Văn mẫu lớp 5

Tả một người lao động đang làm việc hay nhất (dàn ý + 7 mẫu)



Tả một người lao động đang làm việc hay nhất (dàn ý – 7 mẫu)

Bạn đang xem bài: Tả một người lao động đang làm việc hay nhất (dàn ý + 7 mẫu)

Trang trước

Trang sau

Tả một người lao động đang làm việc hay nhất (dàn ý + 7 mẫu)

Đề bài: Tả một người lao động ( công nhân, nông dân, thợ thủ công, bác sĩ, y tá, cô giáo…) đang làm việc.

Dàn ý Tả một người lao động đang làm việc

1. Mở bài: Giới thiệu người em định tả.

2. Thân bài:

– Ngoại hình của người đó.

– Tính cách và cách ứng xử của người đó với người xung quanh.

– Hành vi, cử chỉ của người đó khi làm việc.

– Em ấn tượng gì về người đó.

3. Kết bài: Nêu tình cảm, suy nghĩ của em.

Văn mẫu lớp 5 | Tập làm văn lớp 5

Tả một người lao động đang làm việc – tả bác nông dân gặt lúa

Mùa hè bao giờ cũng cho tôi những trải nghiệm thú vị, những hiểu biết bổ ích. Mùa hè vừa qua, tôi về quê ngoại. Vùng quê yên ả ấy đem tới cho tôi rất nhiều hình ảnh ấn tượng. Cho tới bây giờ, hình ảnh những bác nông dân lao động giữa ngày mùa vẫn in đậm trong trái tim tôi.

Từ lúc làng quê còn mơ màng trong làn sương sớm, các bác nông dân đã kéo nhau ra đồng. Ngày hè oi nóng, các bác ra đồng sớm để tránh cái nóng ban trưa. Với những câu chuyện về vụ mùa, về một cô cậu bé gần nhà hay một tin tức trên đài tối qua, các bác chuyện trò với nhau rất vui vẻ. Trên gương mặt là sự rạng rỡ, là niềm háo hức đón chờ một mùa vụ trĩu hạt.

Mỗi người đi tới thửa ruộng của mình. Ai ai cũng vận trên mình bộ trang phục lao động. Trên tay cầm sẵn những chiếc liềm cong cong. Các bác đứng khum khum người, tay trái lượm những bông lúa, tay phải cầm lưỡi hái để gặt. Những tiếng xoèn xoẹt phát ra khi lưỡi hái lia tới thân lúa. Nhanh như cắt, lúa trên đôi tay các bác được bó thành từng bó, đặt trên những gốc rạ. Gốc ra vươn mình đỡ lúa. Từng lớp, từng hàng lúa đã được gặt gái nhờ đôi tay mềm mại, thoăn thoắt của các bác nông dân.

Một lúc sau, cánh đồng sáng hẳn nhờ ông mặt trời đã thức giấc sau ngọn núi. Mây chẳng rõ trốn biệt đi đâu để lại một vòm trời xanh biêng biếc. Chính vì thế, nắng mỗi lúc càng gắt hơn. Những tia nắng vàng giòn như chính những bông lúa trên cánh đồng kia. Đồng lúa cũng được nắng dệt cho một màu tươi mới. Thảm lúa đua nhau dập dờn trước gió. Các bác nông dân nheo mắt bởi nắng. Các bác vội đội nón rồi trùm kín khăn. Những chiếc nón cứ nhấp nhô trên cánh đồng như đám cò trắng sà xuống dạo chơi. Trên gương mặt, vô vàn giọt mồ hôi cứ chảy. Một bác đưa tay lên quệt cho đỡ tràn vào khóe mắt, nói lớn: “Chà chà! Nắng lớn là được mùa đó các bác nhỉ?” Mấy bác đang hái ở ruộng kề bên cũng vang lên những tiếng tán thành.

Trưa, chiếc áo của các bác đã ướt đẫm mồ hôi. Nhưng tôi chỉ thấy nụ cười tươi và niềm hớn hở trên khóe miệng các bác. Chẳng mấy nữa thôi, cánh đồng lúa kia sẽ biến thành muôn hạt gạo trắng ngần, thơm dẻo. Hôm nay, tôi đã biết gạo trắng, cơm thơm là thành quả miệt mài, cần mẫn bao tháng năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời của các bác nông dân. Có lẽ vì thế mà người xưa vẫn dạy “Ai ơi bưng bát cơm đầy… Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần…”

Dàn ý Tả một người lao động đang làm việc – người thợ xây

I. Mở bài:

– Giới thiệu bác thợ xây được tả.

– Hoàn cảnh gặp gỡ bác thợ xây? Bác đang xây nhà riêng hay xây công trình gì?

II. Thân bài:

– Tả hình dáng bác thợ xây: Những đặc điểm cụ thể: thân hình, nước da, khuôn mặt.

+ Thân hình vạm vỡ, khoẻ mạnh.

+ Quần áo, giày của bác thợ xây.

– Tả hoạt động của bác thợ xây:

+ Trộn vữa: Tay bác nhanh thoăn thoắt, đổ nước vào đống cát, xi măng và vôi, nhào đi nhào lại thành chất kết dính những viên gạch với nhau.

+ Xây tường: Bác dùng chiếc bay xúc vữa đã trộn phủ đều lên hàng gạch trên cùng bức tường. Sau đó, bác lấy tay trái nhặt một viên gạch đặt ngay ngắn lên chỗ vữa vừa mới rải rồi một tay anh giữ viên gạch, tay kia dùng bay gõ nhẹ vào nó.

+ Kiểm tra sự chính xác của hàng gạch mới xây.

– Thái độ làm việc của bác thợ xây: hăng say, chăm chỉ và thạo nghề.

III. Kết bài:

– Cảm nghĩ chung.

– Khâm phục và yêu quý bác thợ xây.

– Bác là người anh hùng trong lao động.

Tả một người lao động đang làm việc – tả người thợ xây

Hưởng ứng phong trào đền ơn đáp nghĩa, xí nghiệp May thêu của quán, nơi má em làm việc, đã quyên góp tiền xây dựng một ngôi nhà tình nghĩ cho bà Sáu Trầu, mẹ của hai liệt sĩ thời chống Mĩ. Trưởng tốp thợ xây là chú Nam. Phụ việc cho chú là bốn, năm anh, chị thợ phụ khác.

Chú Nam là bộ đội xuất ngũ. Tuy tuổi đời mới ba mươi nhưng chú đã có hàng chục tuổi nghề, bởi trước khi đi nghĩa vụ chú đã làm thợ xây mấy năm. Bà con lối xóm quý mến chú Nam phần vì tính nết đàng hoàng , phần vì trình độ tay nghề khá cao của chú.

Với dáng người cao lớn, trông chú Nam càng thêm khỏe mạnh trong bộ đồ xanh của công nhân xây dựng. Nước da chú màu nâu óng, tay chân săn chắc. Gương mặt sáng sủa, ưa nhìn với đôi mắt đen luôn luôn nhìn thẳng và đôi môi thường nở nụ cười thân thiện.

Sáng nào, chú cũng đến nơi làm việc sớm nhất để sắp xếp công việc trong ngày. Chú nhắc nhở mấy anh chị thợ phụ chuẩn bị cát, xi măng, gạch, sắt, thép sao cho đầy đủ và thuận. Chú kiểm tra kỹ lưỡng việc trộn hồ cho đúng quy cách để đảm bảo chất lượng công trình.

Chú thường nói với các bạn rằng đây không chỉ là chuyện xây nhà đơn thuần mà còn là việc đền ơn đáp nghĩa những người đã hi sinh vì tổ quốc. Vì thế anh chị em phải ráng làm cho tốt.

Cắt đặt xong xuôi, chú bắt tay vào xây. Những xô vữa đầy được đổ vào chiếc thùng gỗ đặt sát dưới chân chú. Chồng gạch đỏ tươi xếp ngay tầm với. Tay phải chú cầm chiếc bay, xúc hồ đổ lên mặt hàng gạch xây dở hôm qua, rồi chú nhanh nhẹn gạt cho đều và phẳng. Tay trái chú nhặt từng viên gạch đặt ngay ngắn lên trên, rồi chú trở cán bay, gõ nhẹ mấy cái để viên gạch dính chặt xuống lớp hồ. Từng động tác của chú đều cẩn thận và khéo léo. Đường gạch xây thẳng tắp cứ cao dần, cao dần. Nhìn chú say mê làm việc, ai cũng trầm trồ khen ngợi. Vừa làm, chú Nam ân cần nhắc nhở, hướng dẫn những người thợ kế bên để nay mai họ cũng sẽ có tay nghề cao như chú.

Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, bà Sáu trầu sẽ được sống dưới mái nhà vững chãi và ấm cúng. Nghĩ tới ngày ấy, em cũng thấy vui, em càng thêm yêu mến những người lao động cần cù như chú Nam và các cô chú công nhân khác. Họ âm thầm tô điểm cho cuộc đời thêm đẹp.

Dàn ý Tả một người lao động đang làm việc – bác sĩ đang khám bệnh

I. Mở bài:

– Tuần trước trường em tổ chức tiêm vắc-xin cho học sinh trong trường.

– Có rất nhiều cô chú bác sĩ đến nhưng em ấn tượng nhất với cô bác sĩ Hoa người đã khám bệnh cho em.

II. Thân bài:

* Tả hình dáng:

– Dáng người cô thon gọn, hơi cao.

– Nước da cô trắng hồng.

– Mái tóc đen dài đến ngang lưng được cô cột gọn gàng.

– Khuôn mặt cô hình trái xoan.

– Đầu của cô đội một chiếc mũ của các cô chú bác sĩ hay đội, có màu trắng.

– Cô mặc trên người bộ quần áo bác sĩ, nhìn cô lại càng đẹp hơn.

* Thái độ của cô khi khám bệnh:

– Cô ân cần khi khám bệnh cho em và các bạn.

– Cô hỏi han các bạn về việc học.

– Cô nói chuyện vui để các bạn quên đi nỗi sợ phải tiêm.

– Cách cô quan tâm hỏi han khi tiêm xong cho các bạn.

III. Kết bài:

– Cô bác sĩ Hoa để lại trong lòng em một ấn tượng rất tốt.

– Em cũng mong ước sau này được trở thành một bác sĩ

Tả một người lao động đang làm việc – tả bác sĩ đang khám bệnh

Hôm nay là ngày thầy thuốc Việt Nam làm em nhớ đến một người thầy thuốc: bác sĩ Lê Thị Thanh Xuân, người đã trực tiếp chăm lo, săn sóc bệnh cho Nội của em hồi Nội nằm điều trị tại bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu.

Bác sĩ Xuân có dáng người thanh tú. Khuôn mặt hình trái xoan, mái tóc đen nhánh luôn buông xõa xuống bờ vai. Đôi mắt tròn và vẻ mặt luôn tươi tỉnh. Cũng như các cần bộ y tế khác, bác sĩ Xuân mặc một chiếc áo khoác trắng dài đến. đầu gối và đội chiếc mũ trắng, dáng đi nhanh nhẹn, hoạt bát.

Ngay buổi đầu tiên Nội em nhập viện, bác sĩ đã ân cần thăm hỏi bệnh tình của Nội, đỡ Nội nằm xuống, cẩn thận sửa lại nệm, gối, lấy chiếc mền đắp lên người Nội như một người con chăm sóc cha, rồi bác sĩ quay lại nói với người y tá của mình, chuẩn bị dụng cụ để đo nhiệt độ cho Nội. Bác sĩ dặn đi dặn lại: “Cụ giữ ống nhiệt kế cho chặt, mười lăm phút sau cháu xin lại”. Chăm sóc Nội em xong, bác sĩ đi sang giường bệnh khác để thăm bệnh cho một bác đã lớn tuổi. Trong khi làm, nhìn gương mặt bác sĩ thật hiền từ, nhân ái. Xong việc bác sĩ ân cần nói với bệnh nhân: “Khi nào cô thấy đau trở lại, nhớ gọi y tá báo cho tôi biết”. Cứ ân cần cẩn thận như thế, bác sĩ đi hết giường nọ đến giường kia. Cả phòng có tám giường thì cả tám bệnh nhân đều được bác sĩ thăm hỏi. Tất cả bệnh nhân đều nhìn bác sĩ với một sự tin yêu, trìu mến. Em nhớ có lúc quay lại giường Nội, bác sĩ còn hỏi han việc học hành của em và dặn dò em lưu ý động viên, an ủi Nội. Lúc bác sĩ nói, em nghe giọng nói thật ấm áp và đầy sự thông cảm sẻ chia.

Khi khỏi bệnh, Nội trở về nhà, gia đình em chia tay với bác sĩ. Cả em và Nội đều lưu luyến. Hôm nay nhớ lại em càng cảm phục sự tận tình chu đáo của bác sĩ Xuân. Em muốn mình sau này lớn lên cũng sẽ trở thành bác sĩ để cứu giúp mọi người, làm những điều thiện giúp đời.

Dàn ý Tả một người lao động đang làm việc – cô (chú) lao công đang quét đường

I. Mở bài: Giới thiệu về cô (chú) lao công mình định tả.

II. Thân bài:

* Ngoại hình:

– Dáng người cô (chú) cân đối.

– Làn da ngăm đen.

* Trang phục:

– Cô (chú) mặc bộ quần áo màu xanh của công nhân vệ sinh môi trường, đội nón, đi giày.

– Cô (chú) đeo khẩu trang tránh bụi bẩn, đeo găng tay để bàn tay không bị xước xát.

* Hoạt động:

– Cô (chú) nhanh nhẹn đưa từng đường chổi và hót rác vào xe đẩy để mang chúng đến nơi xử lý.

– Cô (chú) làm việc rất cần mẫn, không quản ngại trời nắng hay mưa.

III. Kết bài: Bày tỏ tình cảm của bản thân với cô (chú) lao công ấy.

Tả một người lao động đang làm việc – tả cô (chú) lao công đang quét đường

Đã bao giờ các bạn chú ý đến những cô lao công chưa? Họ đã không quản ngại mưa nắng để giữ cho môi trường luôn xanh – sạch – đẹp. Cô lao công thường xuyên quét dọn ở khu vực ngõ nhà tôi ở tên là Thu.

Cô Thu năm nay đã gần 40 tuổi. Cô có dáng người cân đối và nước da ngăm đen. Mái tóc cô đen nhánh, dài đến ngang lưng được buộc gọn gàng ở phía sau gáy. Khuôn mặt trái xoan cùng nụ cười tươi tắn trên môi cô luôn tạo cho người khác một cảm giác thân thiện, gần gũi. Cô mặc một bộ quần áo của công nhân vệ sinh môi trường màu xanh lá, trên đầu đội chiếc nón lá và chân đi đôi giày vải mềm. Cô đeo chiếc khẩu trang màu nâu để chống bụi bẩn từ môi trường làm việc. Không chỉ vậy, cô còn đeo đôi găng tay để tránh cho bàn tay mình bị xước xát.

Cô thường làm việc vào buổi sáng sớm và chiều tối. Nếu buổi sáng cô quét dọn những con đường thì đến buổi chiều, cô thu gom rác thải vào một chiếc xe đẩy và đẩy đến nơi xử lý rác. Trời mới tờ mờ sáng nhưng mọi người đã nghe thấy tiếng chổi đều đều, quen thuộc của cô. Và khi trời sáng hẳn, mọi người đã thấy một đường phố sạch sẽ, những rác rưởi, lá cây cũng đã được thu gọn lại. Đôi bàn tay đã nhiều vết chai sạn của cô nhanh nhẹn đưa những đường chổi, rồi cũng chính đôi bàn tay ấy hót rác vào chiếc xe đẩy. Mọi ngóc ngách đều trở nên sạch sẽ. Cô làm công việc này với tất cả sự hăng say và yêu thích. Dù trời nắng hay trời mưa thì cô Thu vẫn thực hiện công việc một cách đều đặn. Có những đêm trời gió bão và mưa rất to, mọi người cứ ngỡ rằng đường phố sẽ chìm trong lá khô và rác thải nhưng đến hôm sau ai nấy đều bất ngờ vì con đường đã được cô lao công dọn sạch.

Công việc của cô cùng sự hy sinh thầm lặng đã góp phần làm cho môi trường sạch sẽ, trong lành hơn. Thật may mắn cho em khi những buổi sáng chạy thể dục cùng ông nội bắt gặp hình ảnh cô lao công đang làm việc. Điều đó khiến em nhận ra nghề nghiệp chân chính nào cũng đáng quý và đáng được trân trọng. Công việc của cô tuy thầm lặng nhưng lại có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với cuộc sống của chúng ta.

Dàn ý Tả một người lao động đang làm việc – cô giáo đang giảng bài

I. Mở bài:

– Nhân vật được tả: cô giáo em.

– Trong hoàn cảnh: đang giảng bài trên lớp.

II. Thân bài:

* Tả cô giáo:

+ Ngoại hình:

– Tuổi, vóc dáng, mái tóc, gương mặt, nước da…

– Trang phục: Cô mặc áo dài, quần trắng…

+ Tính nết:

– Giản dị, chân thành…

– Dịu dàng, tận tụy, yêu thương học sinh.

– Gắn bó với nghề dạy học.

+ Tài năng:

– Cô dạy Văn rất hay (chứng minh cụ thể qua một bài giảng trên lớp).

– Biết khơi dậy hứng thú học tập của học sinh, lôi cuốn chúng em vào bài học.

– Giờ dạy của cô rất vui vẻ, sinh động, học sinh hiểu bài.

III. Kết bài:

– Chúng em rất kính mến cô.

– Mong rằng sang năm sẽ được tiếp tục học cô.

Tả một người lao động đang làm việc – tả cô giáo đang giảng bài

Có những hình ảnh nào khiến bạn nhớ mãi không quên trong cuộc đời hay không? Với tôi thì có, đó là hình ảnh cô giáo tôi đứng trên bục giảng, giảng bài hàng ngày.

Cô giáo dạy tôi môn Toán năm lớp bốn là một người hiền dịu và tận tâm vô cùng. Cô có dáng người cao gầy, mái tóc đen đến ngang vai lúc nào cũng được cặp lên bằng chiếc cặp nhỏ nhắn. Cô khá giản dị và dịu dàng. Hàng ngày đến lớp, cô thường mặc những chiếc áo công sở cùng quần đen dài, nhìn cô lúc nào cũng tràn đầy nét trí thức và nghiêm túc. Khi vào mỗi tiết học, cô đều bước vào lớp, nở một nụ cười tươi đầy trìu mến và chào lớp để bắt đầu một bài học mới. Những dòng tên đề bài đều được cô viết to và đậm nét bằng nét chữ uốn lượn, để lại cho chúng tôi ấn tượng vô cùng sâu sắc. Từng dòng đề mục, từng lĩnh vực kiến thức hiện lên trên mặt bảng. Cô giảng giải cho chúng tôi cặn kẽ, từng li từng tí bằng giọng nói to, rõ ràng. Cô chỉ cho chúng tôi hiểu vì sao chỗ này lại như vậy, vì sao chỗ kia lại không, cho đến khi chúng tôi hiểu mới thôi. Đi kèm theo từng lời giảng, ánh mắt cô đều nhìn thẳng vào học trò như muốn động viên, cổ vũ chúng tôi. Nhờ những ánh mắt ấy mà lớp tôi tiếp thu bài được sâu hơn, kĩ hơn.

Khi chúng tôi chăm chú làm bài tập, cô nhẹ nhàng đi qua từng dãy bàn, quan sát học trò mình làm bài. Khi có bạn nào làm chưa đúng, cô đều tỉ mỉ chỉ ra lỗi sai và sửa cho bạn. Cô sẵn sàng lắng nghe những thắc mắc, những câu hỏi của chúng tôi và giải đáp chúng một cách cặn kẽ và dễ hiểu. Trong mỗi tiết học, dù là học môn Toán, một môn học tưởng như khô khan nhưng nhờ có cô mà những tiết học đã trở nên đầy lý thú và tràn ngập niềm vui. Cô thường lấy những ví dụ sinh động, hài hước để cả lớp có một tinh thần thoải mái trong giờ học.Dù đôi khi trên gương mặt cô lấm tấm những giọt mồ hôi nhưng cô vẫn say sưa giảng bài cho chúng tôi.

Cô từng nói rằng ” Được truyền đạt kiến thức cho học sinh, cho thế hệ tương lai của đất nước sau này đối với cô là một niềm hạnh phúc”. Phải chăng đó chính là nguồn gốc của sự tận tâm, nhiệt huyết trong mỗi bài giảng của cô. Đến cuối mỗi buổi học, cô dặn dò lớp những việc cần làm ở nhà và chào tạm biệt lớp vẫn bằng nụ cười rạng rỡ ấy, nụ cười mà tôi vĩnh viễn khắc sâu trong tâm trí.Sau mỗi tiết học của cô, tôi cảm thấy rất vui vẻ vì được hiểu biết thêm về những điều mới mẻ, bổ ích.

Mỗi tiết học của cô đều để lại ấn tượng sâu sắc đối với tôi cho đến tận bây giờ. Dù không còn được học với cô, nhưng hình ảnh người giáo viên trong mỗi giờ học ấy vẫn luôn tồn tại trong trái tim tôi.

Dàn ý Tả một người lao động đang làm việc – chú công an giao thông đang làm nhiệm vụ

1. Mở bài: Giới thiệu người em định tả: chú công an giao thông.

2. Thân bài:

a. Tả ngoại hình:

– Vóc dáng người: dong dỏng cao, hơi gầy, rắn rỏi với nước da ngăm ngăm đen.

– Khuôn mặt: mặt chữ điền, cương nghị, mắt to, nhìn thẳng, ánh mắt sáng, giọng nói rõ ràng, khúc chiết.

– Phục sức: chú công an mặc đồng phục màu vàng kem, đội mũ lưỡi trai quân phục cùng màu với áo quần.

b. Tả hoạt động:

– Chú công an giao thông gác đường ở ngã tư. Tay chú cầm gậy ngắn sơn hai màu trắng đen và dùng gậy ra hiệu cho xe chạy qua hay dừng lại theo hiệu lệnh của màu đèn.

– Chú thổi còi khi có người lái xe vi phạm luật.

– Nhờ chú công an, trật tự được tái lập, xe cộ khắc phục được tình trạng ùn tắc giao thông.

3. Kết bài:

– Nêu tình cảm, suy nghĩ của em đối với chú công an: quý mến, biết ơn và tôn trọng chú công an.

Tả một người lao động đang làm việc – tả chú công an giao thông đang làm nhiệm vụ

Ngay cạnh trường học của em có một trạm cảnh sát giao thông để điều tiết giao thông cho mọi người. Ở trong trạm có rất nhiều chú cảnh sát giao thông mặc quân phục màu vàng khi hoạt động. Hôm nào chúng em cũng có thể nhìn ngắm các chú điều khiển phương tiện giao thông.

Hôm nay vào giờ học thể dục, thầy giáo ốm nên cho chúng em ngồi chơi. Em ngồi cạnh bồn hoa và nhìn ra phía ngoài đường thấy chú cảnh sát giao thông đang điều khiển giao thông. Chú cảnh sát giao thông mặc bộ quần áo màu vàng, đội mũ vàng, cổ đeo một chiếc còi và tay cầm một cái gậy để điều khiển xe.

Ánh mắt chú quan sát khắp mọi các con đường, rất chăm chú để phát hiện ra lỗi sai phạm của người tham gia giao thông. Khi dòng xe quá tải, đường chật ních, chú vừa thổi chiếc còi vừa vẫy tay để mọi người đi qua. Đoạn đường này không có đèn tín hiệu giao thông nên việc điều khiển của chú công an giao thông rất vất vả. Em thấy chú lọt thỏm giữa dòng xe đi vội vã. Tiếng còi không ngừng vang lên, tay cầm gậy vẫy vẫy và chỉ hướng đi để mọi người đỡ bị cản trở. Thông thường vào giờ cao điểm thì chú phải hoạt động nhiều nhất.

Những giờ bình thường trong ngày chú đứng ở bốt và ra ngoài đường ngắm những chiếc xe chạy quá tốc độ, rẽ đường không đúng nơi quy định, không đội mũ bảo hiểm và chở quá số người quy định. Những điều này đều được chú công an nắm rõ và xử lý rất tốt.

Mặc dù người đi xe rẽ ở xa nhưng bằng con mắt tinh tế của nghề chú rất dễ để phát hiện ra. Có hai mẹ con đi xe nhưng không đội mũ bảo hiểm, chú đã thổi còi và yêu cầu họ xuống xe xuất trình giấy tờ. Chú xử lý đúng luật, rất nghiêm hành vi vi phạm này.

Em thấy công việc của chú công an giao thông điều khiển phương tiện giao thông rất vất vả nhưng các chú vẫn hoàn thành tốt công việc.

Dàn ý Tả một người lao động đang làm việc – người thợ mộc

I. Mở bài:

– Giới thiệu về người thợ mộc.

II. Thân bài:

– Ngoại hình của người đó.

– Tính cách và cách ứng xử của người đó với người xung quanh.

– Hành vi, cử chỉ của người thợ mộc khi làm việc.

– Em ấn tượng gì về người đó.

III. Kết bài:

– Khẳng định lại tình cảm của mình với bác thợ mộc.

Tả một người lao động đang làm việc – tả người thợ mộc

Bà nội em sinh được bốn người con, ba người đi làm ăn xa, chỉ còn chú Út ở nhà với ông bà. Chú Út năm nay hai mươi tám tuổi, dáng người thanh mảnh, nhanh nhẹn. Khuôn mặt vuông vức, đôi mắt trong sáng và nụ cười cởi mở. Cả nhà duy nhất có chú nối nghiệp cha làm nghề chạm khắc và tạc tượng gỗ. Chú cùng mấy người bạn trong ấp lập một xưởng nhỏ chuyên sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ.

Bước vào sân, em đã thấy những khúc gỗ đủ mọi kích cỡ đặt la liệt khắp nơi. Dưới mái che bằng bạt, chú Út say mê tạc tượng một em bé cưỡi trâu thổi sáo. Ba em kể rằng ngay từ nhỏ, chú đã tỏ ra rất có năng khiếu nên ông nội đã truyền nghề cho chú. Hai cha con em thực sự bị cuốn hút vào công việc tỉ mỉ, khó khăn nhưng đầy thú vị. Chú Út một tay cầm đục, một tay cầm chiếc dùi bằng gỗ, thận trọng gõ từng nhát một. Những miếng dăm gỗ nhỏ xíu rơi lả tả xuống đất. Chỉ một lát sau, hình thù cậu bé và con trâu đã hiện ra nhưng còn xù xì đơn giản. Chú Út lấy một con dao nhỏ thật sắc, gọt tỉa từng đường cong mềm mại. Mỗi động tác của chú đều toát lên sự cần mẫn, tài hoa lạ lùng.

Đến chiều, bức tượng nhỏ đã hoàn thành. Chú lấy giấy nhám đánh cho nhẵn rồi thoa vecni màu nâu bóng. Từng đường vân gỗ hiện lên thật đẹp mắt. Chú Út nâng bức tượng ngang tầm mắt, ngắm nghía kỹ lưỡng và đôi môi chú nở nụ cười mãn nguyện. Chú bảo em muốn thành công trong mọi việc, phải có sự say mê và tính cần cù, chịu khó.

Nhìn bức tượng cậu bé đội chiếc nón lá đang thổi sáo, ngồi vắt vẻo trên lưng con trâu mộng có cặp sừng cong vút, đầu cúi xuống như đang thong dong gặm cỏ, em càng mến phục tài nghệ của chú em và những người thợ có bàn tay vàng như chú đang góp phần làm đẹp cho đời.

Trang trước
Trang sau

Trích nguồn: Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường miền Trung
Danh mục: Văn mẫu lớp 5

Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường miền Trung

Cách đây 40 năm về trước, mặc dù miền Bắc XHCN khi đó đang nặng hai vai gánh cả non sông vượt dặm dài, vừa là hậu phương lớn chi viện tích cực cho các chiến trường với tinh thần thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người, vừa là tiền tuyến đánh trả cuộc chiến tranh bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ nhưng sự nghiệp giáo dục và đào tạo vẫn không ngừng phát triển nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu trước mắt và sự nghiệp tái thiết đất nước lâu dài sau chiến tranh. Trong bối cảnh đó và trước yêu cầu của công tác điều tra cơ bản phục vụ quy hoạch các vùng kinh tế mới,vùng chuyên canh, xây dựng các nông trường, Bộ Nông trường ( nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ) đã có Quyết định số 115 QĐ/TC ngày 05 th áng 9 năm 1968 về việc mở Lớp công nhân đo dạc - tiền thân của Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường miền Trung ngày nay.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button