Người ấy sống mãi trong lòng tôi: Người Bà (7 mẫu) – Ngữ văn lớp 8
Người ấy sống mãi trong lòng tôi: Người Bà
Đề bài:Người bà ấy sống mãi trong lòng tôi
Bạn đang xem bài: Người ấy sống mãi trong lòng tôi: Người Bà (7 mẫu) – Ngữ văn lớp 8
Người ấy sống mãi trong lòng tôi: Người Bà – mẫu 1
Một mái nhà hạnh phúc luôn là mong muốn của nhiều người, và thật sung sướng biết bao khi tôi đang lớn lên trong tình yêu thương của người thân. Tôi yêu ba, yêu mẹ, yêu anh, yêu em, nhưng yêu nhất là người bà đã khuất của tôi – người luôn yêu thương và quan tâm tôi từ ngày còn bé.
Bà tôi là người nhân hậu và hiền từ nhưng gần như suốt cuộc đời của bà chỉ là những sự khó khăn, vất vả lo toan cho gia đình. Tôi thương bà lắm! Tôi thương cái mái tóc dài điểm bạc của bà, thương cái dáng đi chầm chậm của bà. Ngoài sáu mươi tuổi mà tôi trông bà có vẻ già hơn so với người cùng tuổi .
Tôi có được nghe bố kể rất nhiều về bà – một con người chăm chỉ và chất phác. Bà đã tần tảo nuôi bốn người con khôn lớn trong khi ông tôi đi bộ đội. Đến khi bố tôi có con thì bà lại vất vả trông cháu nhưng bố tôi nói bà lại thấy đó chính là niềm vui của bà.
Khi chưa ngã bệnh, bà tôi còn buôn bán nhỏ ở chợ quê để mong sao kiếm được chút tiền giúp đỡ phần nào cho gia đình tôi khi khó khăn. Bà còn hay mua quà cho tôi, những món quà dù là nhỏ nhưng đầy ý nghĩa như cái đồng hồ báo thức để cho tôi đi học hay những gói kẹo, gói bánh… Từ việc ấy cũng đã đủ để tôi hiểu bà yêu thương tôi đến chừng nào!
Tôi còn biết có lúc đi ra chợ bà nhìn thấy một người ăn xin nghèo khổ thì không bao giờ bà quay lưng lơ đi mà bà săn sang rút ra một tờ tiền trong ví của mình, gấp gọn làm đôi rồi bỏ vào nón của người ăn xin đó. Tôi thật cảm phục trước tấm lòng yêu thương vô hạn và trái tim rộng mở của bà luôn rộng mở đối với bất kì ai!
Bà tôi còn là một người rất yêu thiên nhiên nữa. Trong mảnh vườn và khoảng hiên nhỏ trước nhà bà lúc nào cũng chật đầy những chậu hoa nhài toả hương thơm ngát, những cây ớt nhỏ chi chít những quả xanh, vàng, hay giàn thiên lí với những bông hoa như chiếc chuông nhỏ… Bởi vì bà tôi từng bảo: “Thiên nhiên giúp tâm hồn ta trong sáng hơn, giúp tinh thần ta thoải mái hơn.” Có lẽ đó cũng là điều khiến tôi yêu thiên nhiên như thế!!!
Lần nào về thăm bà tôi cũng ngả đầu vào vai bà và tâm sự mọi chuyện của mình. Có lúc tôi ôm bà khóc thút thít rồi bà cũng xoa đầu tôi an ủi. Những khi ấy tôi bỗng cảm thấy bà như đang truyền một hơi ấm tinh thần cho tôi, giúp tôi có thêm nghị lực để vượt qua chuyện buồn.
Nhưng rồi một tin sét đánh đã đến với gia đình chúng tôi. Trời ơi! Bà tôi bị bệnh rất nặng. Sao mà ông trời lại bất công với bà đến thế ạ!
Mỗi lần tôi thăm bà, tôi đều thấy bà cười nhưng trong lòng tôi luôn lo lắng rằng ẩn sau nụ cười đó là nỗi đau về thể xác đang dằn vặt bà tôi. Bà vẫn lạc quan và yêu đời quá! Bà chỉ đang cố gắng tỏ ra vui vẻ cho tôi đỡ buồn. Tôi biết cơn đau đó đã hành hạ bà tôi suốt hàng tháng trời. Bà ơi! Mỗi khi nhìn thấy bà lên cơn đau quằn quại cháu chỉ còn biết chạy lại mà xoa bóp cho bà và chỉ biết oà khóc lên mà thôi. Giá mà khi đó cháu có thể làm gì hơn những việc ấy để cho bà đỡ đau để cho bà đỡ khổ bà ạ!
Và đến ngày cách đây hơn bốn năm, bà tôi đã vĩnh viễn ra đi, đi về một nơi rất xa mà không bao giờ quay trở lại. Đây là lần đầu tiên cháu biết đến sự mất mát. Sự mất mát làm thành khoảng trống trong con tim cháu. Sự mất mát mới to lớn làm sao khi cháu phải cách xa một người mà cháu yêu thương nhất. Bà nội ơi! Sao bà lại bỏ cháu mà đi vậy bà?
Mỗi khi nhớ đến bà, tôi lại nhìn lên bức di ảnh của bà cổ họng mình nghèn nghẹn và nơi khóe mắt lại cay cay, đỏ lên bà ạ! Bà đã cho cháu bài học thật qúi giá: Ta hãy trân trọng từng phút giây dù là nhỏ nhất khi ở cạnh người mà minh yêu thương.
Bà bây giờ đã ở thế giới rất xa, đã không còn bên tôi như ngày trước nữa. Với tôi, bà như bà tiên trong truyện cổ tích. Bà đã đem đến cho tôi những điều kì diệu và những phút giây tuyệt vời trong suốt một thời tuổi thơ. Trong cuộc sống, có lẽ khi người mà ta yêu qúi nhất ra đi thì người ta rất dễ gục ngã! Nhưng tôi thì không! Tôi tin rằng bà ở trên thiên đàng đang nhìn theo tôi, dõi theo bước tôi trên cuộc đời. Tôi sẽ luôn học thật giỏi để bà được vui lòng nơi phương trời xa kia. Tôi muốn kêu lên thật to: “Bà ơi! Cháu nhớ bà!” để gió mang những tình cảm của tôi đến với bà- người tôi yêu nhất.
Người ấy sống mãi trong lòng tôi: Người Bà – mẫu 2
Nếu có ai hỏi rằng một trong những người tôi yêu thương nhất là ai thì tôi sẽ trả lời rằng đó là bà nội.
Bà tôi là người nhân hậu và hiền từ, gần như suốt cuộc đời bà chỉ là những khó khăn, bệnh tật. Tôi thương bà lắm! Tôi thương cái mái tóc xoăn điểm bạc của bà, thương cái dáng đi chầm chậm mà khập khễnh của bà. Bảy mươi tuổi mà tôi trông thấy bà đã già hơn so với những người cùng tuổi. Tôi có được nghe bố kể rất nhiều về bà-một con người chăm chỉ và chất phác. Bà đã tần tảo nuôi 6 người con kể từ khi ông tôi đi bộ đội. Từ xa xưa, bà tôi chế biến nước mắm, đi gánh hàng rong, nói chung là đủ nghề.
Bà còn hay mua quà cho chị em tôi, những món quà dù là nhỏ nhưng đầy ý nghĩa. Từ việc ấy cũng đã đủ để tôi thấy tình yêu thương của bà dành cho những đứa cháu. Tôi còn biết có lúc đi ra chợ bà nhìn thấy một người ăn xin nghèo khổ, bà không vô tình ngoảnh mặt ra đi, bà sẵn sàng rút tiền trong ví ra dù là những đồng tiền lẻ. Tôi cảm phục trước hành động đó của bà!
Trong khoảng hiên nhỏ trước nhà bà lúc nào cũng chật đầy những chậu hoa tươi, hay là những quả ớt đỏ xinh xắn. Bởi vì bà tôi thường bảo: “Thiên nhiên giúp tâm hồn ta trong sáng hơn, giúp tinh thần ta thoải mái hơn”. Lần nào về thăm bà tôi cũng ngả đầu vào vai bà tâm sự chuyện của mình.
Thời gian cứ thế trôi đi cho đến những ngày bà tôi già, yếu dần. Lúc ấy bà tôi ngày càng mang nhiều bệnh, con người già ấy bây giờ gầy guộc, tong teo. Thân hình của bà vẫn thay đổi, sức khỏe của bà vẫn thay đổi ấy thế nhưng tình yêu thương của bà dành cho tôi vẫn như ngày nào đó thôi-một tình yêu bao la, vô tận.
Bà là người thương cháu, quan tâm cháu. Tôi cũng thương bà. Tôi mong bà sống lâu trăm tuổi để nhìn tôi trưởng thành, nhìn tôi khôn lớn và có chứng kiến những ước mơ, hoài bão của tôi.
Người ấy sống mãi trong lòng tôi: Người Bà – mẫu 3
Vườn nhà nội có trồng một cây bồ kết. Nội kể, khi biết mình có con gái, ba của nội đã xin một cây bồ kết về trồng. Ông bảo để sau này nội lớn còn có cái mà gội đầu. Dù cho thời ấy đã có xà bông rồi, nhưng ông nói con gái mà gội đầu bằng bồ kết thì tóc sẽ đẹp và thơm lắm. Chẳng biết có đúng như vậy không nhưng nhìn những bức ảnh thời trẻ của nội, con chỉ còn biết xuýt xoa thi thấy mái tóc dài mượt mà. Nội là người con quý nhất!
Cây bồ kết có rất nhiều gai, những cái gai vừa nhọn vừa cứng mọc đầy quanh thân cây. Muốn hái được những chùm bồ kết, nội phải bắc một cái thang tre để trèo lên. Nhiều lúc do mãi hái, nội đã để gai đâm vào tay, vào chân đến chảy máu. Mỗi khi gội đầu bằng bồ kết, ai cũng khen tóc tôi thơm, mượt. Lúc đó, tôi chỉ muốn chạy về bên nội, ấp mái tóc dài ngát hương vào ngực nội mà nói lời cảm ơn.
Đến một ngày, nội không thể trèo lên thang để hái những chùm bồ kết được nữa. Đó cũng là lúc lưng nội đã còng, chân nội đã run. Thế nhưng, món quà nội gửi lên cho tôi vẫn là gói bồ kết quen thuộc. Sau này tôi được biết nội đã đợi những cơn gió vừa ngưng, những cơn mưa vừa tạnh để ra vườn nhặt từng trái bồ kết rơi. Những quả bồ kết của nội ít dần, ít dần cho đến một ngày tôi không còn nhận được món quà ấy nữa. Ngày ấy, nội đã đi xa lắm rồi.
Từ ngày nội đi xa, tôi cũng không được gội đầu bằng bồ kết nữa. Cứ mỗi lần cầm chai dầu gội đầu lên là tôi lại hình dung ra cái dáng đứng gầy gầy của nội, khi cong lưng phơi những quả bồ kết trong nắng. Biết là không thể níu lại được những gì đã mất, nhưng sao tôi vẫn ngửi thấy hương bồ kết thoang thoảng đâu đây.
Người ấy sống mãi trong lòng tôi: Người Bà – mẫu 4
Sài Gòn tháng sáu có những cơn mưa rả rích, chợt đến, chợt đi thật nhẹ nhàng nhưng luôn để lại trong lòng người những cảm xúc khó tả. Mưa luôn khiến tôi nhớ đến bà cố – một người hết mực yêu thương tôi. Và, trong một ngày mưa bà đã ra đi… Nhưng tất cả những gì về bà tôi luôn nhớ mãi…!
Dù bà đã đi thật xa nhưng tất cả những gì về bà vẫn luôn còn mãi trong tâm trí tôi. Từ khuôn mặt trái xoan phúc hậu đến mái tóc bạc trắng của bà tất cả đều toát lên vẻ hiền dịu đến lạ kì. Sau cặp kính trong veo luôn là đôi mắt hiền từ, chứa những tia nhìn yêu thương của bà dành cho mọi người dù rằng đôi mắt ấy ngày càng mờ đi vì bệnh của bà. Bà có một nụ cười mà không ai có được, một nụ cười đôn hậu lại vô cùng ấm áp, ẩn chứa biết bao tình yêu thương. Ngày còn nhỏ, không biết đã bao lần tôi thiếp đi trong giọng ru nhè nhẹ của bà. Giọng của bà rất nhỏ, hơi trầm, luôn rất từ tôn và khi nghe qua khiến người ta cảm thấy rung động và dễ chịu. Có lẽ tôi sẽ chẳng khi nào quên được cái dáng đi của bà! Cái dáng đi khom khom, từ từ, luôn phát ra tiếng động đều đều từ cây gậy bà hay chống. Không hiểu sao tôi thấy tiếng chống gậy của bà chạm xuống mặt đất nghe thật êm tai! Khắc sâu nhất vào tâm trí tôi là bóng lưng của bà. Cứ trưa nào tôi tới nhà thăm bà, hiện ra trước mắt tôi đầu tiên luôn là cái bóng lưng gầy gầy đang ngồi khom khom làm việc gì đó bên cửa sổ đầy nắng. Mãi mãi hình ảnh của bà sẽ khắc sâu trong tâm trí tôi!
Người ta nói người càng già thì càng khó tính nhưng bà cố của tôi lại hiền hậu và dễ chịu vô cùng! Mỗi khi tôi và các anh chị qua nhà thăm bà thì bà luôn tìm mọi thứ để chúng tôi chơi dù rằng lúc ấy chúng tôi chẳng còn chơi những trò đó nữa. Giờ đây bà đi rồi có còn ai tìm đồ chơi cho chúng tôi nữa đâu! Có lẽ vì là đứa cháu nhỏ nhất nên bà luôn dành cho tôi những thứ tốt đẹp nhiều hơn các anh chị. Từ hộp sữa bà được biếu cho đến ly nước ấm bà tự pha, tất cả bà đều dành phần cho tôi. Bà luôn hỏi thăm sức khoẻ của tôi và chưa bao giờ bà hỏi về tình hình học tập cả! Không phải vì bà không quan tâm đến việc học của tôi mà bà nói rằng bà tin tưởng tôi sẽ làm tốt. Cũng chính nhờ lòng tin ấy mà tôi đã phấn đấu hết mình để không làm bà mất niềm tin vào tôi. Không chỉ đối với tôi và các anh chị mà bà đều yêu thương, quan tâm đến tất cả mọi người trong gia đình. Dù bà là người hay bệnh nhất nhưng bà luôn nhắc nhở căn bệnh đau đầu của bác tôi và cả bệnh cao huyết áp của ông nội tôi nữa! Không chỉ với người trong gia đình mà với tất cả mọi người bà đều đối xử tốt. Dù chân hay đau nhưng bà luôn sẵn sàng chống gậy đến nhà hàng xóm khi hàng xóm có chuyện vui hay buồn để chia sẽ và giúp đỡ. Chính vì thế mà ai cũng quý bà cả! Bà cố tôi thật sự là một bà tiên phúc hậu nhất! Dù không thường xuyên qua nhà chơi với bà nhưng tôi luôn hiểu rõ thói quen và sở thích của bà. Bà luôn biết tiết kiệm điện và luôn nhắc nhở mọi người trong nhà phải tắt đèn quạt khi không dùng. Bà luôn dậy từ rất sớm và có thói quen nấu nước chè vào buổi sáng. Chiều chiều, niềm vui của bà là ngồi nhâm nhi vài miếng trầu, nói chuyện với ông bà nội tôi và ngắm nhìn tôi và các anh chị chơi đùa. Sở thích của bà đơn giản vô cùng! Bà chỉ thích ngồi rãi ít thóc ra sân rồi ngắm nhìn những con chim bay đến mổ từng hạt. Bà nói với tôi đó là lúc bà cảm thấy bình yên nhất. Không biết nơi chân trời xa ấy bà có còn ngồi ngắm những chú chim nữa hay không!
Kỉ niệm của tôi với bà cố có lẽ là rất ít nhưng có một kỉ niệm mà tôi không biết gọi đó là kỉ niệm buồn hay vui nữa! Đó là vào một ngày mưa tôi ngồi nói chuyện với bà. Lúc đó tôi còn chưa biết viết chữ. Bà hỏi tôi: “Con có biết viết chữ CON YÊU BÀ không?” Tôi đã lắc đầu và nói rằng: “Con không biết nhưng sau này con sẽ viết cho bà xem” Thế rồi lời nói ấy cứ theo cơn mưa mà trôi đi. Cho đến ngày bà ra đi, tôi vẫn chưa viết chữ “CON YÊU BÀ” cho bà xem. Tôi nhận ra yêu thương bây giờ đã trở nên quá muộn vì tôi biết viết rồi mà bà có còn xem được nữa đâu!
Dù bà đã đi xa nhưng tất cả, tất cả về bà sẽ còn mãi trong lòng tôi. Nếu có một điều ước, tôi ước mình quay lại được thời gian, để viết cho bà lời yêu thương đó và để lời yêu thương của tôi không trở nên quá muộn! Bà ơi!!!
Người ấy sống mãi trong lòng tôi: Người Bà – mẫu 5
Tuổi thơ mỗi người gắn liền với những ngày tháng thật êm đềm. Tuổi thơ tôi cũng vậy, nhưng sao mà mỗi lần nhắc đến, lòng tôi lại rung động và xót xa vô cùng. Phải chăng… điều đó đã vô tình khơi dậy trong tôi những cảm xúc yêu thương mãnh liệt, da diết về người. Đó không ai khác ngoài nội.
Nội sinh ra và lớn lên khi đất nước còn trong chiến tranh lửa đạn. Do đó như bao người cùng cảnh ngộ, nội hoàn toàn “mù chữ”. Đã bao lần, nội nhìn từng dòng chữ, từng con số với một sự thơ dại, nội coi đó như một phép màu của sự sống và khát khao được cầm bút viết chúng, được đọc, được đánh vần. Thế rồi điều bà thốt ra lại đi ngược lại những gì tôi kể: “Bà già cả rồi, giờ chẳng làm chẳng học được gì nữa đâu, chỉ mong sao cháu bà được học hành đến nơi đến chốn. Giá như bà có thêm sức khoẻ để được chứng kiến cảnh cô cháu bé bỏng hôm nào được đi học nhỉ?…” Một ước muốn cỏn con như thế, vậy mà bà cũng không có được!
Lên năm tuổi, bà tôi qua đời. Đó quả là một mất mát lớn lao, không gì bù đắp nổi. Bà đi để lại trong tôi bao xúc cảm không nói được thành lời. Để rồi hôm nay, những xúc cảm đó như những ngọn sóng đang trào dâng mạnh mẽ trong lòng.
Nội là người đàn bà phúc hậu. Nội trở nên thật đặc biệt trong tôi với vai trò là người kể chuyện cổ tích đêm đêm. Tôi nhớ bà kể rất nhiều chuyện cổ tích. Hình như bà có cả một kho tàng truyện cổ tích, bà lấy đâu ra nhiều chuyện thú vị và kì diệu đến thế nhỉ??? Cũng giống như chú bé A-li-ô-sa, tuổi thơ của tôi đã được sưởi ấm bằng thứ câu chuyện cổ tích ấy. Tôi lớn lên nhờ chuyện cổ tích, nhờ cả bà. Bà là người đàn bà tài giỏi, đảm đang. Bà thông thạo mọi chuyện trong nhà ngoài xóm. Bà thành thạo trong mọi việc: việc nội trợ,… đến việc coi sóc tôi. Bà làm tất cả chỉ với đôi bàn tay chai sạn. Hình ảnh của bà đôi khi cứ hiện về trong kí ức tôi, trong những giấc mơ như là một bà tiên.
Nhớ rất rõ những hôm có chợ đêm, hai bà cháu đi bộ ra đó chơi. Khung cảnh hiện lên rực rỡ màu sắc ánh đèn, chợ thật đông vui với đầy đủ các thứ hàng hoá và thêm cả trò chơi đu quay “sở trường”. ” Pằng! Pằng! Pằng!” Bà vẫy tay đưa mắt dõi theo. “Bay lên nào! Hạ xuống thôi! Bùm bùm chéo!…” Tôi thích thú vô cùng. Đêm về ngã vào vòng tay bà nghe bà ru và kể chuyện cổ tích. Giọng kể êm ái và đầy ngọt ngào đưa tôi chìm sâu vào giấc ngủ.
Mới đó mà đã hơn chục năm trôi. Chục năm đã đi qua nhưng “Bà ơi, bà à! Những kỉ niệm về bà trong kí ức cháu vẫn còn nguyên vẹn. Dù cho bà không còn hiện diện trên cõi đời này nữa nhưng trái tim cháu, bà còn sống mãi”. Người bà trong linh hồn của một đứa trẻ như tôi cũng cũng giống như thần tiên trong chuyện cổ tích. Mãi mãi còn đó không phai mờ. “Bà ơi, cháu sẽ ngoan ngoãn và cố gắng học hành chăm chỉ như lời bà đã từng dạy bảo, bà nhé.”
Người ấy sống mãi trong lòng tôi: Người Bà – mẫu 6
Nhà bà ngoại em ở làng hoa Ngọc Hà thuộc Thành phố Hà Nội. Hè nào, mẹ em cũng đưa ba con từ Ninh Bình lên thăm bà và ở chơi với bà một hai tuần lễ.
Bà ngoại năm nay tròn 70 tuổi. Bà là con gái làng hoa nên có nước da rất đẹp: trắng trẻo, hồng hào. Gương mặt hiền từ, phúc hậu. Tiếng nói của bà nhẹ nhàng, tình cảm. Mái tóc của bà nay đã đốm bạc, nhưng vẫn mượt mà, bà búi gọn trông rất ưa nhìn. Bà nói thời con gái tóc bà xanh mượt, dài chấm gót. Mắt bà vẫn tinh anh, chỉ khi nào đọc báo thì bà mới đeo kính lão.
Bà có đôi bàn tay khéo léo. Hái hoa, tỉa cành, bắt sâu cho hoa, đô bàn tay bà làm nhanh thoăn thoắt. Bà bảo: “Chăm hoa như chăm con trẻ, phải nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa chứ…”. Sau ngày miền Nam ‘hoàn toàn giải phóng, bà đã mấy lần đi Đà Lạt tìm mua giống hoa quý. Vườn hoa của bà có rất nhiều loài hoa, đẹp nhất, thích nhất là những luống hoa hồng, hoa cúc, đúng là muôn hồng nghìn tía. Bà thuộc “tính nết” từng loài hoa. Nghệ thuật “hãm” hoa nở đúng kì, đúng dịp lễ tết, cả làng hoa Ngọc Hà ai cũng phục và nể.
Tính bà cần cù, thức khuya dậy sớm đã thành thói quen. Con trai, con gái, dâu, rể trong gia đình, ai cũng kính yêu, quý trọng bà. Bà có 12 đứa cháu nội, ngoại. Đứa nào bà cũng cho 20 triệu đồng để mua xe máy đi làm, hoặc làm quỹ học tập. Mẹ em là con út, lấy chồng xa, nên bà rất thương. Đôi hoa tai và dây chuyền vàng của bà, bà đã cho mẹ em. Mẹ em vẫn cất giữ nâng niu.
Hè nào lên Hà Nội thăm bà, bà cũng hỏi về chuyện học hành. Cả ba chị em đều đạt học sinh giỏi. Bà khen, bà cười, nước mắt bà chảy ra.
Thương bà và nhớ bà lắm. Chỉ mong được nghỉ hè lên Hà Nội ở chơi với bà, và nghe bà đọc bài ca dao:
“Giếng Ngọc Hà vừa trong vừa mát
Vườn Ngọc Hà thơm ngát gần xa
Hỏi người xách nước tưới hoa
Có cho ai được vào ra chốn này?”
Khi ấy, thấy bà vui và như trẻ lại. Em chỉ cầu mong bà ngoại em được vui khoẻ và sống lâu cùng con cháu.
Người ấy sống mãi trong lòng tôi: Người Bà – mẫu 7
Mỗi con người khi chào đời, không phải ai cũng được sống trong tình thương vô vàn của gia đình. Tôi là một đứa trẻ bất hạnh không may rơi vào tình cảnh ấy, bố mẹ tôi mất sớm, tuổi thơ của tôi lớn lên trong tình yêu thương của bà nội. Đối với tôi bà vừa là cha, vừa là mẹ, vừa là người bạn lớn sẻ chia với tôi mọi buồn vui trong cuộc sống. Trong lòng tôi, bà luôn sống mãi.
Bố mẹ tôi mất trong một vụ tai nạn mà khi ấy tôi mới chỉ tròn 1 tuổi. Từ ngày ấy, bà nội đã trở thành cha, mẹ thứ hai của tôi. Bà rất thương tôi vì tôi mồ côi cha mẹ nên luôn cố gắng chăm chút để tôi luôn cảm thấy đầy đủ nhất về vật chất và tinh thần.
Bà nội tôi là một người nông dân – một người quanh năm gắn bó với đồng ruộng, bà rất cần cù chịu khó. Nếu như còn sống, năm nay bà đã 62 tuổi rồi. Ở nhà, ngoài việc đồng áng, bà có mở một quán nước nhỏ để kiếm thêm chút tiền trang trải cuộc sống vì gia đình cũng chẳng khá giả gì. Tôi rất thích mỗi buổi chiều được cùng bà bán nước, tôi thích cảm giác ngồi sau lưng bà, chải chuốt mái tóc dài đã ngả màu bạc lúc nào cũng thoang thoảng mùi bồ kết dịu nhẹ của bà. Mỗi lần có khách đến mua hàng, bà đều cười một nụ cười ấm áp và hồn hậu, đôi mắt ánh lên niềm vui. Dẫu vậy, dấu vết tuổi tác không giấu nổi, tôi thấy được những vết chân chim, đồi mồi của bà. Nhiều lúc bà mệt mỏi, tôi hay nắm lấy đôi bàn tay gầy gò của bà xoa nắn, đôi bàn tay ấy đã vì tôi mà chịu bao vất vả. Bà tôi là một người phụ nữ vô cùng giản dị, chỉ có vỏn vẹn vài bộ quần áo đơn giản. Bà luôn hướng tôi đến lối sống giản dị, không cầu kỳ và phải luôn biết tiết kiệm. Bà tôi bản chất là một người rất hiền hậu, luôn sống niềm nở chan hòa với mọi người xung quanh. Vì vậy mà ai cũng yêu quý bà. Với bản thân tôi mà nói, bà là một món quà vô giá mà thượng đế ban tặng cho tôi. Tôi vô cùng yêu bà và cảm thấy trân trọng khi có bà bên cạnh.
Tôi còn nhớ như in ngày hôm ấy, buổi sáng trời nắng đẹp, tôi đi học như mọi ngày, từ trong nhà bà nói: “Cháu hãy mang ô đi đi kẻo trưa về trời mưa, hôm qua bà nghe dự báo thời tiết hôm nay sẽ có mưa rào đấy”. Tôi nhìn thấy trời nắng đẹp rồi nghĩ rằng như vậy thì sẽ chẳng mưa đâu, nên đã tặc lưỡi nói với bà: “Trời nắng đẹp thế này, không mưa đâu bà ạ!”. Tôi chào bà rồi vui vẻ đi học. Khi gần tới giờ về, trời bắt đầu đổ mưa, tôi lúng túng không biết làm thế nào thì vừa bước ra cửa lớp đã thấy bà đứng đó cầm sẵn chiếc ô chờ tôi về. Trên đường về trời mưa rất to, do bà che cho tôi phần lớn nên người bà bị ướt. Về đến nhà, nhìn thấy bà bị ướt, tôi vô cùng áy náy. Đêm hôm ấy, bà bị cảm, tôi vô cùng lo lắng, may sao bà chị bị cảm nhẹ, sáng hôm sau thì đã đỡ hơn. Tôi ân hận vô cùng vì đã không nghe lời bà, tôi xin lỗi bà và hứa rằng sẽ nghe lời bà. Bà không trách mà chỉ nở một nụ cười hiền hậu khiến tôi cảm thấy càng thêm ân hận. Tôi đã tự hứa mình sẽ không bao giờ cãi lời bà bà vì bà là tất cả những gì mà tôi có.
Tuy bây giờ bà tôi không còn nữa, nhưng lúc nào tôi cũng dành một phần lớn tình yêu cho bà. Bà là người truyền cho tôi sức mạnh, giúp tôi có thêm nghị lực sống. Bà chính là một người bạn lớn sẽ chia mọi vui buồn. Tôi rất yêu thương bà, dù bà đã ra đi nhưng trong lòng tôi bà vẫn luôn sống mãi.
Trích nguồn: Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường miền Trung
Danh mục: Văn mẫu lớp 8