự sống của cái đẹp, cái đẹp không thể ở chung với cái xấu. Ông cho chữ quản ngục là để tạ 1 tấm lòng, để chia sẻ với 1 tri kỉ và để nâng đỡ 1 thiên lương.

Có thể nói, cảnh cho chữ diễn ra nơi tù ngục nhưng cũng rất xúc động và thiêng liêng. Quản ngục nghe xong lời khuyên của ông Huấn, ông chắp tay nói 1 câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào “ Kẻ mê muội này xin bái lĩnh “. Qua thái độ kính cẩn của quản ngục, người đọc có thể thấy được thái độ trân trọng đặc biệt đối với người tài và cái đẹp, cái đẹp có khả năng cảm hóa con người, đưa những con người đang lầm đường lạc lối trở về con đường trong sáng. Trong đoạn văn tác giả sử dụng thành công thủ pháp đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, giữa mùi thơm với mùi ô uế, bẩn thỉu, Ánh sáng ở đây không chỉ là ánh sáng của bó đuốc mà còn là ánh sáng của cái đẹp, mùi thơm ở đây không chỉ là mùi thơm của chậu mực mà còn là mùi thơm tỏa ra từ nhân cách con người. Bóng tối không thể che lấp được màu trắng của tấm vải, không thể che được ngọn đuốc đang cháy rừng rực và mùi mực tàu thơm ngát.

Có thể khẳng định cảnh ông Huấn cho chữ là cảnh “xưa nay chưa từng có” vì thú chơi chữ là 1 thú chơi tao nhã thanh cao, người có tài viết chữ đẹp mà đạt tới trình độ viết thư pháp không có nhiều, người thưởng thức cũng phải là người có vốn văn hóa nhất định. Bình thường cảnh cho chữ thường được diễn ra nơi sảnh đường thoáng mát, thanh cao để người nghệ sĩ có thể thoải mái mà sáng tạo nhưng Huấn Cao lại cho chữ trong nhà ngục, nơi bóng tối ngự trị, nơi cái ác lên ngôi. Nhưng có lẽ, vì ánh sáng kia quá đẹp nên đã che lấp bóng tối, bóng tối ở đây càng làm tô đậm hơn nét đẹp của ánh sáng. Bình thường quản ngục là đại diện cho pháp luật ở chốn lao tù, là người của triều đình ở thế bề trên vậy mà trong cảnh này Huấn Cao lại ung dung trong tư thế làm chủ, kẻ có chức năng đi giáo dục người khác lại bị giáo dục lại. Như vậy, Nguyễn Tuân đã làm 1 cuộc đảo lộn trật tự xã hội để cho thấy, ở cảnh này, không con người tử tù, cũng không còn quản ngục, gông xiềng bị vô hiệu hóa, chỉ còn người nghệ sĩ đang sáng tạo cái đẹp và người thưởng thức, sủng kính cái đẹp

Qua truyện ngắn “Chữ người tử tù” người đọc có thể dễ dàng thấy được quan niệm thẩm mĩ của Nguyễn Tuân: cái đẹp gắn với cái thiện và cái tài phải đi liền với cái tâm. Cảnh cho chữ cũng khơi gợi cho con người phải biết trân trọng các giá trị của văn hóa truyền thống, phải biết giữ gìn các truyền thống đang bị mai một dần kia.

Phân tích cảnh cho chữ – mẫu 3

Trong một không khí khói tỏa như cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ. Khói bốc tỏa cay mắt. Một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang đậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng phẳng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại khúm núm cắt những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò, thì run run bưng chậu mực…”.

Đoạn văn miêu tả đặc sắc đầy chất tạo hình và điện ảnh trên hẳn đã góp phần làm sáng tỏ thêm nhân định : Nguyễn Tuân là một trong những bậc thầy về ngôn ngữ dân tộc; đồng thời cũng khẳng định thêm sự phong phú, chính xác về kiến thức lịch sử, văn hoá, xã hội…., năng lực quan sát lọc lõi và trí tưởng tượng mạnh mẽ và bay bổng của tác giả Vang bóng một thời.

Đoạn văn miêu tả cảnh tượng người tử tù tặng thư pháp nơi ngục thất vừa thảm đạm vừa hào hùng khiến cho cả ba nhân vật Huấn Cao, quản ngục và thơ lại bỗng thăng hoa thành những hình tượng kì vĩ phi thường – Xây dựng được cốt cách phi phàm, những “con người khổng lồ” nhưng có khi phải lặn ngụp “dưới đáy” xã hội, đó cũng là một đặc trưng nổi bật của bút pháp lãng mạn chủ nghĩa nói chung. Đoạn văn chứa đầy mơ ước thiết tha của Nguyễn sở dĩ gọi thức tâm linh người đọc, cũng bởi cả ba nhân vật, tuy ở các vị trí xã hội xa cách nhau nhưng lại có khả năng bổ sung phẩm tính cho nhau ấy, đều là những mảnh hồn của tác giả say đắm hóa thân : tam vị nhân vật, nhất thế ? Nguyễn Tuân. Bút pháp đoản thiên tiểu thuyết phong cách điêu khắc của Nguyễn dựng nên nhóm tượng đài Thiên lương – Tam vị nhất thể sáng láng này dường như muốn tạo tác một biểu hiện làm đối chứng với cái hiện thực xã hội thực dân nửa phong kiến tồi tệ hiện hữu trước mắt tác giả. Sự thực, cái xã hội nhãn tiền ấy đã được Nguyễn Tuân lịch sử hoá , “Sơn Hưng Tuyên” hóa qua bối cảnh câu chuyện ông Huấn cho chữ ; đó là một xã hội “hỗn loạn xô bồ” với những thế nhân “cặn bã”, những “lũ quay quắt” sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc : đối với kẻ sa cơ thất thế thì sẵn sàng hung hăng “hết cho mấy hèo bây giờ” – “Ở đây, khó giữ thiên lương”…Khi viết những dòng Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân đã và đang được nếm trải thấm thía cái mùi vị xã hội ấy – thậm chí, một sự nghiệm sinh khá kĩ lưỡng, tất nhiên chưa đến độ “cổ đeo gông, chân vướng xiềng lê bước dần tới nơi đoản mệnh như ông Huấn, nhưng bất hạnh đến mức tù đày khổ nhục đắng cay (1929 – 1930) thì cũng đã từng: “những trái tim đó (của các tù nhân – V.T) thỉnh thoảng có lên tiếng nhưng một cách dữ dội và tàn ác. Những cuộc xô xát giữa tù và tù giữa bữa cơm mắm nhà nước phát, thường bắt đầu từ việc tranh giành một quả ớt. Quả ớt đỏ đã nhuộm đỏ những nắm cơm đỏ bị những vần tay vấy máu mân mê. Những bữa cơm cá thối trong một bầu không khí kinh khủng như vậy…” (Một chuyến đi). Có thể nói nguyên mẫu nhân vật Huấn Cao là ông giáo thụ Cao Bá Quát dạy học đắc Sơn Tây bán sơn địa sỏi đá từ trăm năm trước ; nhưng nguyên mẫu của xã hội xứ Đoài thời ông Huấn (triều đại Thuận Trị, Tự Đức) thì lại chính là hoàn cảnh xã hội Việt Nam trước mắt người đang sáng tác Vang bóng một thời. Viết truyện ngắn Chữ người tử tù để “dĩ cổ vi kim” (lấy xưa nói nay) là một dụng ý khá rõ ràng của tác giả. Bất đắc chí, bất mãn, phản kháng chế độ xã hội thực dân địa đang tiếp tục nuôi dưỡng quy luật đau thương : thân phận không phải là hệ quả của bản chất – tinh thần dân tộc sâu xa của nhà văn Nguyễn Tuân yêu nước thâm trầm chủ yếu là ở chỗ đó. Một biểu hiện nữa của tinh thần dân tộc trong Chữ người tử tù là thái độ luyến tiếc của một nhã thú văn hoá cổ truyền đang lụi tàn dần trong xã hội thời Tây : thưởng ngoạn thư pháp. Do chữ Nho là thứ văn tự tượng hình, rất nhiều chữ giống như tranh hiện đại chủ nghĩa (siêu thực, trừu tượng), nét bút lông lại rất mềm mại dễ dàng bộc lộ cá tính và nhân cách…; do đó viết chữ Nho không đơn thuần là thao tác kí hiệu hóa ngôn ngữ, mà nhiều khi trở nên một hành động nghệ thuật đích thực : sáng tạo thư pháp (thư pháp có khi đứng riêng một mình, có khi phối hợp cùng nghệ thuật tạo hình : xuất hiện trên tranh thuỷ mặc…).

Người Việt Nam xưa sử dụng chữ Nho, hòa đồng cùng truyền thống văn hóa phương Đông đã say mê thư pháp, và cũng sản sinh được không ít những nét chữ vừa “Như Phượng múa rồng bay”, vừa phát tiết nhân phẩm. Một trong các danh sĩ Bắc Hà Về thư pháp chính là Cao Chu Thuần (1808 – 1855) với văn chương “vô tiền Hán” và nhân cách thì “Một đời chỉ cúi trước hoa mai” (Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”)… Xây dựng một ngũ quan biết nung nấu sở nguyện : “Có được chữ ông Huấn mà treo, là có một vật báu trên đời”, lại biết giữ gìn đến cùng thái độ tôn kính rất mực trước thiên lương và thư pháp kiệt xuất của người tử tù : “Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cắt những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng”…; Nguyễn Tuân như đã cất lên khúc vãn ca đối với một mảng văn hóa truyền thống mà đến thời của Nguyễn lại “vang bóng” (nhiều sinh hoạt văn hoá cổ truyền đáng quý khác cũng chung số phận). Giai điệu vãn ca ấy ngậm nghĩa oán hờn thế cục “Tây Tàu nhố nhăng” đã phạm tội đối với văn hoá Việt. Về nguyên nhân tinh thần gắn bó thiết tha của Nguyễn Tuân đối với văn hóa dân tộc ngàn xưa, có thể tìm thấy ở nguồn gốc gia đình, cũng như ở ngay đời thường của Nguyễn – một con người tài hoa và am tường và đã sống chan hoà cùng folklore Việt (nghệ thuật sân khấu dân gian : chèo, tuồng ; nghệ thuật tạo hình dân gian ; dân ca : đào nương ca, trong đó có hát ca trù…).

Cuối cùng, tính dân tộc trong truyện ngắn Chữ người tử tù còn thể hiện ở sự trân trọng, Nguyễn Tuân đã học thuộc tiếng mẹ đẻ, trong đó có lớp từ cổ đã tạo hiệu quả lợi hại cho việc tái hiện một cách rất cụ thể – lịch sử, rất hội hoạ điêu khắc và điện ảnh… những cảnh và người gần trăm năm trước.

Tất nhiên, sức mạnh của ngôn ngữ nghệ thuật không phải chỉ ở số lượng từ phong phú mà còn ở khả năng nhạy cảm về ngữ nghĩa của từ, ngữ điệu của câu…- Nhà văn Nguyễn Tuân có đầy đủ những điều kiện đó. Một ví dụ nhỏ: tác giả Chữ người tử tù đã dùng từ “ngấc”, những sách phụ lục văn 12 đã in sai là : “Viên quan coi ngục ngóc đầu” ; “ngấc” và “ngóc” có phần gần gũi về ngữ âm nhưng ngữ nghĩa khá xa nhau, và về phương diện gây ngữ cảm thì càng rất khác nhau : ngóc đầu là đứng thẳng dậy, gây ngữ cảm đáng sợ (rắn ngóc đầu, bọn tội phạm ngóc đầu…), còn ngấc đầu là nhức đầu nghiêng nghiêng, gây ngữ cảm tội nghiệp (đối với người mệt mỏi, ốm đau…). Các điều kiện thiết yếu đối với một con người cầm bút sáng tác văn chương ấy, một phần do thiên bẩm mà Nguyễn có ; phần khác do công phu học hỏi nghiêm túc xuất phát từ cõi lòng gắn bó với cộng đồng. Theo nhà văn Vũ Bằng : “… không cứ thư gửi cho vợ, bất cứ cái gì viết ra giấy,in ra chữ, Nguyễn Tuân đều thận trọng, ít ra cũng là thận trọng hơn so với những nhà văn, nhà thơ khác (…) Thực tôi chưa thấy bản thảo nào sạch sẽ và viết chữ kiểu cách, nắn nót như bản thảo của Nguyễn Tuân. Trong khi đa số anh em khác viết trên những tờ giấy nham nhở, cắt xén xô bô, tờ to tờ nhỏ khác nhau, bao giờ Tuân cũng viết lên những tờ giấy trắng thượng hạng, cắt xén rất đều, kìm kẹp cẩn thận và không bao giờ quên đóng ở trên đầu một cái dấu xanh in một cánh buồm “Gió đã lên”, và thường đến cuối bài lại kí một chữ bay bướm và đóng một cái dấu son đỏ trên màu cánh sen. Sau này cũng có nhiều người cũng bắt chước lối chơi lập dị đó để bây giờ cái chuyện đó cũng hoá ra thường, nhưng nếu trí nhớ của tôi không lầm thì Tuân là nhà văn trẻ đầu tiên bắt chước các cụ in nhãn hiệu và đóng dấu vào bản thảo và sách vở. Đến cái chữ viết của anh cũng cầu kì. Anh viết như nhà nho viết câu đối chữ thả, uốn éo, lên xuống tỏ rõ thái độ tôn kính của Nguyễn Tuân đối với tiếng dân tộc ; đồng thời… than ôi! cũng chứng tỏ Nguyễn Tuân muốn nói gót, hoặc cũng muốn… xin chữ ông Huấn Cao!

Không phải ngẫu nhiên, mà chính các tố chất tài, tình và đức của “nhà văn đặc biệt Việt Nam” Nguyễn Tuân đã hiệp đồng cùng nhau tạo Chữ người tử tù – một trong những truyện ngắn “cổ điển” trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại.

Phân tích cảnh cho chữ – mẫu 4

Nguyễn Tuân là một nhà văn cả đời đi tìm cái đẹp, ông khao khát xê dịch để biết được những cái mới, những cái hay của cuộc đời. Đặc biệt, ông quan niệm rằng mỗi một con người đều là những người nghệ sĩ tài hoa trong công việc của mình. Bằng ngòi bút tài hoa, uyên bác, Nguyễn Tuân đã vẽ nên một cảnh “xưa nay chưa từng có” trong truyện ngắn Chữ người tử tù. Cảnh cho chữ của nhân vật Huấn Cao với người quản ngục hiện lên là một cảnh đắt giá, có giá trị nghệ thuật đặc sắc đối với nền văn học, nó cũng giống như cái cảnh đắt trời cho mà nhân vật Phùng chứng kiến trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Cái mà bạn đọc ấn tượng đậm nét với cảnh cho chữ chính là hoàn cảnh và con người hiện lên trong không gian chật hẹp, tù túng của chốn lao tù.

Chữ người tử tù có tên ban đầu là Dòng chữ cuối cùng, in trên tạp chí Tao đàn năm 1939. Sau đó được in trong tập Vang bóng một thời. Tập truyện này gồm 11 truyện, là kết tinh của tài năng uyên bác cũng như ngòi bút sắc sảo của Nguyễn Tuân. Truyện ngắn Chữ người tử tù kể về một người tài hoa, viết chữ rất đẹp có tên là Huấn Cao. Ông đã đứng lên thay mặt người dân để chống lại chế độ phong kiến thối nát lúc bấy giờ nhưng lại bị cho là một tên cầm đầu đám phản nghịch. Và thế là Huấn Cao bị đưa vào ngục chờ ngày tử hình. Trong mấy ngày ở trong ngục, hình ảnh nhân vật Huấn Cao hiện lên là một con người có tài năng, trí tuệ hơn người, có khí thế bất khuất và thiên lương trong sáng. Cả ba điều này đều hội tụ rõ nét trong cảnh cho chữ ở cuối truyện.

Hoàn cảnh cho chữ trong truyện hiện lên thật éo le, khác thường. Thời xưa, người ta coi việc chơi chữ là một thú vui tao nhã, để thưởng thức nghệ thuật. Con người thường chơi chữ vào những đêm trăng sáng, khi phong cảnh nên thơ, hữu tình, họ làm vài chén rượu dưới ánh trăng và cùng nhau ngâm thơ, viết chữ. Ấy thế mà Huấn Cao – một người có tài viết chữ đẹp nổi tiếng cả một vùng tỉnh Sơn – lại viết chữ trong ngục tù với cái “buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”. Chữ ông Huấn “vuông lắm, đẹp lắm”, cả đời “cũng mới viết có bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn của ta thôi. Ta nhất sinh không vì vàng bạc hay quyền quý mà ép mình phải viết chữ bao giờ” . Rõ ràng, một người vừa có tài, vừa trân trọng cái đẹp như Huấn Cao sẽ không bao giờ cho đi những nét chữ “tung hoành cả đời người” trong một không gian chật hẹp, tù túng và bẩn thỉu đến như vậy. Cho nên Nguyễn Tuân mới gọi đây là cảnh “xưa nay chưa từng có”.

Hình ảnh người tử tù được Nguyễn Tuân miêu tả thật hiên ngang: “một người tù, cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang đậm tô nét chữ trên tấm vải lụa trắng tinh”. Biện pháp đối lập làm hiện lên trước mắt người đọc một cảnh tượng thật khác thường, trong không gian u tối, ẩm mốc ở nhà lao, một con người tài hoa đang viết những nét chữ trên tấm lụa trắng tinh, trái ngược hẳn với sự u uất nơi đây. Còn người quản ngục thì “khúm núm bưng chậu mực”. Ta lại thấy được sự đối lập một lần nữa. Người quản ngục, một người có quyền thế, đang nắm trong tay sinh mạng của người tử tù thì lại khép nép, cúi đầu trước cái đẹp, còn người tử tù sắp phải chết thì lại ung dung, tự tại hơn bất cứ lúc nào. Nhà văn Nguyễn Tuân đã rất tài năng khi miêu tả cảnh tượng cho chữ hết sức nghệ thuật này. Cái đẹp đã khiến cho con người ta quên mình, khiến cho hai nhân vật tượng trưng cho cái thiện và cái ác có thể cúi đầu, cùng nhau thưởng thức nghệ thuật mà quên đi thực tại. Người quản ngục không còn là một tên lính cai quản cứng nhắc, không còn hiện thân cho cái ác nữa mà như là một con người bình dị, biết trân quý cái đẹp. Tài năng viết chữ của Huấn Cao quả thực đã đạt đến độ phi thường, khiến cho người ta chấp nhận cúi đầu để xin chữ.

Sau khi cho chữ, Huấn Cao còn khuyên người quản ngục: “Ở đây lẫn lộn, ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa với những nét chữ vuông tươi tắn nói lên cái hoài bão tung hoành của một đời con người”. Câu nói của Huấn Cao cho thấy ông không chỉ là một người có thiên lương trong sáng, nhân cách cao cả mà ông còn biết trân trọng thiên lương của người khác, muốn người đó bảo toàn được lương tâm của mình. Đáp lại lời khuyên của Huấn Cao, người quản ngục cũng tỏ một thái độ thật thành kính: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”, ông cảm động, vái người tử tù trong khi những giọt nước mắt đang lăn dài trên má. Phải chăng đó là sự tiếc nuối cho một con người tài hoa, uyên bác sắp phải chịu một cái chết oan? Hay là giọt nước mắt thức tỉnh lương tâm, rằng sau này ông sẽ theo lời Huấn Cao, tìm đến nơi có thể giữ được cái tâm lương thiện của mình? Dù là hiểu theo nghĩa nào thì cảnh cho chữ cũng hiện lên thật đẹp giữa người thực sự biết quý trọng cái đẹp và người cho đi nét đẹp của cuộc đời.

Cảnh cho chữ vừa cho thấy khí thế ung dung, tự tại của người tử tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, vừa thể hiện những nét chữ tài hoa cùng thiên lương trong sáng của Huấn Cao. Song song cùng với đó cũng là nét đẹp của người quản ngục. Dù là đại diện cho cái ác, đang phục vụ và làm việc cho cái ác nhưng người quản ngục vẫn giữ được cái tâm lương thiện và say mê cái đẹp. Khung cảnh chốn ngục tù tù túng, chật hẹp và bẩn thỉu đến đâu thì ta lại càng thấy hai con người họ hiện lên thật đẹp đẽ, phi thường.

Chữ người tử tù quả thật là một tác phẩm khắc họa cái nét rất riêng trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Cảnh đẹp hiếm có khi cho chữ cũng chính là cái nhìn của người nghệ sĩ này đối với cuộc đời. Rằng dù ở trong hoàn cảnh nào thì con người ta vẫn có những nét đẹp và phẩm chất đáng ngợi ca, đáng học hỏi.

Phân tích cảnh cho chữ – mẫu 5

Chữ người tử tù là truyện ngắn đặc sắc, là đỉnh cao trong nghệ thuật khắc hoạ cái đẹp của Nguyễn Tuân. Dù là trong hoàn cảnh tăm tối nhất của cuộc đời, là cảnh ngục tù chết chóc thì cũng chẳng thể nào vùi lấp được vẻ đẹp tuyệt mỹ trong tâm hồn con người. Cảnh cho chữ là chi tiết truyện xuất sắc góp phần to lớn tạo nên giá trị nhân văn cho toàn bộ tác phẩm. Qua đó, nhà văn khẳng định một chân lý bất diệt: Cái đẹp luôn trường tồn, thắng thế trước nghịch cảnh éo le của cuộc đời.

Nguyễn Tuân – nhà văn cả đời đi tìm cái đẹp với phong cách nghệ thuật tài hoa, uyên bác ông đã làm lay động trái tim người đọc bằng những sáng tác của mình. Nhà văn luôn đặt con người dưới góc nhìn nghệ sĩ, nhìn sự vật hiện tượng dưới góc độ văn hoá, thẩm mỹ. Chữ người tử tù nằm trong tập truyện Vang bóng một thời, đây là một sáng tác được đánh giá hay nhất, tuyệt vời nhất và có giá trị nhân văn sâu sắc nhất của cả tập truyện. Tác phẩm là câu chuyện kể về những ngày cuối đời của người anh hùng Huấn Cao, trong cảnh ngục tù tăm tối cái đẹp vẫn hiện hữu và toả sáng hơn bao giờ hết. Có thể nói tác phẩm thành công là nhờ tài năng sáng tạo tình huống truyện độc đáo của Nguyễn Tuân, thế những để đẩy cảm xúc truyện lên cao trào, đạt đến độ hoàn mỹ của một thiên truyện thì phải nhắc đến cảnh cho chữ “có một không hai” đầy bất ngờ, gây sửng sốt cho người đọc.

Thuở xưa, chơi chữ đã trở thành lối văn hoá tao nhã, thanh cao của người Việt. Những câu đối, bài thơ với nét chữ bay bổng được treo trong nhà như một thú vui giúp cho tâm hồn con người thư thái, bình yên. Thưởng thức cái đẹp thanh cao hay là những thầy nho cho chữ trước nay đều ở trong những khung cảnh thơ mộng, nhẹ nhàng có thế cái đẹp mới được thỏa sức bộc lộ hết những khía cạnh tươi mới của mình. Người ngắm nhâm nhi một tách trà nóng cùng nhau trò chuyện ngâm thơ, đối chữ. Ấy vậy mà trong Chữ người tử tù Nguyễn Tuân đã tạo ra một cảnh tượng hết sức lạ lùng, vượt ra khỏi những chuẩn mực xưa cũ, tác giả gọi đó là “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”. Chính chi tiết truyện mới mẻ này đã làm nên sức lôi cuốn, hấp dẫn cho người đọc.

Vào một đêm khuya vắng lặng tại trại giam tỉnh Sơn chỉ còn tiếng gõ mõ vọng canh, đây là một khoảng thời gian buồn tẻ nhất trong một ngày dài, tất cả vạn vật dường như đã chìm sâu vào im lặng nhường chỗ cho bóng tối thống trị, chỉ còn tiếng gõ mõ đều đều trong canh dài, không một bóng người lai vãng. Khung cảnh nhà giam hiện lên tù túng, chật hẹp, mệt mỏi với từng tiếng thở dài oán thán “buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”. Tác giả miêu tả thật sinh động, chân thực hoàn cảnh éo le của người anh hùng Huấn Cao, một người nghệ sĩ tài hoa, văn võ uyên bác giờ đây phải giam mình trong nhà tù tăm tối, đấy là nơi chôn vùi cuộc đời chẳng phải nơi mà con người có thể sinh sống. Thế nhưng chính tại nơi tầm thường, hạ đẳng ấy lại xảy ra một sự việc thật trọng đại, làm rung động trái tim của những con người tài hoa chân chính.

Một không gian tối tăm quanh năm không thấy ánh mặt trời, dù là ngày hay đêm đều nhuốm màu bóng tối thì giờ đây có ba người “đang chăm chú trên một tấm bạch còn nguyên vẹn lần hồ”. Buồng giam ngập tràn “khói tỏa như đám cháy nhà”, “ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu”. Dường như họ đang chăm chú với niềm hạnh phúc dâng trào để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ. Sự đối lập giữa tư thế và vị thế của người cho chữ – Huấn Cao và người nhận chữ – viên quản ngục đã được Nguyễn Tuân khắc hoạ thật sinh động, “một người tù, cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang đậm tô nét chữ trên tấm vải lụa trắng tinh, viên quản ngục “khúm núm”, thầy thơ lại “run run bưng chậu mực”. Có lẽ đứng trước cái đẹp trái tim con người bỗng rung động, như có thứ gì đó bóp nghẹt lại, không ai nói với nhau lời nào nhưng đủ để cảm nhận niềm hạnh phúc đang tuôn trào trong lồng ngực. Từ một viên quản ngục “quyền cao chức trọng” giờ đây phải cúi đầu trước vẻ đẹp tài hoa, trước người tử tù có tấm lòng thiên lương. Có tiếng “thở dài, buồn bã” của Huấn Cao khi những nét chữ cuối cùng đã viết xong, ông nói giọng đĩnh đạc: “Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi.” Tấm lòng nhân hậu của Huấn Cao đã thức tỉnh, cứu rỗi tâm hồn của những người lương thiện nhưng lạc vào con đường tha hoá, rối ren. Viên quản ngục cảm động, vái người tử tù một vái “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh” những giọt nước mắt lăn dài trên má như lời kính trọng sâu sắc dành cho vị anh hùng Huấn Cao.

Qua cảnh cho chữ đầy xúc động, Nguyễn Tuân đã ngầm khẳng định vị thế của cái đẹp thiên lương, nó không đơn độc mà mang một sức mạnh vô hình “nhân đạo hoá” cái ác, cái xấu xa đi vào con đường chân chính, tươi đẹp. Đoạn văn thể hiện rõ nét phong cách nghệ thuật tài hoa của Nguyễn Tuân, ông luôn đặt con người trong vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ. Ông có kiến thức phong phú về nhiều lĩnh vực, sức tưởng tượng vô cùng độc đáo. Nguyễn Tuân vẽ nên một bức tranh với hai mảng màu sáng tối đối chọi gay gắt, một bên là khung cảnh tăm tối ngục tù, một bên là ánh sáng chói lóa của nét đẹp hoàn mỹ.

Cảnh cho chữ trong tác phẩm Chữ người tử tù là một sáng tạo nghệ thuật mới mẻ của Nguyễn Tuân. Cảnh lạ lùng, hiếm có, khiến ta sửng sốt bội phần thế nhưng nhờ chi tiết truyện này hình ảnh cái đẹp hiện lên thật diệu kỳ, thể hiện tấm lòng trân trọng, nâng niu của tác giả trước nét thanh cao của nghệ thuật tuyệt mỹ.

Bài giảng: Chữ người tử tù – Cô Thúy Nhàn (Giáo viên VietJack)

Trích nguồn: Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường miền Trung
Danh mục: Văn mẫu lớp 11

Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường miền Trung

Cách đây 40 năm về trước, mặc dù miền Bắc XHCN khi đó đang nặng hai vai gánh cả non sông vượt dặm dài, vừa là hậu phương lớn chi viện tích cực cho các chiến trường với tinh thần thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người, vừa là tiền tuyến đánh trả cuộc chiến tranh bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ nhưng sự nghiệp giáo dục và đào tạo vẫn không ngừng phát triển nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu trước mắt và sự nghiệp tái thiết đất nước lâu dài sau chiến tranh. Trong bối cảnh đó và trước yêu cầu của công tác điều tra cơ bản phục vụ quy hoạch các vùng kinh tế mới,vùng chuyên canh, xây dựng các nông trường, Bộ Nông trường ( nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ) đã có Quyết định số 115 QĐ/TC ngày 05 th áng 9 năm 1968 về việc mở Lớp công nhân đo dạc - tiền thân của Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường miền Trung ngày nay.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button