Giáo dục

Thuyết minh tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí

Đề bài: Thuyết minh tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí

thuyet minh tac pham hoang le nhat thong chi

Bạn đang xem bài: Thuyết minh tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí

Thuyết minh tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí

I. Dàn ýThuyết minh tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí (Chuẩn)

1. Mở bài:

– Giới thiệu tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí.

2. Thân bài:

a. Giới thiệu chung về tác phẩm:

– Khái quát chung tác phẩm: được viết bằng chữ Hán, ghi lại sự thống nhất của vương triều Lê.
– Thể loại: được viết bằng thể chí, là một lối văn ghi chép lại sự vật sự việc.
– Nội dung: viết về giai đoạn lịch sử biến động của xã hội phong kiến Việt Nam, khoảng 30 năm từ thế kỉ XVIII đến đầu thế kỉ XIX.
– Dung lượng: gồm 17 hổi, đoạn trích là phần lớn hồi thứ 14 viết về sự kiện Quang Trung đại phá quân Thanh.

b. Thuyết minh nội dung đoạn trích:

* Đoạn trích đã tái hiện hình tượng của người anh hùng áo vải Quang Trung từ khi “lên ngôi hoàng đế” đến khi đại phá 25 vạn quân Thanh xâm lược.

– Vua Quang Trung là một người có suy nghĩ và hành động quyết đoán:
+ Khi nghe tin “quân Thanh vào Thăng Long”, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ “định thân chinh cầm quân đi ngay” để tiêu diệt quân xâm lược.
+ Nghe lời các tướng sĩ khuyên ngăn, phải lên ngôi vua để “yên kẻ phản trắc và giữ lấy lòng người”, ông bèn “đắp đàn ở trên núi Bân”, “tế cáo trời đất cùng các thần sông, thần núi” và “lên ngôi hoàng đế”.

– Ông là một vị vua có trí tuệ sáng suốt, nhạy bén:
+ Chiêu mộ binh lính ở Nghệ An.
+ Biết lòng quân chưa vững, ông tự mình “cưỡi voi ra doanh yên ủi quân lính” và ra lời phủ dụ khích lệ tinh thần dân tộc, ý chí căm thù giặc của quân sĩ.
+ Hiểu điểm mạnh điểm yếu của tướng sĩ; thưởng phạt phân minh.

– Quang Trung là một vị vua có tầm nhìn xa trông rộng:
+ Chưa đánh quân Thanh nhưng ông đã tính sẵn “phương lược tiến đánh” và khẳng định “chẳng qua mươi ngày có thể đuổi được người Thanh”.
+ Ông còn tính toán cả những sách lược ngoại giao lâu dài, tránh cho nhân dân ta khỏi loạn lạc chiến tranh.

– Quang Trung là vị vua thao lược, có tài dụng binh như thần:
+ Thế hiện qua việc hành quân thần tốc của đội quân Tây Sơn, chỉ 5 ngày đã đi được chặng đường từ thành Phú Xuân đến Nghệ An.
+ Cùng quân sĩ tiến ra bắc. Đến sông Thanh Quyết, ông cho người tiêu diệt hết toán binh do thám của quân Thanh.
+ Tối ngày mùng 3 tháng Giêng, ông cho bao vây làng Hà Hồi, rồi “bắc loa” đe doạ quân Thanh khiến chúng sợ hãi phải ra hàng.
+ Mờ sáng ngày mồng 5, ông cưỡi voi tiến sát đồn Ngọc Hồi, sau đó cho quân dùng “khiên rơm” che chắn và đánh “giáp lá cà” với quân địch.
+ Kết quả: quân Thanh thảm bại “giày xéo lên nhau mà chết”, thái thú Sầm Nghi Đống “tự thắt cổ chết”.

c. Đặc sắc nghệ thuật của đoạn trích:

– Cách kể chuyện xen cùng với miêu tả khiến cho các sự vật, sự việc cùng hình tượng người anh hùng Quang Trung hiện lên vô cùng sống động và chân thực
– Quang Trung được xây dựng bằng cảm hứng sử thi.
– Các sự kiện lịch sử trong truyện được kể lại hết sức khách quan, chân thật, cùng với ngôn ngữ tự sự và các biện pháp so sánh, đối lập được sử dụng linh hoạt

d. Ý nghĩa của tác phẩm:

– Tái hiện giai đoạn lịch sử đầy biến động của xã hội phong kiến Việt Nam từ thời chúa Trịnh Sâm lên ngôi đến khi Nguyễn Ánh lên ngôi vào năm 1802.
– Tái hiện chân thực, sống động, khách quan hình tượng người anh hùng Nguyễn Huệ với chiến công đại phá 25 vạn quân Thanh xâm lược.

3. Kết bài:

– Khẳng định giá trị của tác phẩm.

II. Bài văn mẫuThuyết minh tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí (Chuẩn)

Quang Trung là một vị vua áo vải vô cùng tài ba trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Sau khi ông qua đời, có rất nhiều tác phẩm thơ ca, các vở kịch, sân khấu, … được viết lên nhằm ca ngợi công lao to lớn của ông như Văn tế vua Quang Trung, Ai tư vãn của công chúa Ngọc Hân, Vua Quang Trung của Phan Trần Chú, … thế nhưng nổi tiếng nhất thì phải kể đến tác phẩm “Hoàng Lê nhất thống chí” của nhóm tác giả Ngô gia văn phái.

Hoàng Lê nhất thống chí được viết bằng chữ Hán, tác phẩm đã ghi lại quá trình thống nhất của vương triều nhà Lê. Tác giả của tác phẩm này là Ngô gia văn phái, một nhóm tác giả thuộc dòng họ Ngô Thì, ở làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Hai tác giả chính của Hoàng Lê nhất thống chí là Ngô Thì Chí và Ngô Thì Du. Tác giả Ngô Thì Chí sinh năm 1753 mất năm 1788, là em ruột của Ngô Thì Nhậm. Ông làm quan dưới triều của Lê Chiêu Thống. Tương truyền ông tuyệt đối trung thành với nhà Lê. Ông cũng là người dâng lên “Trung hưng sách” bàn kế khôi phục nhà Lê lên vua Lê Chiêu Thống. Theo nhiều tài liệu được ghi lại thì ông là tác giả của phần Chính biên – 7 hồi đầu tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí. Tác giả Ngô Thì Du sinh năm 1772 mất năm 1840, là anh em con chú con bác với Ngô Thì Chí. Ông là tác giả của 7 hồi kế tiếp trong tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí. Ba hồi còn lại trong tác phẩm là những sự việc có tính chắp vá, tương truyền có thể là do Ngô Thì Thuyết (hoặc Thiến) – một người khác thuộc nhóm tác giả dòng họ Ngô thì viết lại hoặc có thể là một tác giả vô danh khác.

Hoàng Lê nhất thống chí được viết bằng thể chí, là một lối văn ghi chép lại sự vật sự việc. Ngoài ra ta cũng có thể coi tác phẩm là một cuốn tiểu thuyết lịch sử được viết theo lối chương hồi, chịu ảnh hưởng của văn chương Trung Quốc cũng như nét đặc trưng văn sử bất phân của văn học trung đại Việt Nam. Nếu xét về độ chân thực của lịch sử trong tác phẩm thì Hoàng Lê nhất thống chí có thể được xếp vào thể loại kí sự lịch sử. Tuy nhiên nếu xét về hình thức hay cách mà các tác giả xây dựng các hình tượng nhân vật, cách miêu tả, kể chuyện,… thì tác phẩm lại mang đậm chất của một tiểu thuyết.

Nội dung của tác phẩm là những sự kiện ghi chép lại sự thống nhất của chiều đại nhà Lê cũng như tái hiện giai đoạn lịch sử đầy biến động của xã hội phong kiến Việt nam vào khoảng 30 năm cuối thế kỉ XVIII, vài năm đầu thế kỉ XIX. Tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí gồm tất cả 17 hồi. Đoạn trích trong sách giáo khoa là phần lớn của hồi 14, viết về sự kiện khi vua Quang Trung lập nên kỳ tích đại phá 25 vạn quân Thanh xâm lược.

Về nội dung, thông qua đoạn trích hồi thứ 14 của tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí, ta có thể thấy rõ hình tượng của vua Quang Trung, vị vua áo vải, từ lúc ông “tế cáo trời đất”, “lên ngôi hoàng đế”, hành quân đến Nghệ An chiêu bình rồi thẳng tiến tới kinh thành Thăng Long, đánh tan giặc Thanh. Hình ảnh của vua Quang Trung hiện lên trong tác phẩm đầu tiên là qua lời kể gián tiếp của người nữ hầu của Hoàng Thái Hậu với sự thán phục trước một con người tài ba xuất chúng. Khi được tin “quân Thanh đến Thăng Long”, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lúc bấy giờ vô cùng giận dữ, “định thân chinh cầm quân đi ngay”, tự mình tiêu diệt quân địch. Thế nhưng được mọi người khuyên ngăn nên ông quyết định “đắp đàn ở trên núi Bân”, “tế cáo trời đất cùng các thần sông thần núi”, “lên ngôi hoàng đế”, lập nên nhà Tây Sơn để “giữ lấy lòng người” yên ổn. Đây là hành động cho thấy được sự quyết đoán mạnh mẽ của vua Quang Trung. Ngay sau đó, ông tức tốc hành quân ra Bắc, qua Nghệ An thì chiêu binh “kén lính” để có thể hành động tiến công vào Thăng Long ngay trong Tết Nguyên Đán. Bởi ông hiểu rõ đó là thời điểm mà quân Thanh lơ là phòng bị nhất. Hơn thế, Quang Trung cũng hiểu rõ sức mạnh của ý chí, tinh thần, thế nên ông đã thân chinh “cưỡi voi ra doanh yên ủi quân lính” rồi truyền lời phủ dụ của mình, khích lệ tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc ngoại xâm cho các binh sĩ của mình: “Quân Thanh sang xâm lấn nước ta, hiện ở Thăng Long, các ngươi đã biết chưa?…Các người đều là những kẻ có lương tri, lương năng, hãy nên cũng ta đồng tâm hiệp lực, để dựng lên công lớn. Chớ nên quen theo thói cũ, ăn ở hai lòng”. Hơn thế, khi hai tướng Sở và Lân mang roi chịu tội, ông cũng phân tích rõ tình hình quân địch, thế núi thế sông của thành Thăng Long cũng như điểm mạnh điểm yếu của từng người, nêu ra nguyên nhân thất bại mà không hề trị tội. Đó là nghệ thuật dùng người vô cùng tinh tế của vua Quang Trung. Thông qua những điều đó, ta có thể thấy ông là một người có trí tuệ sáng suốt và nhạy bén vô cùng.

Ngay từ lúc hành quân ra Bắc, Quang Trung đã định sẵn những “phương lược tiến đánh” quân Thanh và khẳng định “chẳng qua mươi ngày có thể đuổi được người Thanh”. Hơn thế, ông còn đã tính đến các kế sách ngoại giao sau này khi thắng trận để tránh cho dân chúng rơi vào cảnh lầm than loạn lạc: “Nhưng nghĩ chúng là nước lớn gấp mười nước mình, sau khi bị thua một trận, ắt lấy làm thẹn mà lo mưu báo thù. Như thế việc binh đao không bao giờ dứt, không phải là phúc cho dân”. Đây là suy nghĩ của một người có tầm nhìn xa trông rộng, một vị vua tài đức vẹn toàn, luôn lo lắng, suy nghĩ cho nhân dân. Đến khi Quang Trung tiến đánh Thăng Long, ta mới thấy rõ được sự thao lược, tài cầm quân, dụng binh như thần của ông. Chỉ trong vòng 7 ngày, Quang Trung đã hành quân thần tốc từ kinh thành Phú Xuân ra tới tận kinh thành Thăng Long. Ông còn hẹn với các tướng rằng: “hẹn đến ngày mồng 7 năm mới thì vào thành Thăng Long, mở tiệc ăn mừng”. Một vị vua tài giỏi, mưu lược như thần, đã cùng đội quân của mình đánh bại đội quân hơn 25 vạn người của nhà Thanh. Đầu tiên, ông cho bắt hết quân do thám của giặc Thanh rồi sau đó, “ngày mùng 3 tháng giêng năm Kỷ Dậu (1789)”, ông đã “lặng lẽ” cho quân “vây kín” làng Hà Hồi rồi truyền “bắc loa” mà đe doạ quân giặc khiến chúng phải sợ hãi xin hàng. Tới ngày mồng 5, ông cùng quân sĩ “tiến sát đồn Ngọc Hồi”, dùng khiên rơm đánh “giáp lá cà” với quân giặc. Quân Thanh lơ là, “chống không nổi, bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết”. Thái thú Sầm Nghi Đống cũng “tự thắt cổ chết”, “quân Thanh đại bại”, quân Tây Sơn hoàn toàn thắng lợi, đánh tan được hơn 25 vạn quân Thanh xâm lược nước ta.

Về mặt nghệ thuật, Hoàng Lê nhất thống chí đã gây ấn tượng với người đọc bằng cách kể chuyện xen cùng với miêu tả khiến cho các sự vật, sự việc cùng hình tượng người anh hùng Quang Trung hiện lên vô cùng sống động và chân thực. Hình tượng Nguyễn Huệ hiện lên qua từng trang truyện mang đậm màu sắc sử thi. Các sự kiện lịch sử trong truyện được kể lại hết sức khách quan, chân thật, cùng với ngôn ngữ tự sự và các biện pháp so sánh, đối lập được sử dụng linh hoạt khi so sánh trạng thái, vị thế của quân ta và giặc.

Mặc dù ở vị thế đối địch và không làm quan dưới triều Tây Sơn, nhưng các tác giả của Ngô gia văn phái đã tái hiện rất khách quan giai đoạn lịch sử cùng hình ảnh của người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ vô cùng chân thực, hào hùng trong chiến công đại phá quân Thanh.

Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái đã cho ta thấy rõ giai đoạn lịch sử từ khi chúa Trịnh Sâm lên ngôi chúa đến khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua năm 1802. Đồng thời nó cũng tái hiện rõ hình ảnh người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ rất hào hùng, chân thực. Tác phẩm nói chung và hồi 14 nói riêng sẽ luôn là những chương truyện lịch sử hay, đúng đắn, thể hiện niềm tự hào dân tộc vô cùng mạnh mẽ.

——————-HẾT——————–

Để tìm hiểu sâu hơn về tác phẩm Hoàng Lê nhất thống trí của nhóm tác giả Ngô Gia văn phái cũng như tìm hiểu về những chiến công vang đội, những phẩm chất anh hùng của vua Quang Trung Nguyễn Huệ, mời các bạn cùng đọc thêm các bài viết khác như: Phân tích hình tượng vua Quang Trung trong Hoàng Lê nhất thống chí, Nghệ thuật xây dựng nhân vật vua chúa trong Hoàng Lê nhất thống chí, Phân tích Hoàng Lê nhất thống chí, Phân tích và nêu cảm nghĩ về hồi thứ mười bốn Hoàng Lê nhất thống chí.

Trích nguồn: Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường miền Trung
Danh mục: Giáo dục

Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường miền Trung

Cách đây 40 năm về trước, mặc dù miền Bắc XHCN khi đó đang nặng hai vai gánh cả non sông vượt dặm dài, vừa là hậu phương lớn chi viện tích cực cho các chiến trường với tinh thần thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người, vừa là tiền tuyến đánh trả cuộc chiến tranh bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ nhưng sự nghiệp giáo dục và đào tạo vẫn không ngừng phát triển nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu trước mắt và sự nghiệp tái thiết đất nước lâu dài sau chiến tranh. Trong bối cảnh đó và trước yêu cầu của công tác điều tra cơ bản phục vụ quy hoạch các vùng kinh tế mới,vùng chuyên canh, xây dựng các nông trường, Bộ Nông trường ( nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ) đã có Quyết định số 115 QĐ/TC ngày 05 th áng 9 năm 1968 về việc mở Lớp công nhân đo dạc - tiền thân của Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường miền Trung ngày nay.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button