Giải thích Ý nghĩa bài ca dao Cày đồng đang buổi ban trưa hay nhất (dàn ý – 4 mẫu) – Ngữ văn lớp 8
Giải thích Ý nghĩa bài ca dao Cày đồng đang buổi ban trưa
Đề bài: Giải thích ý nghĩa bài ca dao:
Bạn đang xem bài: Giải thích Ý nghĩa bài ca dao Cày đồng đang buổi ban trưa hay nhất (dàn ý – 4 mẫu) – Ngữ văn lớp 8
“Cày đồng đang buổi ban trưa,
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày;
Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.”
Dàn ý Giải thích Ý nghĩa bài ca dao Cày đồng đang buổi ban trưa
1. Mở bài
– Ca dao tục ngữ một thể loại rất đặc trưng của dân tộc VN, xuất hiện lâu đời
– Nội dung phản ánh chân thực, thơ bay bổng, không gò bó trong quy tắc, một phần trong đời sống dân ta xưa
– Bài ca dao Cày đồng đang buổi ban trưa…dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần” đã trở nên bất hủ.
2. Thân bài
– Xúc tích chỉ có vỏn vẹn bốn dòng.
– Nỗi vất vả của người dân nước ta, quanh năm gắn bó với ruộng đồng, một nắng hai sương để làm ra hạt gạo
– Trong hai câu đầu tiên:
+Tả bức tranh chân thực sự cần cù lao động, sự cực nhọc của người dân trên những thửa ruộng dài xa tít tắp, rộng.
+Thời tiết nước ta lại vốn khá khắc nghiệt lúc mưa dầm, lũ ngập, lúc nắng gắt…. người làm nông nghiệp còn khổ gấp nhiều lần
+Thứ giúp sức cho người làm nông là cái cày và con trâu , tô đậm con người lên giữa không gian.
+Đều đặn sáng tinh mơ, những ngày mùa, người ta còn phải làm việc quên giờ giấc làm đất rồi phải gieo mạ, rồi cấy…
+Hình ảnh so sánh cụ thể, từ tượng thanh “thánh thót” rất nhiều, rất nhanh, việc khó khăn, tốn sức khỏe nhất
+Dùng cách nói cường điệu, sự xót xa, thương cảm cho người dân lao động
– Trong hai câu tiếp theo:
+Lời nhắc nhở đầy ẩn ý sâu sắc.
+Khi thiên tai ập đến, những nỗi lo, miếng cơm manh áo của mình đang ở trên đồng, hi sinh sức lực của mình để chống hạn, chống ngập…
+Bát cơm đầy, những hạt gạo trắng đó mang công sức của người làm ra nó bằng bao mồ hôi, cả mệt mỏi, nước mắt
+Sống có tình người, có đạo đức. Được thành quả phải luôn biết nhớ người làm ra nó. là đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”
3. Kết bài
+Câu chuyện về vấn đề “uống nước nhớ nguồn” vẫn đang được diễn ra hàng ngày.
+Biểu hiện cụ thể là sự trân trọng và biết ơn sâu sắc, biết bảo vệ, phát huy giá trị cao quý, những hành động đi ngược lại thì bị lên án và phê phán, nâng cao trách nhiệm giáo dục.
Giải thích Ý nghĩa bài ca dao Cày đồng đang buổi ban trưa – mẫu 1
Tục ngữ ca dao là kho tàng văn học quý báu của dân tộc. Mỗi bài ca dao như một bài hát nhẹ nhàng, êm ái và ngọt ngào để đi vào tận trái tim mỗi người đọc. Im lặng một chút mơ màng ngân nga một bài ca đẹp, ta sẽ thấy mình như lạc vào một cõi thanh cao, yên ả, thần tiên mà cũng rất đời thường.
Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hột, đắng cay muôn phần.
Đối với người Việt Nam chúng ta bây giờ mà nhất là xa xưa một chút thì việc cày đồng là một việc đồng áng quen thuộc, không xa lạ, nên người đọc bài ca dao không phải mường tượng hay suy ngẫm một hình ảnh vĩ đại, lạ lẫm nào. Cứ thế bài ca dao dắt ta vào cuộc sống của chúng ta:
Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Cày đồng, công việc mệt nhọc mà người nông dân xưa phải chịu đựng không có cảnh máy cày bon bon chạy như ngày nay và cày đồng đã là mệt nhọc mà lại cày vào “buổi ban trưa” thì càng mệt gấp trăm lần. Chọn thời điểm ban trưa cày ruộng, tác giả dân gian đã khắc sâu tô đậm công việc mệt nhọc của người nông phu: làm sáng, làm chiều chưa đủ họ còn phải làm cả vào buổi ban trưa, thời điểm nắng nôi nóng bức và gây cho con người cảm giác khó chịu. Thường thì buổi trưa là buổi gia đình đoàn tụ ăn cơm và nghĩ trưa, sau đó mới tiếp tục làm việc, nhưng đằng này phải cày ruộng vào ban trưa nên “mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày”. Nắng nóng và mệt nhọc khiến những giọt mồ hôi mằn mặn rơi hoài, thấm vào quần áo và “thánh thót” rơi xuống đồng. Mồ hôi rơi “thánh thót” như thể ở trong một giọt nước có sự lao lực hòa tan vào đó. Tác giả dân gian nghe thấy tiếng giọt mồ hôi rơi như “thánh thót”. Từ tượng thanh đặt ở đúng chỗ đã diễn tả được sự quan sát tinh tế mà chân thực của tác giả dân gian, vốn là những người gắn bó với đồng ruộng. Mà mồ hôi cứ rơi rơi mãi, thánh thót như “mưa ruộng cày” vừa là so sánh mồ hôi với mưa, vừa là biện pháp tu từ thậm xung nhằm khẳng định, nhấn mạnh sự mệt nhọc vất cả của người nông dân. Những giọt mồ hôi đã rơi xuống ruộng, đất như nở hoa để cho ra bao cây lúa trĩu bông, vàng hạt, cho bát gạo ngày mùa trắng thơm, béo tròn, ngầy ngậy. Thế nhưng cầm bát cơm đó mấy ai nghĩ tới giọt mồ hôi “thánh thót như mưa ruộng cày”. Chính vì thế nên đúng trong lúc mệt nhọc vất vả nhất người lao động đã cất lên tiếng hát gửi gắm lòng mình:
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hột, đắng cay muôn phần.
Ai ơi câu hát hay lời nhắn nhủ sâu xa nhất. Ai là tất cả chúng ta, những người không thể sống thiếu được hột cơm mà lòng mẹ đã ban cho. Xin hãy đừng quên có bao nhiêu giọt mồ hôi, có bao nhiêu buổi cày trưa đó mới có được một bát cơm đầy trắng ngon và thơm dẻo, nên dẻo thơm dù chỉ một hột trong bát cơm đầy nhưng nó là bao nhiêu đắng cay vất vả. Một hột cơm quá bé nhỏ so với nỗi đắng cay mà người nông dân phải gánh chịu. Hơn thế nữa, đắng cay là bao nhiêu để có được dẻo thơm. Một câu ca dao chứa toàn những từ trái nghĩa: dẻo thơm, đắng cay, một hột, và muôn phần đã làm nổi bật lên hai hình ảnh tương phản rõ nét: công lao của người nông dân kể xiết là bao để cho ta một hột cơm dẻo thơm, cung cấp cho ta nguồn sống mỗi ngày. Một người nông dân trong tất cả những người nông dân cày đồng buổi ban trưa hay làm một công việc mệt nhọc nào khác không thở than oán phiền, mà chỉ có một ước vọng duy nhất: thành quả lao động của họ rồi đây sẽ được mọi người tường nhớ đến công lao. Không ca ngợi đắp điếm một cách sáo rỗng mà xuất phát từ đáy lòng biết ơn đúng như đạo lý truyền thống của dân tộc: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đó là ước mơ của người nông dân và tất cả chúng ta, là lời nhắc nhẹ nhàng và êm ái. Ý nghĩa sâu xa qua từng câu chữ và tấm lòng của người lao động và hiểu xa hơn đó là của một thời đại như lời Việt Bắc với dân tộc sau này:
Mình về thành thị xa xôi
Nhà cao còn nhớ núi đồi nữa chăng
Phố đông còn nhớ bản làng
Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng.
(Tố Hữu – Việt Bắc)
Đọc bài ca dao mỗi người có một suy nghĩ khác nhau, nó không còn hạn hẹp trong hột cơm nữa mà đó là tất cả những gì mình được hưởng, hãy suy nghĩ về mình, đừng vì một chút vô tâm xóa nhòa đi bản chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Đọc câu ca dao tôi thầm nhớ tới lời của một nhà văn trong tác phẩm của ông: “Xin mọi người hãy ngừng lại một chút cái nhịp sống ồn ào chen lấn để tự suy nghĩ về chính mình” (Nguyễn Minh Châu – Bức tranh). Và từ đó mà sống đẹp hơn, không nuối tiếc về cuộc sống mà mình đã đi qua, để sau này khỏi hổ thẹn là mình đã vô tình hay cô ý quên đi cái không đáng và không được quên trong cuộc sống.
Giải thích Ý nghĩa bài ca dao Cày đồng đang buổi ban trưa – mẫu 2
Ca dao tục ngữ là bức tranh sinh động phản ánh đời sống nhiều mặt của ông cha ta thuở trước. Có lẽ không ai sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này lại không biết đến bài ca dao thấm đượm ân tình qua lời ru ngọt ngào của bà, của mẹ:
Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.
Bài ca dao vẻn vẹn chỉ có bốn câu nhưng đã miêu tả sinh động nỗi cực nhọc, vất vả của người nông dân quanh năm một nắng hai sương làm ra hạt gạo nuôi đời. Đồng thời nó cũng là lời khuyên nhủ chân tình về lòng biết ơn, thái độ trân trọng người lao động. Theo em, đây chính là biểu hiện đạo lí tốt đẹp của dân tộc ta.
Mở đầu bài ca dao, nỗi vất vả của người nông dân như hiện lên rõ ràng trước mắt ta:
Cày đồng đang buổi ban trưa,
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
Nỗi vất vả được nhấn mạnh và tô đậm. Trước mắt chúng là người nông dân đang gò lưng, ấn sâu lưỡi cày vào đất. Trước mặt, con trâu lầm lũi bước. Cả người lẫn trâu đều ướt đẫm mồ hôi dưới ánh nắng trưa hè gay gắt. Câu ca dao tả ít mà gợi nhiều đến thế!
Câu thứ ba, thứ tư là lời nhắc nhở chân thành:
Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.
Tại sao lại nhắc nhở đúng vào lúc bưng bát cơm đầy. Đây là chủ ý của người xưa, bởi lúc bưng chén cơm thơm dẻo, mấy ai nghĩ đến nỗi cực nhọc của người làm ra nó? Vì vậy nhắc nhở vào lúc này là nên, là đúng. Có được bát cơm đầy phải đổi bằng bao bát mồ hôi, có khi cả nước mắt. Nào chống hạn, chống úng, nào tai trời ách đất… Từ lúc cày đồng đến lúc gánh lúa về sân, biết bao lo âu, cực khổ. Tất cả những cái đó dồn vào trong một câu với hai vế đối rất chỉnh: Dẻo thơm một hạt / đắng cay muôn phần. Một lần nữa, nỗi vất vả của người nông dân được nhắc lại và khắc sâu trong tâm khảm mọi người.
Hai câu ca dao trên còn là lời khuyên nhủ: đã là người thì phải sống sao cho thủy chung, ân nghĩa. Phải biết cảm thông, chia sẻ và trân trọng, biết ơn người lao động. Bưng bát cơm đầy mà không nhớ người làm ra nó là vong ơn, bội nghĩa. Những kẻ vô ơn như thế thật đáng chê trách và lên án.
Bài ca dao Cày đồng đang buổi ban trưa nằm trong chủ đề Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Người xưa mượn những chuyện cụ thể, gần gũi để nói đến những chuyện lớn lao: thái độ của người hưởng thụ đối với người làm ra thành quả như thế nào cho đúng? Trân trọng và biết ơn sâu sắc người làm ra của cải tinh thần và vật chất cho xã hội, biết bảo vệ và phát huy thành quả đó là thái độ đúng đắn nhất. Em cho rằng, dù ở trong bất cứ xã hội nào, hoàn cảnh nào thì lòng biết ơn cũng là biểu hiện của đạo đức, là cội nguồn của mọi điều tốt đẹp. Bài ca dao trên tuy ra đời đã lâu nhưng ý nghĩa giáo dục của nó luôn luôn mới mẻ và sâu sắc.
Giải thích Ý nghĩa bài ca dao Cày đồng đang buổi ban trưa – mẫu 3
Đất nước ta là đất nước của nền văn minh lúa nước, bởi vậy cây lúa có ý nghĩa to lớn trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta. Nhưng để làm nên một hạt lúa dẻo thơm, trắng ngon không phải là một điều đơn giản, dễ dàng, và ông cha ta xưa đã có câu:
Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo tơm một hạt, đắhng cay muôn phần.
Quả thực làm nông nghiệp đã vất vả, phải“Trông trời, trông đất, trông mưa/ Trông mây, trông nắng, trông ngày trông đêm”thì công việc trồng lúa còn vất vả gấp bội phần. Hai câu ca dao đầu tiên đã khai quát nên nỗi cơ cực, vất vả đó:
Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
Câu ca dao mở ra không gian rộng lớn, cánh đồng mênh mông, bát ngát người nông dân bé nhỏ, khiêm nhường, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời đang cần mẫn làm việc. Thời điểm trưa là thời điểm nóng nực, và mệt nhọc nhất của một ngày lao động, ấy vậy mà những người nông dân không hề nghỉ ngơi, mà vẫn thoăn thoắt đôi tay nhặt cỏ úa, bắt sâu, mong sao cho từng cây lúa nặng trĩu bông được mùa. Câu thơ thứ hai càng nói rõ hơn nỗi vất vả ấy. Cách nói khoa trương phóng đại, mồ hôi được ví như mưa ruộng cày, để khẳng định mồ hôi ra rất nhiều, với cách nói đầy hình ảnh này đã giúp người đọc hình dung rõ hơn về nỗi vất vả mà người nông dân phải trải qua.
Nếu như hai câu ca dao trên là những lời chia sẻ, giãi bày về những cực nhọc trong quá trình làm nông, thì hai câu sau là lời nhắn gửi chân thành, tha thiết đến với mỗi người sử dụng hạt gạo mà họ nhọc công chăm bón:
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần
Đại từ ai là đại từ phiếm chỉ, không hướng đến bất cứ một đối tượng cụ thể nào, bởi vậy tính chất nhắn nhủ đến mọi người lại được mở rộng hơn. Khi chúng ta bưng bát cơm thơm ngon lên, có mấy ai nhớ đến công lao của những người đã làm ra nó. Có mấy ai đã cảm ơn những người đã đem đến những gì tinh túy nhất của trời đất để nuôi ta khôn lớn. Bởi vậy, lời thơ càng trở nên tha thiết, khắc khoải hơi, nó như nhắn nhủ, hãy nhớ đến công lao chúng tôi đã làm, công sức mưa nắng dãi dầu mà chúng tôi đã bỏ ra, bởi để làm nên được một hạt gạo phải trải qua muôn phần đắng cay, cực nhọc.
Ngày nay, nhờ cơ giới hóa nông nghiệp, nông dân đã bớt vất vả hơn nhưng bài ca dao vẫn còn giá trị đặc biệt. Hôm nay, họ vẫn thiếu vốn, thiếu phân, thiếu kĩ thuật tiên tiến. Thiên nhiên khắc nghiệt cũng vẫn luôn là mối đe dọa, rình rập người nông dân. Nhà nước ta đã có chính sách rất tốt cho nông dân nghèo vay vốn nhưng người trí thức Việt Nam vẫn chưa mạnh dạn trở về đồng ruộng để trả ơn tiền nhân, đưa khoa học vào nông nghiệp. Đó là bổn phận và trách nhiệm của thế hệ chúng ta những người trí thức mới dám về quê hương cải tiến kĩ thuật, thì thực sự ta mới đền công ơn thầm lặng của bao nông dân việt Nam.
Quả đúng như Nguyễn Trãi đã từng viết “Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”. Được hưởng bất cứ thành quả gì chúng ta cũng cần ghi nhớ công ơn, sức lực mà những người nông dân đã làm ra nó. Hãy là con người sống thủy chung, tình nghĩa, sống theo tôn chỉ “Uống nước nhớ nguồn” truyền thống ngàn đời của dân tộc.
Giải thích Ý nghĩa bài ca dao Cày đồng đang buổi ban trưa – mẫu 4
“Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng mênh mông bát ngát
Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng cũng bát ngát mênh mông”
Những cánh đồng lúa bát ngát xanh tươi nuôi sống dân ta từ ngàn xưa đến nay đã là nhân chứng cho bao nhiêu hoạt động, bao nhiêu tâm tình của người lao động nước ta. Họ đã làm việc ở đó và cũng tâm sự trên mảnh đất đó:
““Cày đồng đang buổi ban trưa,
“Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày;
“Ai ơi bưng bát cơm đầy,
“Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.”
Để tìm hiểu tâm sự của người nông dân thời xưa, ta hãy giải thích ý nghía bài ca dao trên.
“Cày đồng đàng buổi ban trưa,
“Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
Lời thơ miêu tả nỗi vất vả trong lao động của người nông dân. Hình ảnh người nông dân lao động vào thời điểm ban trưa tức là thời điểm mặt trời gay gắt nhất, khoảng thời gian từ chín, mười giờ đến mười một, mười hai giờ. Đất nước ta lại là xứ nhiệt đới, nắng lúc bấy giờ chiếu thẳng xuống mặt đất. Nông dân lại làm việc giữa trời rộng, không một mái che. Từ đó ta hiểu vì sao người cày ruộng ướt đẫm mồ hôi:
“Mồ hôi thánh thót như mưa mộng cày.
So sánh mồ hôi thánh thót như mưa, người nông dân đã muốn diễn tả cụ thể nỗi khó nhọc, vất vả của công việc mình làm. Bên cạnh đó từ láy thánh thót gợi lên hình ảnh từng giọt mồ hôi rơi xuống liên tục, giọt ngắn giọt dài. Tóm lại, câu một chỉ giới thiệu hoàn cảnh lao động, câu hai đã miêu tả hình ảnh một cách cụ thể sinh động, gợi hình, gợi cảm. Tuy sự so sánh này có tính cách thậm xưng nhưng vẫn gây xúc động mạnh cho chúng ta.
Nếu hai câu đầu miêu tả công việc cực nhọc thì hai câu sau là lời tâm sự của người làm công việc ấy:
“Ai ơi bưng bát cơm đầy,
“Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.
Câu ba mở đầu bằng hô ngữ từ “Ai ơi” để diễn tả một lời kêu gọi tha thiết. Lời kêu gọi không nhằm vào một người quen biết nào cả. Họ cũng không rõ ai là người lắng nghe tâm sự của họ. Họ chỉ biết nói với những người đã từng bưng những bát cơm ngon, những bát cơm đầy. Vậy thì chữ “Ai” không xác định đã được xác định: Ai đó chính là những người đã từng ăn cơm, chính là chúng ta, là mọi người.
Lời tâm sự trong câu bốn được diễn tả bằng nghệ thuật đối lập và tăng cấp dẻo thơm mộthạt đối với đắng cay muôn phần. Sự đối lập cho ta thấy sự éo le, nghiệt ngã giữa dẻo thơm và đắng cay giữa một hạt và muôn phần. Từ đó ta càng hiểu được tâm sự của người nông dân: “Hãy hiểu cho chúng tôi để có một hạt cơm thơm dẻo là muôn phần cực nhọc, đắng cay, một chén cơm thơm ngon ià do muôn lần vất vả mà chúng tôi phải chịu đựng.” Sự khiêm tốn nằm ở chỗ họ chì mong muốn chúng ta cảm thông với công lao cực nhọc ấy, thấu hiểu nỗi vất vả ấy. Một lời tâm sự thật cảm động, một lời kêu gọi thật tế nhị. Thế mà xưa nay, mỗi lần ăn bát cơm ta có luôn nhớ đến họ không?
Bốn câu lục bát thật giản dị diễn tả nỗi vất vả nhọc nhằn cùa nông dân làm ra hạt lúa nuôi sống mọi người. Bên cạnh đó là một lời kêu gọi nhẹ nhàng, khiêm tốn: Hãy nhớ, đừng quên người nông dân.
Ngày nay, nhờ cơ giới hóa nông nghiệp, nông dân đã bớt vất vả hơn nhưng bài ca dao vẫn còn giá trị đặc biệt. Hôm nay, họ vẫn thiếu vốn, thiếu phân, thiếu kĩ thuật tiên tiến. Thiên nhiên khắc nghiệt cũng vẫn luôn là mối đe dọa, rình rập người nông dân. Nhà nước ta đã có chính sách rất tốt cho nông dân nghèo vay vốn nhưng người trí thức Việt Nam vẫn chưa mạnh dạn trở về đồng ruộng để trả ơn tiền nhân, đưa khoa học vào nông nghiệp. Đó là bổn phận và trách nhiệm của thế hệ chúng ta những người trí thức mới dám về quê hương cải tiến kĩ thuật, thì thực sự ta mới đền công ơn thầm lặng của bao nông dân việt Nam.
Trích nguồn: Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường miền Trung
Danh mục: Văn mẫu lớp 8