Đề bài: Đoạn văn nêu cảm nhận của em về tình cảm cha con ông Sáu trong Chiếc lược ngà
Bạn đang xem bài: Đoạn văn nêu cảm nhận của em về tình cảm cha con ông Sáu trong Chiếc lược ngà
Đoạn văn nêu cảm nhận của em về tình cảm cha con ông Sáu trong Chiếc lược ngà
I. Dàn ýĐoạn văn nêu cảm nhận của em về tình cảm cha con ông Sáu trong Chiếc lược ngà (Chuẩn)
1. Mở đoạn:
– Giới thiệu về tác giả, tác phẩm và tình cảm cha con ông Sáu trong “Chiếc lược ngà”.
2. Thân đoạn:
a. Trình bày khái quát về tác giả, tác phẩm:
– Nguyễn Quang Sáng (1932) thường viết về cuộc sống và con người Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến cũng như sau hòa bình.
– Tác phẩm “Chiếc lược ngà” được viết năm 1966 khi tác giả hoạt động ở chiến trường Nam Bộ và được đưa vào tập truyện cùng tên.
– Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” đã thể hiện tình cảm sâu sắc giữa hai cha con ông Sáu.
b. Cảm nhận về tình cảm cha con ông Sáu trong “Chiếc lược ngà”:
– Tình cảm mãnh liệt của bé Thu với cha:
+ Lúc đầu chưa nhận ra cha, bé Thu có thái độ sợ sệt, xa lánh với ông Sáu. Khi được cha vỗ về bé Thu lại càng đẩy cha ra xa, khi được cha gắp cho miếng trứng cá thì lại hất tung khỏi bát, …
+ Khi được ngoại giảng giải, bé Thu mới vỡ lẽ ra người có vết thẹo trên mặt đó chính là ba của mình.
+ Thái độ của bé Thu với ông Sáu thay đổi đột ngột, nó cất tiếng gọi “ba” và chạy lại ôm hôn ông Sáu thắm thiết sau bao ngày cha vắng nhà.
– Tình cảm sâu nặng, yêu thương nồng nhiệt của ông Sáu dành cho con:
+ Ông Sáu tham gia chiến tranh từ khi con gái ông chưa tròn một tuổi, nay đứa con gái ấy đã chừng tám tuổi mà ông mới được về thăm con nên ông vô cùng xúc động và vui mừng.
+ Khi bé Thu không nhận ra ông, ông đau đớn vô cùng, “hai tay buông xuống như bị gãy”, thế nhưng lúc nào ông cũng ở cạnh con, vỗ về con.
+ Khi bé Thu nhận ra ông cũng là lúc ông phải rời đi, ông xúc động muốn khóc nhưng vì thương nên ông đã không để cho con bé thấy ông khóc.
+ Khi trở lại chiến trường, Ông Sáu luôn ân hận, dằn vặt vì đã cáu với con đã cho thấy tình yêu thương con vô bờ bến của ông Sáu.
+ Bằng tất cả tình yêu thương, ông Sáu đã làm tặng con gái một chiếc lược ngà voi được coi như kỉ vật và phải nhờ người bạn trao tận tay cho con gái trước lúc hi sinh.
c. Đánh giá:
– Tình huống truyện bất ngờ, nổi bật ở nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật đặc biệt là ở bé Thu.
– Tác phẩm đã khái quát tình cảm cha con thiêng liêng, cao đẹp trong hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh.
3. Kết đoạn:
– Khái quát lại tình cảm cha con ông Sáu trong “Chiếc lược ngà”.
II. NhữngĐoạn văn nêu cảm nhận của em về tình cảm cha con ông Sáu trong Chiếc lược ngà hay nhất
1. Đoạn văn nêu cảm nhận của em về tình cảm cha con ông Sáu trong Chiếc lược ngà, mẫu 1 (Chuẩn)
Nguyễn Quang Sáng (1932) là chiến sĩ hoạt động ở chiến trường miền Nam, ông bắt đầu viết văn từ sau năm 1954. Ông thường viết về cuộc sống và con người Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến cũng như sau hòa bình. Tác phẩm “Chiếc lược ngà” là một trong những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết về tình cảm sâu sắc giữa hai cha con ông Sáu. Chính vì hoàn cảnh éo le, khắc nghiệt của chiến tranh đã chia lìa tình cảm cha con khiến cho bé Thu không thể nhận ra được cha. Thế nhưng khi được bà ngoại giảng giải thì bé Thu mới dần hiểu ra ông Sáu chính là ba mình. Cuộc gặp gỡ giữa hai cha con ông Sáu tuy ngắn ngủi chỉ trong ba ngày nhưng đã chứng minh được tình cảm mà bé Thu dành cho cha là vô cùng mãnh liệt. Lúc đầu chưa nhận ra cha, bé Thu có thái độ sợ sệt, xa lánh với ông Sáu. Khi được cha vỗ về bé Thu lại càng đẩy cha ra xa, khi được cha gắp cho miếng trứng cá thì lại hất tung khỏi bát, luôn nói trống không với ông Sáu và không muốn nhờ ông Sáu chắt nước cơm cho dù đó là công việc ngoài khả năng của cô bé. Phải chăng tình máu mủ chính là sợi dây gắn kết giúp cô bé thay đổi đột ngột khi nghe ngoại nói về ba, nó cất tiếng gọi “ba” và chạy lại ôm hôn ông Sáu thắm thiết sau bao ngày cha vắng nhà và không muốn ông cho ông Sáu đi nữa. Bé Thu yêu cha nhiều bao nhiêu thì tình cảm mà ông Sáu dành cho bé Thu cũng vậy. Ông Sáu tham gia chiến tranh từ khi con gái ông chưa tròn một tuổi, nay đứa con gái ấy đã chừng tám tuổi mà ông mới được về thăm con nên ông vô cùng xúc động và vui mừng. Thế nhưng sự cự tuyệt của bé Thu đã khiến cho ông vô cùng đau đớn. Cho đến lúc ông phải rời đi thì bé Thu mới nhận ra ông, được nghe tiếng con gọi ba chính là niềm hạnh phúc tột cùng của ông Sáu. Dù ở trên chiến trường nhưng lúc nào ông Sáu cũng nhớ về con, ông luôn tự dằn vặt mình vì đã đánh con. Như một lời xin lỗi, ông Sáu đã tạo ra chiếc lược ngà bằng tất cả tình yêu thương để gửi tặng con gái khi ông sắp hi sinh. Với tình huống truyện bất ngờ, nổi bật ở nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật đặc biệt là ở bé Thu, đoạn trích “Chiếc lược ngà” đã khái quát thành công tình cảm cha con thiêng liêng, cao đẹp trong hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh.
2. Đoạn văn nêu cảm nhận của em về tình cảm cha con ông Sáu trong Chiếc lược ngà, mẫu 2 (Chuẩn)
“Chiếc lược ngà” là câu chuyện đầy cảm động viết về tình cha con giữa bé Thu và ông Sáu được nhà văn Nguyễn Quang Sáng tái hiện lại trong thời kì chiến tranh. Ông Sáu tham gia kháng chiến khi bé Thu vẫn còn nhỏ và chưa từng gặp lại con cho đến khi ông trở về bé đã lên tám tuổi. Bởi vậy mà bé Thu cũng không thể nhận ra cha với vết thẹo dài trên mặt. Với tình yêu dành con khôn xiết, sau bao ngày không được gặp con nên ông chỉ muốn vỗ về con, bù đắp cho con nhưng lại nhận được sự cự tuyệt của bé Thu khiến cho ông cảm thấy vô cùng đau đớn. Bằng tình yêu thương của người cha dành cho cô con gái bé bỏng, dần dần con bé cũng nhận ra cha sau khi nghe lời kể của ngoại. Khi được nghe tiếng con gái gọi ba ông Sáu đã không thể kiểm nổi nước mắt nhưng vì thương con nên ông không để cho con bé nhìn thấy mình khóc. Ông hối hận vì đã đánh con khi nó tỏ ra ương bướng cho nên khi trở về chiến khu ông day dứt vô cùng. Bằng tất cả tình yêu dành cho con, ông đã tỉ mỉ làm chiếc lược ngà, khi nhớ con thì đem ra chải tóc nhưng chẳng mai ông chưa kịp trao lược cho con thì đã hi sinh nơi chiến trường. Trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, ông vẫn nhớ về bé Thu và dặn đồng đội phải trao tận tay bé Thu chiếc lược ngà như là một kỉ vật ông dành tặng cho con. Câu chuyện đã khép lại nhưng những dư âm về tình cảm cha con thiêng liêng, cao quý khiến cho nhiều bạn đọc không thể cầm nổi nỗi xúc động. Phải chăng đây cũng là lời lên án chiến tranh sâu sắc của nhà văn khi chiến tranh chính là ngọn của sự chia cắt tình cha con.
3. Đoạn văn nêu cảm nhận của em về tình cảm cha con ông Sáu trong Chiếc lược ngà, mẫu 3 (Chuẩn)
Ai đó đã từng nói rằng: “Trên trái đất này, không có món quà nào ngọt ngào bằng tình yêu thương của người cha cho con mình”. Quả đúng là như vậy, tình cảm cha con là thứ tình cảm gia đình vô cùng thiêng liêng và không gì có thể đổi lấy được. Thứ tình cảm thiêng liêng ấy đã được nhà văn Nguyễn Quang Sáng thể hiện trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà” qua hai nhân vật chính là bé Thu và ông Sáu. Ông Sáu sau bao năm kháng chiến nay mới có dịp về nhà thăm con nhưng thật buồn thay khi đứa con gái mà ông dành trọn tình yêu lại chẳng hề nhận ra ông mà còn trở nên xa lánh với ông. Từ sâu thẳm trong trái tim, ông luôn mong được con bé gọi ba dù chỉ một lần nhưng con bé lại toàn nói trống không khiến cho nỗi buồn của ông được dâng lên gấp bội. Ngày nghỉ phép ít ỏi cũng đã đến lúc phải ra đi, ông Sáu chỉ đành nhìn con từ xa với ánh mắt trìu mến tràn đầy yêu thương. Khi bé Thu đã gọi một tiếng ba và chạy lại ôm hôn ba khiến cho ông Sáu vô cùng cảm động và lưu luyến không muốn rời xa con nửa bước. Với bé Thu cũng vậy, tình cảm dồn nén sau bao nhiêu ngày khao khát được ở trong vòng tay của ba, được ba vỗ về nay như được vỡ òa. Thế nhưng thời gian về thăm con, thăm gia đình ngắn ngủi ấy cũng là lần cuối cùng ông Sáu được gặp con, được gặp vợ. Khi ông Sáu trở về chiến khu, ông Sáu đã làm tặng con gái một chiếc lược ngà chứa đựng đầy ắp tình yêu thương nhưng chưa kịp trao tận tay cho con thì ông đã hi sinh nơi chiến trường khắc nghiệt. Có thể nói, “Chiếc lược ngà” là một câu chuyện đầy cảm động về tình cha con. Câu chuyện đã đem đến cho bạn đọc chúng ta những thông điệp sâu sắc về tình cảm gia đình, về tình yêu quê hương đất nước. Tình cha con chính là thứ tình cảm bất diệt, là sức mạnh phi thường giúp chúng ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách.
————–HẾT—————-
Trên đây là những Đoạn văn nêu cảm nhận của em về tình cảm cha con ông Sáu trong Chiếc lược ngà. Ngoài ra, để giúp các em hiểu rõ hơn về các nhân vật trong câu chuyện Chiếc lược ngà thì mời các em cùng tham khảo thêm những bài viết sau: Viết đoạn văn cảm nhận về nhân vật bé Thu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà; Đóng vai bé Thu kể lại câu chuyện Chiếc lược ngà, Đoạn văn phân tích hình ảnh Chiếc lược ngà, Đoạn văn phân tích nhân vật ông Sáu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà.
Trích nguồn: Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường miền Trung
Danh mục: Giáo dục