10 bài văn Tả cây cổ thụ hay nhất
Bạn đang xem bài: 10 bài văn Tả cây cổ thụ hay nhất
10 bài văn Tả cây cổ thụ hay nhất
Tuyển tập bài văn Tả cây cổ thụ, chọn lọc gồm dàn ý và bài văn mẫu
giúp học sinh tham khảo từ đó biết cách viết văn Tả cây cổ thụ lớp 4 hay hơn.
Đề bài: Em hãy Tả cây cổ thụ.
Dàn ý Tả cây cổ thụ
I. Mở bài:
– Giới thiệu về cây cổ thụ.
+ Em thấy nó ở đâu?
+ Nó là cây gì? (phượng vĩ, đa,… )
II. Thân bài:Tả bao quát đến chi tiết
+ Nhìn xa, trông cây như thế nào? (to, cao, lớn,… )
+ Cây khoảng bao nhiêu tuổi?
+ Thân, lá, hoa có màu gì?
+ Rễ như thế nào? (uốn lượn, ngoằn nghèo,… )
+ Cành cây như thế nào? (vươn lên, tỏa nhiều cành)
+ Hoa như thế nào? (màu đỏ, vàng, đẹp, 5, 6 cánh)
+ Cây được dùng để làm gì? (làm cảnh, tạo bóng mát,… )
+ Kỉ niệm của em với cây?
III.Kết bài:Nêu cảm nghĩ
Tả cây cổ thụ – tả bồ đề
Bố em là giảng viên của trường Cao đẳng Sư phạm. Em thường được bố dẫn vào trường chơi.
Ngay giữa sân của khu Hỗ trợ học tập, một cây bồ đề cổ thụ um tùm, to ơi là to.
Từ xa, trông cây rất cổ kính, không đoán được tuổi của nó; chỉ biết cây được trồng rất lâu đời. Cây được trồng dưới đất, quanh gốc có xây một vòng tròn xung quanh to cỡ cái ao. Em đoán thân cây phải cỡ chục người ôm mới xuể. Thân cây rườm rà vô số cây con phát triển từ cành nhánh. Tất cả đều có vỏ màu xi măng, trơn láng. Mưa nắng hàng ngày giúp cành lá phát triển tươi tốt, tạo nên một tán lá khổng lồ như mái đình. Cành to nhánh nhỏ chi chít, ken dặc vào nhau. Mỗi cành có vô số những chùm rễ buông xòa xuống như mái tóc. Lá bồ đề to bằng bàn tay, giống như lá trầu nhưng dày hơn và có hai màu dậm nhạt.
Trưa nắng gắt, chim chóc kéo về nghỉ ngơi. Chiều đến, cả bọn lại líu rít cất tiếng hót vui đùa, trêu ghẹo nhau rộn cả sân trường.
Một cơn gió thoảng qua, lá cây xào xạc tiếng nhạc muôn thuở, làm rơi rụng lả tả những nốt nhạc bồ đề, lá vàng úa khắp mặt sân.
Trải qua bao nhiêu thăng trầm,bão táp mưa sa, có những lúc cây trơ trọi mỗi cành có những lúc cây nghiêng mình chống những đợt gió bão thế nhưng với sức sống mãnh liệt cây vẫn sừng sững giữa sân trường, chứng kiến sự trưởng thành của biết bao anh chị dưới mái trường Cao đẳng Sư phạm.Cũng như các anh chị ở đây, em rất yêu quý cây bồ đề này.
Dàn ý Tả cây cổ thụ – cây bàng
I. Mở bài: Giới thiệu cây bàng:
– Quang cảnh sân trường.
– Sân trường em có rộng không? Trồng những cây gì?
– Cây bàng nằm ở đâu?
– Nó ở đó bao lâu rồi?
II. Thân bài:
a. Miêu tả bao quát cây bàng
– Cao cao bao nhiều, tán lá có rộng không?
– Thân cây có sần sùi không?
b. Miêu tả cây bàng trong 4 mùa
+ Mùa hè
– Bàng lặng lẽ, khoe những chiếc lá to tròn, đợi chờ học sinh đến
+ Mùa thu
– Lá dần chuyển dần màu đỏ, học trò thích nhặt những là bàng,….
+ Mùa đông
– Lá bàng rụng, chỉ còn lại thân cây
+ Mùa xuân
– Nhưng chồi non mới mọc xinh xinh, lá xanh nõn,…
III. Kết bài: Kỉ niệm với cây bàng
Tả cây cổ thụ – tả cây bàng
Nếu như hoa phượng đỏ rực gợi nhớ những kỉ niệm mơn man của một thời cắp sách đến trường, hoa bằng lăng tím gợi về một thời chia xa, thì cây bàng giản dị lại khiến lũ học trò luôn biết ơn vì những bóng mát trên sân trường, vì những lần được ngồi dưới gốc cây, trò chuyện, đọc sách vui vẻ.
Từ xa nhìn lại, cây bàng giống hệt như bác bảo vệ già vẫn ngày đêm âm thầm canh gác cho sân trường. Không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng khi từng lớp học trò đến trường, cây đã đứng đó, như chiếc ô xanh khổng lồ, che bóng mát cho những cô cậu tinh nghịch vào mỗi giờ ra chơi. Thân cây to lắm, phải hai người ôm mới xuể còn ngọn cây cao đến lưng chừng tầng ba. Thân cây màu nâu sẫm, có những lớp vỏ đã bị tróc ra, đôi chỗ nhô lên những ụ. Gốc bàng nổi hẳn những chiếc rễ to, trồi cả lên trên mặt đất như những con trăn, con rắn khổng lồ. Những dấu vết năm tháng ấy không làm cho cây xấu đi mà càng khẳng định sức sống mãnh liệt, gợi nhắc con người về những ý nghĩa sống trong cuộc đời. Tán bàng gồm nhiều tầng, mỗi tầng cách nhau cả mét. Cành chĩa ngang, đan xen thành vòng tròn quanh thân.
Khi nàng xuân xinh đẹp giáng trần, những chồi non, lộc biếc nhú ra mơn mởn. Ban đầu chỉ là những chiếc lá nhỏ, màu xanh bóng sau chuyển to hơn, dày hơn và đậm màu hơn. Hạ về, từng tán lá chụm lại với nhau tỏa bóng mát, rợp cả một khoảng đất rộng trên sân. Trong tán lá xanh, những chú chim thoăn thoắt chuyền cành, hót ríu rít, tấu lên bản hòa ca ngày hè. Ngày phượng bừng nở sắc đỏ, cây bàng buồn lắm vì nó không phải là loài “cây học trò” để tụi học sinh có thể nhớ, thể mỏng, để vấn vương những kỉ niệm dại khờ. Cây thương học trò một năm học vất vả, cây thương học trò sau này ra trường có nhiều bấp bênh. Nhưng cây không thể làm gì, chỉ có thể xuất hiện trên từng con phố, tỏa bóng mát như phần nào an ủi cõi lòng của những trái tim mới lớn. Thế rồi, khi tiếng trống trường giục giã một năm học mới bắt đầu, cây bàng nhận ra mình cần phải làm tiếp công việc đối với thế hệ mới. Nó khởi sắc, hân hoan, đong đưa những chiếc lá xanh thẫm, xen lẫn chiếc lá ươm vàng, vài chiếc đã ngả dần sang màu đỏ. Trong tán lá muôn sắc ấy, thấp thoáng những trái vàng mơ, ngòn ngọt, bùi bùi. Đông sáng, cây bàng trở lại với dáng hình khẳng khiu của nó. Làn gió se lạnh thổi qua làm những chiếc lá cứ dần lìa cành, trở về với đất mẹ bao dung. Giữa tiết trời lạnh giá, được ngồi bên học trò thân thương, cây bàng như tiếp thêm sức mạnh để khi xuân đến có thể bung nở những chùm hoa li ti hình ngôi sao, màu trắng ngà, rụng trên vai, trên mái tóc ai.
Bàng lớn lên cùng lớp lớp thế hệ học trò. Bàng chia sẻ và lắng nghe bao tâm sự thầm kín của học sinh. Vì thế sau này dù có đi đâu xa, hãy nhớ về bóng dáng thân thương ấy vẫn hàng ngày tỏa bóng mát trên sân trường.
Dàn ý Tả cây cổ thụ – cây đa
a) Mở bài: Giới thiệu về cây đa em sẽ tả: (cây đa ở quê nội em).
+ Ai trồng? (cây có từ lâu đời).
+ Trồng ở đâu? (ở đầu làng).
b) Thân bài:
– Tả gốc cây: Gốc cây sần sùi, rễ uốn lượn như những con trăn nhỏ.
– Cành cây: Cây có rất nhiều cành toả ra các phía.
– Tả lá: Lá xum xuê.
c) Kết bài:
– Nêu tác dụng của của cây đa (cây cho bóng mát).
Tả cây cổ thụ – tả cây đa
Ở cạnh sân đình của làng em có một cây đa sừng sững không biết có từ bao giờ. Em chỉ biết rằng nó rất cao to và tỏa bóng mát rợp cả một góc sân. Người dân làng em vẫn bảo đó là cây chở che cho làng em.
Cây đa sừng sững như một người khổng lồ đang hiên ngang chễm chệ ngay giữa đường. Cây đa nằm sát mặt đường, bên dưới là cái giếng làng và sân đình. Mọi người vẫn bảo cây đa giếng nước và sân đình thường đi liền với nhau.
Thân của cây đa rất to, phải 5, 6 người ôm mới xuể được. Vỏ của thân cây xù xì chứ không trợn mịn và bằng phẳng, vì thỉnh thoảng còn nhô lên một số u mà người ta liên tưởng đến những ung nhọt mọc trên thân cây.
Ấn tượng nhất là bộ rễ như một đàn trăn bò lổm nhổm trên mặt đất. Đây được xem là nơi ngồi hóng gió của người dân quê em. Rễ đa to và tài bò trên đất tưởng chừng như sắp bật ra. Nhưng mà nó lại bám rất sâu, nhiều trận bão đi qua nhưng vẫn không quật ngã được loại cây kiên cố như thế nào.
Những tán lá to và xòe ra khắp nơi với vô vàn nhánh nhỏ chi chít em không đếm được. Trên những cành cây đó là những chiếc lá to và dày, có một số chiếc lá như cái quạt mo của bà em vẫn quạt. Lá nào lá nấy chắc nịch và rất khó có thể rơi rụng khi gió thổi qua. Trừ khi gió quá mạnh thì những chiếc lá mới theo gió rơi xuống. Bọn em vẫn thường nhặt lá đa đem về nhà viết thơ lên đó hoặc để ngồi đánh chuyền ngay dưới gốc đa luôn.
Cây đa đồ sộ này đã trở thành biểu tượng của làng em, có nó làng em trông đẹp hơn và văn minh hơn. Mọi người vẫn bảo làng nào cũng nên có cây đa để bảo vệ cho làng và giữ gìn truyền thống làng lâu năm.
Mọi người ai đi đâu làm ăn xa cũng thường xuyên ghé về thăm quê và không ngớt khen cây đa càng ngày càng đồ sộ hơn. Nhiều người đã có những kỉ ức tuổi thơ đẹp dưới cây đa, bên cạnh giếng nước và sân đình này.
Dàn ý Tả cây cổ thụ – cây phượng
I. Mở bài: Giới thiệu chung
– Cây hoa phượng được trồng ở đâu? Từ bao giờ?
II. Thân bài: Tả cây phượng:
– Cây phượng lớn cỡ nào? Hình dáng của nó ra sao?
– Cây phượng có đặc điểm gì? Rễ, thân, cành, lá, hoa, quả… như thế nào?
– Hoa phượng nở vào mùa nào trong năm? Màu sắc của cánh hoa, nhuỵ hoa?
– Cây phượng gắn bó với đời học sinh ra sao?
III. Kết bài:
– Tình cảm của em đối với cây hoa phượng:
– Yêu mến, gắn bó, xem cây phượng như người bạn thân thiết…
Tả cây cổ thụ – tả cây phượng
Giữa sân trường tôi, đứng sừng sững một cây phượng đang nở rộ những đoá hoa đỏ thắm. Tôi không biết nó được trồng từ bao giờ, chỉ biết rằng, khi tôi mới đặt chân vào trường đã thấy nó đứng đấy như một chàng hiệp sĩ hiên ngang, che chắn nắng mưa cho tụi nhỏ trường tôi.
Cây phượng đã già lắm rồi. Thân cây đã chuyển sang gam màu xám có nhiều đốm trắng bạc vì cao tuổi. Nó giương những cánh tay che chở cho chúng tôi khỏi những tia nắng gay gắt cùa mùa hè đổ lửa. Dưới gốc cây, nổi lên những cái rễ lớn, ngoằn ngoèo, uốn lượn như những con rắn đang trườn vào bóng râm hóng mát. Phía trên là tán lá như một cái lọng khổng lồ. Tôi không biết ai đã đan những cành cây lại với nhau mà thành cái lọng khéo đến như vậy. Những chú ve thường ẩn mình trong vòm lá phượng và cất tiếng kêu ra rả suốt ngày.
Giữa khoảng trời mênh mông, những đoá hoa phượng đỏ rực nổi bật lên, rực thắm và dễ thương. Vào giờ ra chơi, những cánh hoa phượng được các bạn gái tách ra thành những chú bướm xinh xinh. Sau những trận mưa rào, hoa phượng rơi rải rác khắp sân trường tựa như cả mặt sân được trải lên một tấm thảm màu đỏ tươi, ánh lên dưới tia nắng mặt trời. Cây phượng thay lá quanh năm. Mùa đông, cây rụng hết lá, phô ra những cành trơ trụi, khẳng khiu. Nhưng sang xuân, chồi non lại nhú ra, phủ một màu xanh tươi mát cho cây. Mỗi lần như thế dường như tuổi thanh xuân lại trở về với cây phượng già, xoá đi sự già nua đã in hằn lên thân hình của nó. Sau đó không lâu, ở khắp sân trường hình ảnh của mùa hè lại được vẽ lên bằng những chùm hoa đỏ thắm. Cây phượng đem lại niềm vui sướng, háo hức cho tuổi học trò.
Mùa hè lại đến và những cánh phượng như những cánh bướm vẫn nằm trong những trang lưu bút của tụi nhỏ chúng tôi như một dấu ấn kỉ niệm đẹp mà trước lúc chia tay gửi lại cho nhau để nghỉ hè.
Dàn ý Tả cây cổ thụ – cây xà cừ
I. Mở bài:
– Ngoài nhà văn hóa của thôn em có trồng một cây xà cừ rất to để lấy bóng mát. Cây đã có từ rất lâu rồi.
II. Thân bài:
* Tả hình dáng vẻ đẹp của cây xà cừ
– Cây xà cừ này thật to. Nhìn từ xa, cây như một cái ô khổng lồ xanh ngắt đứng sừng sững giữa một khoảng sân rộng.
– Vỏ cây màu nâu, xù xì rậm rạp, có những đoạn vỏ còn bong ra thành từng mảng rất cứng.
– Tán của cây xà cừ này xanh tốt vô cùng. Nhiều cành to, cành nhỏ chen chúc mọc trên thân cây.
– Rễ cây xà cừ rất to, có những phần còn nổi hẳn lên trên mặt đất.
* Tác dụng của cây xà cừ
– Cây xà cừ là một chiếc ô che mát cho cả một khoảng sân để chúng em có thể vui chơi ở đó.
– Dưới gốc xà cừ, có một bà cụ mở hàng nước ở đó. Người đi đường qua đây, nếu muốn nghỉ chân uống nước thì đây là một địa điểm hết sức lý tưởng.
III. Kết bài:
– Cây xà cừ là người bạn thân thiết của mỗi đứa chúng em, nó đã cùng chúng em lớn lên với những kỉ niệm thời thơ ấu vô cùng ngọt ngào.
– Em sẽ cùng với các bạn bảo vệ cây xà cừ thật tốt, chúng em sẽ không trèo lên cây hay làm gì có hại cho cây.
Tả cây cổ thụ – tả cây xà cừ
Ngoài nhà văn hóa của thôn em có trồng một cây xà cừ rất to để lấy bóng mát. Cây đã có từ rất lâu rồi.
Cây xà cừ này thật to. Nhìn từ xa, cây như một cái ô khổng lồ xanh ngắt đứng sừng sững giữa một khoảng sân rộng. Cây cao mấy chục mét, thân cây to đến mấy vòng tay em ôm không xuể. vỏ cây màu nâu, xù xì rậm rạp, có những đoạn vỏ còn bong ra thành từng mảng rất cứng. Tán của cây xà cừ này xanh tốt vô cùng. Nhiều cành to, cành nhỏ chen chúc mọc trên thân cây. Phần tán lá um tùm xanh tốt mời gọi biết bao nhiêu loài chim về đây làm tổ. Có những ngày chơi dưới tán cây, chúng em còn nghe rất nhiều lũ chim lách cách nói chuyện râm ran với nhau trong vòm lá. Ở phần gần gốc là những cành cây cực kì to, có cành còn to bằng cả thân những cây bạch đàn ở gần đó. Lá cây xà cừ không to lắm, hai mặt xanh nhẵn bóng. Lá cây xanh tốt vào mùa xuân và mùa hè. Mùa thu, lá xà cừ chuyển sang màu vàng và rụng như trút vào mùa đông. Theo những cơn gió, từng trận lá cây trút xuống như mưa, mặt đất như được trải một tấm thảm vàng xuộm vô cùng đẹp mắt. Rễ cây xà cừ rất to, có những đoạn rễ trồi hẳn lên trên mặt đất to bằng cổ tay em, nhìn nó ngoằn ngoèo như những con rắn hổ mang.
Cây xà cừ là một chiếc ô che mát cho cả một khoảng sân để chúng em có thể vui chơi. Dưới gốc xà cừ, có một bà cụ mở hàng nước ở đó. Người đi đường qua đây, nếu muốn nghỉ chân uống nước thì đây là một địa điểm hết sức lý tưởng. Ngồi dưới bóng mát, tận hưởng bát nước trà xanh thơm ngát, gió mát hây hẩy bên tóc sẽ làm cho ta vô cùng sảng khoái.
Dàn ý Tả cây cổ thụ – cây bằng lăng
I. Mở bài:
Giới thiệu cây bằng lăng: vị trí, bao nhiêu tuổi, ai trồng?
II. Thân bài:
– Thân cây xù xì, kích thước ra sao?
– Lá cây hình gì? Mọc như thế nào?
– Hoa màu gì? Nở ra sao?
III. Kết bài:
Tình cảm e dành cho cây bằng lăng như thế nào?
Tả cây cổ thụ – tả cây bằng lăng
Từ đường cái liên xã có lối rẽ vào trường em dài độ 100 mét. Lối rẽ được lát xi măng phẳng lì rộng khoảng 4 mét. Hai bên lối đi là hai hàng cây bằng lăng khép tán làm cho cảnh quan trường em trở nên xanh, đẹp.
Ngày em vào lớp một, Hội Khuyến học đã trồng hai hàng cây bằng lăng này. Thầy Hiệu trưởng đã phân công cho mỗi thầy cô giáo và lớp mình phụ trách được chăm bón, bảo vệ săn sóc hai cây bằng lăng. Tết trồng cây đối với thầy, trò trường em hầu như diễn ra quanh năm suốt tháng.
Chỉ sau hai mùa xuân, bằng lăng đã cao vọt lên, cành khép tán, lá xum xuê. Mùa xuân, bằng lăng ngời lên xanh biếc. Mùa hè, bằng lăng tỏa bóng mát rượi,vỗ về từng cuộc vui của chúng em. Từng đàn chim sâu lích chích, ríu rít kéo đến bắt sâu, tìm mồi làm cho con đường tới trường thêm vui, thêm đẹp.
Bằng lăng là loài cây thân gỗ có nhiều cành ngang. Lá bằng lăng gần giống như lá vối, lá ổi. Có lá to bằng bàn tay người lớn, lá nhỏ bằng bàn tay trẻ em, bầu bĩnh, thon xinh. Mặt trên lá màu xanh thẫm, bóng mượt, xanh biếc, mặt dưới xanh nhạt nổi lên những đường gân như chiếc tăm tre dài.
Năm em lên học lớp Ba thì bằng lăng đã trổ hoa. Trong làn mưa xuân mưa bụi, lá bằng lăng phơi phới vươn lên. Một màu xanh nhạt phơn phớt tím bao trùm hai hàng cây mơn mởn. Hoa bằng lăng màu tím hồng, kết thành chùm. Cây có bao nhiêu cành, bao nhiêu nhánh là có bấy nhiêu chùm hoa, đứng xa nhìn tưởng như mỗi cây bằng lăng được đội bằng một chiếc mũ tím hồng rực rỡ. Hoa bằng lăng có cánh kép, mỏng như lụa; giữa đài hoa có những chiếc nhị vàng như chiếc trâm bé xinh. Những hôm trời nắng cuối xuân đầu hạ, hoa bằng lăng rực lên làm cho con đường dẫn tới cổng trường như hai dải lụa tím hồng rung động, nhấp nhô khi có làn gió nhẹ thoảng qua.
Sau một đêm, hoa bằng lăng rụng nhuộm tím con đường viền cỏ xanh. Hoa bằng lăng nối tiếp nở thành nhiều đợt. Em ít thấy loại cây nào nơi làng quê cho nhiều hoa và kéo dài mùa hoa như bằng lăng.
Cuối hè, cây bằng lăng tua tủa những quả. Quả bằng lăng nhích hơn trái cà xanh nhạt. Cành bằng lăng trĩu quả tròn xanh đậm. Quả nào cũng có bảy múi. Lúc chín già, các múi bằng lăng tự tách ra; hạt bằng lăng được làn gió mang đi rải khắp mọi nơi, mọi chốn. Nhặt một trái bằng lăng già đặt lên lòng bàn tay ngắm nghía, ta cảm thấy như một trái bần gỗ mỹ nghệ thủ công cực xinh.
Hoa bằng lăng cũng như hoa giấy, không có hương thơm nhưng rực rỡ sắc màu. Mỗi mùa xuân đến, em chờ mong bằng lăng đơm hoa. Đi học ngắm bằng lăng tím hồng; mùa hè được đứng trong bóng bằng lăng tỏa mát, em càng thấy yêu cây bằng lăng khôn kể xiết.
Mùa hè này đến sớm, hoa bằng lăng nở rộ. Em đã bước sang học kì hai lớp Năm. Nhìn hoa bằng lăng tím hồng, em càng thấy con đường tuổi thơ thêm hữu tình, em càng yêu thêm ngôi trường tuổi thơ.
Dàn ý Tả cây cổ thụ – cây si
I. Mở bài:
– Giới thiệu cây si già trong sân trường em.
II. Thân bài:
1. Tả bao quát:
– Cây si giống như một cây dù khổng lồ xanh thẳm.
2. Tả chi tiết:
+ Rễ trơn bóng nằm uốn lượn trên mặt đất như những con trăn đang nằm ngủ.
+ Thân cây to lớn.
+ Vỏ cây màu nâu sẫm và cũng trơn bóng như rễ cây.
+ Lá si nhỏ và dày.
3. Kỉ niệm với cây si:
– Chúng em thường tụ tập về gốc cây si để hóng mát và tổ chức các trò chơi như nhảy dây, đá cầu, kéo co.
III. Kết bài:
– Nêu cảm nghĩ của em về cây si.
Tả cây cổ thụ – tả cây si
Trường em có rất nhiều loài cây cổ thụ to như cây xà cừ, cây bàng, cây si già. Nhưng em thấy thích nhất là cây si già bởi nó nằm ngay trước cửa lớp học của em.
Em cũng chẳng biết cây si già đã có từ bao giờ nhưng em chắc chắn một điều là nó có từ rất rất lâu rồi. Vì bây giờ nó thành cây si già cổ thụ đứng sừng sững như một cái ô khổng lồ che nắng che mưa cho chúng em vui chơi.
Ở gốc cây si là những chiếc rễ lớn uốn lượn vòng vèo nổi trên mặt đất như những chiếc ghế để cho chúng em ngồi giải lao và vui chơi sau những tiết học căng thẳng và mệt mỏi. Thân cây to ba người bọn em ôm mới hết, thân cây có màu nâu sẫm. Lên cao chừng hơn mét rưỡi cây si bắt đầu phân thành năm nhánh lớn tỏa ra xung quanh và lên cao hơn trên những nhánh đó lại phân thành những nhánh con với những chiếc lá nhỏ xinh vươn ra xung quanh thành một chiếc ô lớn khổng lồ. Em thấy một điều đặc biệt ở cây si là ở những nhánh có những sợi dây dài mọc hướng xuống bên dưới rất dài. Như những mái tóc buông mình thuôn dài. Lá cây si có màu xanh hơi không to nhưng cây si rất nhiều lá đan xen lẫn nhau như muốn che chắn bảo vệ một thứ gì đó.
Bọn em rất hay ra gốc cây si chơi đùa có những bạn còn khắc tên mình lên thân cây coi như một kỷ niệm không bao giờ quên. Những bạn nam tinh nghịch thì thường cố trèo lên cây và vặt những cái rễ tuôn dài ở nhánh để nghịch. Có những bạn thì ngồi dưới gốc cây chơi mấy trò như ô ăn quan, oẳn tù tì, nhắm mắt đi tìm…Có lẽ nơi đây là kỉ niệm thời học sinh đẹp nhất của chúng em.
Dàn ý Tả cây cổ thụ – cây bàng
I. Mở bài
– Giới thiệu về cây bàng em sẽ tả (cây bàng trồng ở gần cổng trường).
+ Ai trồng? (các bác phụ huynh trồng).
+ Trồng vào khi nào? (trồng cách đây mấy năm).
+ Trồng ở đâu? (trồng ở gần cổng trường).
II. Thân bài
– Rễ cây: sần sùi, ngoằn ngoèo như những con rắn khổng lồ.
– Gốc cây: to màu nâu đậm
– Thân cây: màu nâu nhạt chỗ gần gốc, màu xanh chỗ gần ngọn.
– Cành cây: Cây có nhiều tán lá, như những cái ô khổng lồ.
– Tả lá: Lá to như bàn tay.
– Tả quả: Quả bàng nhỏ, giữa phình to, hai đầu nhỏ.
III. Kết bài
– Nêu tác dụng của của cây bàng: che mát cho chúng em trong giờ ra chơi.
– Cảm nghĩ của em đối với cây em tả: rất thích chơi dưới gốc bàng, ăn những quả bàng chín thơm thơm, chua chua..
Tả cây cổ thụ – tả cây bàng
Ở sân trường nơi em học luôn ngập tràn bóng mát vì ở trường em có rất nhiều cây xanh. Những cây xanh này luôn mang lại cho em những bóng râm mát, đặc biệt là cây bàng nơi sân trường em đã trồng được từ rất lâu rồi.
Có thể thấy được cũng từ ngày chuyển tới lớp học mới này, em mới nhận ra cây bàng cao lớn ngả tán lá bàng dường như đã che khuất ánh nắng chói chang ngày hè nơi cửa sổ em ngồi. Ngắm nhìn những chiếc lá bàng to hơn bàn tay người lớn, có hình bầu dục như ghép lại với nhau thành một chiếc ô khổng lồ có nhiệm vụ mang lại bóng râm cho chúng em chơi đùa hay học bài ở dưới gốc cây trong giờ ra chơi.
Không biết cây bàng ở sân trường em trồng lâu chưa, nhưng phần thân cây to lắm, màu nâu sậm. Nếu như sờ lên thân cây có cảm giác hơi sần sùi và xù xì lắm, lý do bởi những dấu vết của thời gian để lại theo năm tháng. Chao ôi! Phần thân cây lớn đến nỗi một vòng tay của em ôm không xuể. Và em được bác bảo vệ nói cây bàng này cũng đã được trồng từ rất lâu rồi, không ai có thể nhớ chính xác nữa. Phần rễ cây như cắm sâu xuống mặt đất để hút chất dinh dưỡng nuôi cây. Có những cái rễ cây không chịu nghe lời mà gồng mình lên ra khỏi mặt đất và nhìn từ xa trông như những con rắn khổng lồ vậy.
Em nhận thấy được ở xung quanh gốc cây là một bồn cây nhỏ được xây lên để bảo vệ những chiếc rễ nhô lên mặt đất. Lý do chính bởi cây bàng nằm ở đối diện lớp em nên chúng em được giao nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ cho cây. Em sẽ luôn yêu quý cũng như chăm sóc cho cây bàng thật cẩn thận.
Dàn ý Tả cây cổ thụ – cây gạo
I. Mở bài
– Giới thiệu về cây gạo
II. Thân bài
– Vị trí của cây gạo
– Đặc điểm của cây gạo:
+ Cây gạo cao hơn 30 mét, mọc thẳng đứng.
+ Thân cây gạo to, vỏ có gai nhọn, màu nâu.
+ Cây gạo có nhiều nhánh cây lớn vươn dài đón ánh nắng mặt trời
+ Lá gạo xoè ra khá lớn, hình chân vịt, có màu xanh biếc
+ Hoa gạo có màu đỏ
– Kỉ niệm của em với cây gạo
III. Kết bài
– Tình cảm của em với cây gạo
Tả cây cổ thụ – tả cây gạo
Cứ vào hè, dọc những con đường lại ngập tràn màu đỏ rực rỡ của cây hoa gạo. Cây gạo đầu làng em đứng sừng sững như một vệ sĩ âm thầm.
Nó đã bao nhiêu năm tuổi rồi không ai rõ. Theo lời ông nội, cây gạo đã đứng đó hàng trăm năm nay, canh giữ cho cánh đồng làng quê yêu dấu. Chẳng thế mà gốc cây gạo to quá, phải sáu, bảy đứa trẻ chúng em nắm tay ôm mới xuể. Trên mặt đất, một phần rễ cây chồi hẳn lên, ngoằn ngoèo với đủ hình thù kì lạ như chiếc bướu của lạc đà,…
Thân cây to sừng sững như chiếc cột chống trời, xòe ra những cánh tay to lớn, vẫy vẫy giữa trời xanh. Tháng ba, cây gạo trổ hoa. Nụ gạo to bằng cái chén uống rượu của ông, màu đỏ rực. Hoa gạo như thắp muôn nghìn ngọn lửa cháy rừng rực giữa cánh đồng. Sớm sớm, chiều chiều, hàng trăm con chim kéo đến trò chuyện râm ran như: sáo sậu, sáo đen, chim sâu, vành khuyên,… Tưởng như bầy chim trời kéo về đây dự hội.
Cuối tháng sáu, quả gạo chín nở xoè ra nhiều múi. Bông gạo trắng tinh mang theo hạt gạo, được gió đưa đi khắp mọi chân trời. Bông gạo bay lơ lửng giữa trời quê như những chiếc khăn voan đẹp tuyệt.
Cây gạo mang đến cho làng quê vẻ đẹp thanh bình, đó là hình ảnh quen thuộc khiến bất cứ người con nào khi đi xa cũng phải dâng lên niềm thương và nỗi nhớ.
Dàn ý Tả cây cổ thụ – cây sấu
I. Mở bài
– Giới thiệu về cây sấu định tả.
II. Thân bài
1. Cảm nghĩ về hình ảnh cây Sấu: Cây Sấu mọc rất cao và vươn cành tỏa bóng làm dịu đi cái nóng cho người đi đường
– Thân cây như thế nào? thân cây cao lớn, vỏ cây xù xì trông vô cùng xấu xí
– Quả sấu như thế nào? Mỗi năm vào mùa hè là mùa của những quả Sấu chín. Quả sấu có hương vị thật đặc trưng, vừa ngọt vừa chua và thơm một cách rất lạ.
2. Cảm nghĩ về những kỉ niệm với cây Sấu:
– Quả sấu còn xanh là món khoái khoái khẩu của học trò chúng em. Mỗi khi cây Sấu ra trái, em thường hái những quả xanh đem ngâm muối sau đó chấm muối ớt. Ôi! thật tuyệt vời, nếu ai đã thử món này chắc chắn sẽ không quên được.
– Những buổi tan học về đi dưới hàng Sấu là những giây phút đẹp nhất, những chiếc lá nhẹ nhàng rơi xuống theo làn gió, tiếng lá xào xạc cùng tiếng chuyền cành của những chú sóc
III. Kết bài
– Cảm nghĩ chung về cây Sấu?
Tả cây cổ thụ – tả cây sấu
Trong những loại cây bóng mát mà em biết, cây sấu là loài cây mà em yêu quý nhất. Không chỉ vì những lợi ích mà cây mang lại mà cây sấu còn là loài cây đặc trưng của đường phố Hà Nội, nơi em đã sinh ra và lớn lên.
Thân cây sấu cũng giống như thân cây phượng hay cây bàng, cũng sù sì, màu nâu thẫm, một vòng tay em ôm không hết. Cành sấu vươn lên trời, tủa ra bốn phía như những cánh tay để đón lấy ánh sáng mặt trời. Tán lá sấu rộng, tỏa ra che rợp một góc trời. Lá sấu hình o van thuôn về phía dưới, mọc đối xứng nhau tạo thành một nhánh nhỏ. Lá sấu non màu xanh nhạt pha chút vàng, sờ vào thấy rất, khi già lá chuyển sang màu xanh đậm, rất cứng.
Sấu nở hoa vào tháng 5, khi trời còn chưa nắng quá gắt. Hoa sấu màu trắng, tròn, nhỏ, mọc thành từng chùm dày núp mình dưới tán lá xanh mướt. Sang đến đầu thu cũng là lúc khắp các nẻo đường Hà Nội từng chùm sấu xanh, quả to, tròn, trĩu quả rủ xuống. Quả sấu có vị chua, khi chín chuyển sang màu vàng và có vị ngọt. Quả sấu có thể ngâm với đường, muối, ớt hoặc làm ô mai đều là những thức quà vặt ngon lành.
van-ta-cay-coi-lop-4.jsp
Trích nguồn: Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường miền Trung
Danh mục: Văn mẫu lớp 4