Đề bài: Phân tích thứ vàng mười trong Người lái đò sông Đà
Bạn đang xem bài: Phân tích thứ vàng mười trong Người lái đò sông Đà
Phân tích thứ vàng mười trong Người lái đò sông Đà
I. Dàn ýPhân tích thứ vàng mười trong Người lái đò sông Đà (Chuẩn)
1. Mở bài:
– Giới thiệu về Nguyễn Tuân và tùy bút Người lái đò sông Đà
– Dẫn dắt đến vấn đề cần phân tích: Chất “vàng mười” trong Người lái đò sông Đà.
2. Thân bài:
a. Giải thích:
– “Thứ vàng mười”: là vẻ đẹp thiên nhiên của thiên nhiên Tây Bắc cũng chính là vẻ đẹp của tâm hồn những con người lao động và chiến đấu ở nơi đây.
– Gắn với quan niệm nghệ thuật và phong cách sáng tác của Nguyễn Tuân.
b. Phân tích: “Thứ vàng mười” trong Người lái đò sông Đà.
* “Thứ vàng mười” ở thiên nhiên Tây Bắc qua hình tượng con sông Đà:
– Con sông Đà đẹp hùng vĩ mà hung bạo:
+ Nơi bờ sông dựng vách thành:
+ Trong quá trình lưu chuyển, sông Đà đã tách đôi dãy núi để mở đường tiến.
+ Bờ sông dựng vách thành như một cái “yết hầu”, “chỉ lúc đúng ngọ” mới có thể thấy “mặt trời”.
+ Hút xoáy ở Tà Mường Vát “như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu”, có thể “lôi tuột” bất cứ thứ gì vô ý đi qua nó như những bè gỗ rừng “nghênh ngang đi qua” hay con thuyền nhỏ bé.
+ Tiếng thác đá như tiếng rống của “một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu tre nứa nổ lửa” trong tuyệt vọng.
– Con sông Đà đẹp thơ mộng, trữ tình:
+ Từ trên cao nhìn xuống, sông Đà như một sợi “dây thừng ngoằn nghèo” cũng giống như “áng tóc trữ tình” của người thiếu nữ: vẻ đẹp rất dịu dàng.
+ Màu nước sông Đà thay đổi theo mùa: Mùa thu, nước sông “lừ lừ chín đỏ”, mùa xuân “xanh dòng xanh ngọc biếc”.
* “Thứ vàng mười” ở con người lao động qua hình tượng người lái đò:
– Người lái đò vô danh trên sông Đà đẹp như một người anh hùng, một người nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật vượt thác: đây chính là “thứ vàng mười đã qua thử lửa” mà Nguyễn Tuân tìm kiếm.
– Nguyễn Tuân đã đặt ông đò trong hoàn cảnh thử thách để làm nổi bật lên phẩm chất của ông: sự am hiểu thiên nhiên, lòng dũng cảm và đôi bàn tay khéo léo:
+ Ông am hiểu thiên nhiên nơi con sông Đà:
+ Biết chính xác những cửa sinh cửa tử trên sông, luôn tự tin, linh hoạt đối phó với nó.
+ Ông là một người dũng cảm, gan dạ: Trong lúc nguy hiểm, ông vẫn luôn giữ tinh thần bình tĩnh để vượt qua con thác.
+ Ông là một người có bàn tay tài hoa
c. Đánh giá chung về nội dung, nghệ thuật:
– Nội dung:
+ Người lái đò sông Đà đã thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên và con người lao động ở miền núi sông Tây Bắc → Đây là “thứ vàng mười” mà Nguyễn Tuân luôn khao khát kiếm tìm.
+ Người lái đò sông Đà còn thể hiện tình yêu thiên nhiên, đất nước, khát khao được hoà mình vào nhịp sống của đất nước, con người thời kỳ mới của nhà văn Nguyễn Tuân.
– Nghệ thuật:
+ Nghệ thuật tả cảnh với thứ ngôn từ giàu chất nhạc, giàu tính tạo hình, lãng mạn, bay bổng, giàu chất hội hoạ.
+ Hình tượng người lái đò được Nguyễn Tuân dựng lên bằng nghệ thuật đòn bẩy, thủ pháp tương phản và cường điệu.
3. Kết bài:
Khẳng định giá trị của tác phẩm.
II. Bài văn mẫuPhân tích thứ vàng mười trong Người lái đò sông Đà (Chuẩn)
Nguyễn Tuân là tác gia tiêu biểu trong nền văn học Việt Nam với phong cách viết rất độc đáo, uyên bác, tài hoa. “Người lái đò sông Đà” là tác phẩm tiêu biểu cho sự nghiệp sáng tác của ông, chứa đựng “thứ vàng mười” mà Nguyễn Tuân luôn khao khát kiếm tìm.
“Người lái đò sông Đà” là bài tùy bút được Nguyễn Tuân viết sau chuyến đi gian lao mà hào hứng tới miền Tây Bắc rộng lớn. Chuyến đi này không chỉ giúp ông thỏa mãn đam mê “xê dịch” mà còn giúp ông tìm thấy “thứ vàng mười” mà ông luôn khao khát tìm kiếm. “Thứ vàng mười” đó chính vì vẻ đẹp của thiên nhiên núi rừng Tây Bắc và cũng là vẻ đẹp của những con người lao động, chiến đấu trên vùng miền núi hùng vĩ mà vô cùng thơ mộng đó.
Đầu tiên ta thấy được “thứ vàng mười” mà Nguyễn Tuân tìm kiếm thể hiện rất rõ ràng ở vẻ đẹp của thiên nhiên Tây Bắc thông qua hình tượng con sông Đà. Con sông Đà hiện lên qua ngòi bút của nhà văn Nguyễn Tuân là một con sông vừa chứa đựng sự “hung bạo”, kì vĩ, là thứ “kẻ thù số một của con người” nhưng cũng chứa đựng sự trữ tình, nên thơ của một dòng sông “ánh sáng”. Sông Đà là dòng sông nằm ở miền núi Tây Bắc của Tổ quốc. Nếu như muôn vàn các dòng sông khác đều chảy về hướng Đông thì riêng Đà giang, nó lại chảy ngược lên phía Bắc. Chính vì thế, sông Đà có một sự đặc biệt, một phong cách riêng khiến Nguyễn Tuân cảm thấy dòng Đà giang ấy như một hình tượng nhân vật có hai nét tính cách riêng biệt. Sông Đà mang trong mình vẻ đẹp của sự hùng vĩ mà vô cùng hung bạo. Điều đó thể hiện ở chỗ “bờ sông dựng vách thành”, ở “mặt ghềnh Hát Loóng”, ở “quãng Tà Mường Vát” và cuối cùng là ở thác đá sông Đà. Sông Đà trong quá trình lưu chuyển dòng chảy của mình đã tách đôi dãy núi để mở đường tiến vào. Chính vì thế ở tại nơi đây, hai bờ sông sừng sững dựng lên vách thành đẹp hùng vĩ. Nguyễn Tuân đã so sánh cái vách đá “chẹt” sông Đà “như một cái yết hầu” mà “chỉ lúc đúng ngọ”, ta mới có thể thấy được “mặt trời”. Không chỉ vậy, để khắc sâu ấn tượng về độ hẹp của mặt sông, Nguyễn Tuân còn dùng những hình ảnh rất gần gũi mà chân thực để miêu tả, như ” Đứng bên này bở nhẹ tay ném hồn đá qua bên kia vách. Có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia”.
Vẻ đẹp hùng vĩ mà hung bạo của Đà giang còn được thể hiện ở nơi mặt ghềnh Hát Loóng. Ghềnh là nơi mà đáy sông đột ngột nhô cao lên hơn so với mặt sông và ở nơi mặt ghềnh Hát Loóng này “dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm”. Câu văn của Nguyễn Tuân thật giàu giá trị tạo hình, cho chúng ta thấy được hình ảnh của một dòng Đà giang đẹp hùng vĩ mà hoang dại, dữ dội. Nhà văn liệt kê một loạt “đá, sóng, gió” liên tiếp đã vẽ lên hình ảnh của. Cái hút xoáy ở quãng Tà Mường Vát sự hung bạo đến khủng khiếp, nó giống “như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu” vừa to lại vừa sâu thăm thẳm. Thậm chí, cái hút xoáy ấy còn biết “thở và kêu như cửa cống cái bị sặc” hay “ặc ặc lên như rót dầu sôi vào”. Không chỉ vậy, sự hung bạo của cái hút xoáy nước này còn thể hiện ở chỗ nó sẵn sàng “lôi tuột” xuống đáy sông “những bè gỗ rừng đi nghênh ngang vô ý đi qua. Thác đá của Đà giang có tổng cộng 73 cái thác dữ. Tiếng nước va đập vào đá giống như tiếng người “oán trách gì rồi lại van xin, rồi lại khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo”. Gần thêm chút nữa, tiếng thác lại hoá tiếng “rống”, “tiếng của một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu tre nứa nổ lửa”. Đá thác sông Đà thì như đang “dàn bày thạch trận trên sông” để đối phó với con người. Mỗi hòn đá trở thành một lính đá, một viên tướng đá đang xây lên những trận địa nguy hiểm với la liệt những cửa sinh tử để thách thức con người. Ở đây, Nguyễn Tuân đã sử dụng nghệ thuật nhân hoá để biến những hòn đá vô tri trở thành những sinh thể sống với tính cách hung bạo. Từ đó phô bày tất cả sự dữ dội, hung bạo, nguy hiểm của dòng Đà giang.
Thế nhưng dòng sông Đà không chỉ mang vẻ đẹp kì vĩ, hung bạo mà còn mang cả nét đẹp trữ tình, nên thơ, gợi cảm. Nó được thể hiện ở nhiều góc độ nhìn của tác giả như từ trên máy bay nhìn xuống hay từ góc nhìn tâm trạng. Dòng Đà giang từ trên cao nhìn xuống như một cái “dây thừng ngoằn ngoèo” hay như một “áng tóc trữ tình” của người thiếu nữ. “Áng tóc trữ tình” ấy “tuôn dài”, chảy miên man trong vẻ đẹp “ẩn hiện của mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”. Điệp từ “tuôn dài” cùng một câu văn dài đã gợi lên một dòng sông Đà chảy dài vô tận như “áng tóc mun dài ngàn ngàn vạn vạn sải” đang buông lơi trên mái đầu Tổ quốc. Vẻ đẹp của sông Đà còn thể hiện trong sắc nước thay đổi theo mùa của nó. Mùa thu, nước sông Đà “lừ lừ chín đỏ, mang nặng dòng phù sa như “da mặt người bầm đi vì rượu”. Nhưng khi mùa xuân về, nước sông Đà lại thay đổi sắc thái, lại đẹp trưc tình với màu “xanh dòng xanh ngọc biếc”. Dòng nước lấp lánh vẻ đẹp lộng lẫy của sắc ngọc xanh. Nguyễn Tuân còn rất cụ thể, rất tỉ mỉ khi so sánh màu nước xanh của sông Đà với “màu xanh canh hến của Sông Gâm Sông Lô” để làm nổi bật lên vẻ đẹp tinh khiết của dòng nước Đà giang. Dưới góc nhìn tâm trạng của một người khách “đi rừng dài ngày” mà khi “chợt thấy thèm chỗ thoáng” thì đột ngột gặp sông Đà, Nguyễn Tuân còn thấy sông Đà đẹp như một tấm gương trong “loang loáng” lên, chan hoà ánh nắng, một màu “nắng tháng ba” trong thơ Đường của Lí Bạch với đầy những “chuồn chuồn bươm bướm trên sông Đà”. Sông Đà hiện lên với vẻ đẹp thần tiên, tuyệt sắc đến vô cùng. Thế nhưng sông Đà đẹp nhất, gợi cảm và nên thơ nhất là khi để thuyền “trôi trên sông Đà” mà thả mình ngắm cảnh sắc bên sông. Những cảnh sắc “ven sông ở đây lặng tờ”, một vẻ đẹp tĩnh lặng tuyệt đối bởi sông Đà trôi đi trong cái tĩnh mịch của khu rừng nguyên sinh nó chảy qua. Người đọc như lạc vào miền cổ tích với sự hoang sơ, hoang dại của thiên nhiên, cây cỏ đôi bờ sông Đà. Khung cảnh đẹp, tĩnh mịch và thơ mộng đúng như lời bình luận của Nguyễn Tuân “bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử”, “một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”.
Vẻ đẹp vừa hung bạo vừa dịu dàng nên thơ của sông Đà chính là một trong những “thứ vàng mười” mà Nguyễn Tuân đã say mê kiếm tìm bấy lâu. Và “thứ vàng mười” ấy còn thể hiện ở trong vẻ đẹp của con người lao động xứ sở Tây Bắc này thông qua hình tượng người lái đò sông Đà. Trong những trang tuỳ bút của Nguyễn Tuân, người lái đò vô danh trên sông Đà đẹp như một người anh hùng, một người nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật vượt thác. Vẻ đẹp đó chính là “thứ vàng mười đã qua thử lửa” ở tâm hồn của những con người lao động và chiến đấu trên miền núi sông hùng vĩ, nên thơ này. Nguyễn Tuân đã đặt ông đò trong một môi trường thử thách – vượt qua thác đá hung bạo nhất của sông Đà để làm nổi bật lên những phẩm chất anh hùng ca của ông. Ông đò đã vượt qua thác đá dữ dội ấy không chỉ bởi lòng dũng cảm, sự am hiểu tường tận về thác đá mà còn cả do đôi bàn tay tài hoa khéo léo của mình.
Ông đò là một người am hiểu thiên nhiên, am hiểu tường tận cái đối tượng mà mình chiến đấu. Nếu như dòng sông là một “trùng vi thạch trận” thì ông đò nắm được “binh pháp của thần sông thần đá” cũng như “thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước”. Thậm chí ông đò còn nhớ được chính xác những cửa sinh cửa tử ở nơi thác nước này. Có thể nhận thấy, ông lái đò có một trí nhớ siêu phàm được tôi rèn từ những ngày tháng chiến đấu sinh tử với con sông hung bạo. Khi thì ông “đổi thay chiến thuật”, khi thì “tránh mà rảo bơi chèo lên” hay lúc lại “đè sấn lên mà chặt đôi ra mà mở đường tiền”. Điều thứ hai ta thấy được trong phẩm chất của ông đò là một con người có lòng dũng cảm, kiên cường, bất khuất. Điều đó thể hiện ở trong một tình huống vô cùng nguy hiểm khi “sóng thác đã đánh đến đòn hiểm độc nhất, luồng nước dữ “bóp chặt lấy hạ bộ người lái đò”. Những miếng đánh “hiểm độc” ấy đã khiến người lái đò đau đớn, mắt nổ đom đóm “mặt méo bệch đi”, thế nhưng, ông đò vẫn không lơi lỏng tinh thần mà “cố nén vết thương”, “kẹp chặt lấy cuống lái” để đưa con thuyền vào đúng cửa sinh. Trong tình huống nguy hiểm nhất, ông đò mới bộc lộ tất cả những vẻ đẹp của lòng dũng cảm của mình,, đó là sự bình tĩnh, tỉnh táo và gan góc. Ông lái đò còn có bàn tay khéo léo, tài hoa, bàn tay “ra hoa” nơi phô diễn cái đẹp nghệ thuật vượt thác sông Đà. Trước dòng nước mang sức mạnh của loài thú dữ thời viễn cổ đang cuồng nộ, ông lái đò không một chút sợ hãi mà bình tĩnh, khéo léo “ghì cương lái, lái miết một đường chèo về phía cửa đá ấy”, vượt qua tất cả những “thạch trận” trên sông Đà để đến đích an toàn. Chỉ có những bàn tay tài hoa, khéo léo đến vô cùng mới có thể làm được điều kì diệu ấy!
Vẻ đẹp của người lái đò còn thể hiện ở lối sống bình dị. Là những người anh hùng, những nghệ sĩ tài hoa, thế nhưng người lái đò ấy cũng chỉ là một con người đời thường bình dị. Sau cuộc chiến vượt thác, họ trở về với cuộc sống giản dị “đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam”, nói chuyện phiếm về “cá anh vũ, cá xanh”, về những cái hang cái hầm. Trong những câu chuyện của họ chứa chan bao nhiêu khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, những khát vọng đời thường vô cùng. Chiến thắng vừa rồi của họ nơi ải nước chỉ là một công chuyện bình thường trong “cuộc sống của họ”. Chính những suy nghĩ bình dị ấy đã tôn lên vẻ đẹp của người lao động đã cống hiến lặng lẽ cho đất nước suốt bao năm tháng qua.
Qua những trang văn tuỳ bút của Nguyễn Tuân, ta thấy được tài hoa của ông trong nghệ thuật tả cảnh với thứ ngôn từ giàu chất nhạc, giàu tính tạo hình, lãng mạn, bay bổng, giàu chất hội hoạ. Cùng với các phép nhân hoá, cường điệu, so sánh, … đã cho chúng ta thấy được một sông Đà với vẻ đẹp hung bạo nhưng cũng nên thơ đến nhường nào, trước khi nó trở thành “dòng sông ánh sáng”. Hình tượng người lái đò được Nguyễn Tuân dựng lên bằng nghệ thuật đòn bẩy, thủ pháp tương phản và cường điệu. Qua đó, ta có thể thấy được tầm vóc lớn lao của người lái đò trước thiên nhiên rộng lớn.
Nguyễn Tuân đã dựng lên bức tranh về thiên nhiên và con người ở nơi miền Tây Bắc xa xôi của Tổ quốc để chứng minh cho “thứ vàng mười” mà ông kiếm tìm. “Thứ vàng mười” ấy hiện lên trong vẻ đẹp dữ dội, hùng vi mà thơ mộng của con sông Đà, hiện lên ở trong tâm hồn của những người lái đò bình dị nhưng luôn thầm lặng cống hiến cho Tổ quốc.
—————-HẾT——————-
Người lái đò sông Đà là áng văn trữ tình được làm nên từ tình yêu đất nước thông qua việc ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên và con người nơi miền Tây Bắc. Các em có thể tham khảo thêm: Cảm nhận về hình tượng người lái đò sông Đà trong cảnh vượt thác, Phân tích cảnh vượt thác trong Người lái đò sông Đà, Cảm nhận tính cách hung bạo sông Đà trong Người lái đò Sông Đà, Cảm nhận vẻ đẹp trữ tình của sông Đà trong Người lái đò sông Đà để hiểu rõ hơn về vẻ đẹp những con người lao động bình dị ở miền đất này thông qua ngòi bút tài hoa, uyên bác của nhà văn Nguyễn Tuân.
Trích nguồn: Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường miền Trung
Danh mục: Giáo dục