Thuyết minh về món bánh mang bản sắc văn hóa dân tộc (dàn ý – 7 mẫu) – Ngữ văn lớp 8
Thuyết minh món bánh mang bản sắc văn hóa dân tộc
Đề bài:Thuyết minh món bánh mang bản sắc văn hóa dân tộc
Bạn đang xem bài: Thuyết minh về món bánh mang bản sắc văn hóa dân tộc (dàn ý – 7 mẫu) – Ngữ văn lớp 8
Dàn ý Thuyết minh món bánh mang bản sắc văn hóa dân tộc
Bài làm
1. Mở bài
– Giới thiệu về món ăn em định thuyết minh: Bánh chưng
– Đây là món ăn đặc trưng, không thể thiếu trong mâm cỗ Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam.
2. Thân bài
a) Nguồn gốc lịch sử
– Không rõ thời gian cụ thể, theo truyền thuyết kể lại vào đời vua Hùng thứ sáu, khi đất nước thanh bình, sạch bóng quân thù, vua muốn truyền ngôi nên ban lệnh cho các hoàng tử đi tìm món ăn vừa ý vua cha nhất để cúng Tiên vương, sẽ được nối ngôi. Trong khi các hoàng tử khác sai kẻ hầu người hạ đi tìm sản vật trên rừng xuống biển, hoàng tử thứ 18 tên là Lang Liêu vì nghèo không có tiền, trong nhà chỉ có ngô, khoai, lúa… đã được thần báo mộng làm ra hai loại bánh chưng, bánh giày ngon và ý nghĩa tượng trưng cho trời, cho đất. Bánh chưng ra đời từ đó và tục gói bánh chưng trở thành tục lệ không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về.
b) Chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng:
– Gạo nếp hạt tròn, trắng, sạch sẽ được ngâm qua đêm từ 3 – 4 tiếng, sau đó để cho ráo nước, trộn đều với 1 ít muối trắng.
– Đậu xanh đã bóc vỏ, cũng ngâm trong nước khoảng 4 tiếng, có thể để đỗ sống hoặc đồ chín (tùy thích), trộn tiếp với 1 ít muối.
– Thịt lợn vừa nạc vừa mỡ ướp với gia vị cho thịt ngấm đều
– Lá dong (có thể thay bằng lá chuối), lạt mềm
– Gia vị: Hạt tiêu, muối, thảo quả,…
c) Công đoạn gói bánh chưng
– Có thể gói bánh chưng bằng khuôn hoặc gói vo (không cần khuôn)
– Cắt lá dong cho vừa với khuôn, xếp 4 góc và lót ở phía dưới sao cho vuông vức, lá thẳng.
– Đổ 1 lớp gạo nếp xuống phía dưới, sau đó đến 1 lớp đỗ xanh, 2 – 3 miếng thịt, đổ tiếp 1 lớp đỗ và cuối cùng là một lớp gạo phía trên cùng.
– Đặt một lớp lá cho phẳng phiu, sau đó gói chặt tay, cột chặt lại bằng lạt mềm cho chiếc bánh vuông vức.
– Xếp những chiếc bánh đã được gói gọn gàng vào xoong đã lót 1 lớp lá dưới đáy nồi, đổ nước lạnh hoặc nước nóng ngập mặt bánh, đun củi hoặc than lửa cháy vừa đủ.
– Nấu bánh chưng trong vòng 9 – 10 tiếng hoặc ít hơn, tùy vào kích thước bánh.
– Liên tục thêm nước để nồi bánh không bị cạn/ cháy.
– Sau khi luộc chín bánh, vớt ra ngoài, cho vào nước lạnh ngâm khoảng 15 – 20 phút, để ráo nước sau đó ép bánh cho nước ra hết
d) Yêu cầu thành phẩm
– Chiếc bánh vừa chín tới, vuông vức, gói không bị chặt quá, không bị lỏng quá.
– Bánh giữ được màu xanh của lá, gạo chín mềm dẻo, thơm.
– Có thể ăn kèm bánh chưng với dưa hành, củ kiệu, giò,…, ngoài ra có thể rán bánh chưng ăn cũng rất ngon.
e) Ý nghĩa của chiếc bánh chưng
– Món ăn không thể thiếu trong mâm cúng Tết, mang hương vị Tết cổ truyền của Việt Nam.
– Giá trị văn hóa tinh thần: Đề cao nền văn minh lúa nước của dân tộc, tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, những người thân đã khuất; là nét văn hóa độc đáo chỉ ở mảnh đất hình chữ S mới có.
3. Kết bài
– Khẳng định là giá trị của món ăn độc đáo: Bánh chưng
– Nêu cảm nghĩ của bản thân về món ăn đó.
Thuyết minh món bánh mang bản sắc văn hóa dân tộc – Bánh trôi
Cứ vào ngày 3 tháng 3 âm lịch hằng năm, mọi người lại làm bánh trôi, bánh chay. Đây là một phong tục cổ truyền rất quen thuộc với mọi người dân Việt Nam.
Nguyên liệu để nấu bánh rất thông dụng, quen thuộc. Trước tiên, chúng ta phải có gạo nếp ngon. Có thể trộn thêm gạo tẻ nhưng gạo nếp vẫn phải chiếm đa số. Có gạo làm vỏ bánh, cần có thêm đường làm nhân để tạo vị ngọt cho bánh. Nhân bánh truyền thống là bằng mật có vị thơm đậm đà. Ngày nay, nhiều gia đình dùng đường phèn có vị thơm mát. Để làm nhân bánh chay, chúng ta cần đậu xanh xay nhuyễn. Ngoài ra, cần một ít vừng, cùi dừa để rắc lên hai loại bánh.
Cách làm bánh khá đơn giản. Đầu tiên là ngâm gạo khoảng 6 đến 8 tiếng sau đó vo gạo. Vo xong, đổ gạo ra xay nước. Chú ý là không được xay khô vì như thế sẽ làm vụn gạo và các hạt sau khi xay sẽ to nhỏ không đều nhau. Xay xong đổ tất cả bột vào túi vải, buộc chặt, lấy tay nén từ từ, nhẹ nhàng để vắt nước ra. Tránh ấn mạnh tay sẽ làm bung túi vải. Nén hết nước, ta sẽ có một thứ bột dẻo để làm vỏ bánh.
Tiếp theo sẽ là bước nặn bánh. Bánh trôi được nặn tròn, to vừa phải. Cho một viên đường vào trong, nặn bột bao kín để khi luộc, đường không chảy ra. Nhân bánh chay là đậu xanh được đãi sạch vỏ, đồ chín, xay nhuyễn. Bánh và nhân phải theo một tỉ lệ hợp lí. Không nên để bánh hay nhân quá to hoặc quá nhỏ sẽ làm mất ngon khi ăn.
Tinh tế nhất là luộc bánh. Đun sôi nước rồi mới thả bánh vào. Đợi đến lúc bánh nổi lên trên mặt nước, nhẹ nhàng vớt lấy rồi thả ngay vào nước sạch và lạnh. Nếu để nóng quá lâu bánh sẽ bị chảy, không dẻo và ngon.
Thưởng thức bánh trôi, bánh chay là cả một nghệ thuật. Bánh trôi được bày vào đĩa, rắc lên trên một lớp vừng mỏng và một chút sợi cùi dừa. Bánh chay được bày trong bát. Đun nước đường pha với bột sắn rồi chan ngập mặt bánh. Ở trên rắc một ít hạt đậu xanh chín xay vỡ đôi đã đãi sạch vỏ. Màu trong của bánh, của nước dùng hài hòa với màu vàng tươi của hạt đậu xanh trông thật đẹp mắt. Đây đều là hai loại bánh ăn nguội. Bánh trôi cho vào miệng, ngậm lại rồi cắn sẽ cảm nhận được vị ngậy của gạo, vị ngọt của đường. Còn bánh chay, dùng thìa xúc miếng bánh, cắn nhẹ sẽ thấy vị ngọt mát, thơm dẻo. Với cả hai loại bánh, nếu thích, có thể cho thêm chút tinh dầu hoa bưởi.
Bây giờ, người ta không tự làm bánh nhiều như trước mà phần lớn đều đi mua khi cần. Nhưng phải tự tay mình nấu rồi thưởng thức mới cảm nhận hết cái ngon của bánh. Bánh trôi, bánh chay sẽ mãi là hai món ăn truyền thống đặc sắc của người Việt Nam.
Thuyết minh món bánh mang bản sắc văn hóa dân tộc – Bánh Tét
Bánh tét ngày Tết là món ăn không thể thiếu trên mâm cúng ông bà tổ tiên hay trên bàn ăn của người dân đất phương Nam. Một đòn bánh tét tròn trịa, đầy đặn phản ánh khát vọng về một cuộc sống no đủ của người dân Nam bộ- cư dân của vùng đất mới.
Người dân Nam bộ còn lưu truyền câu ca dao:
“Chim kêu ba tiếng ngoài sông
Mau lo lựa nếp hết đông tết về”
Lo lựa nếp để gói bánh tét trước cúng ông bà tổ tiên, kế biếu bà con lối xóm, sau cùng để ăn cho ba ngày tết. Do vậy, món bánh tét ngày Tết là loại bánh không thể thiếu được vào dịp xuân về, là nét văn hóa ẩm thực tiêu biểu của người Việt ở Nam bộ. Vì thế, một số người mới cho rằng cách gọi bánh tét có thể được đọc trại từ bánh tết mà ra.
Cứ đến khoảng 27, 28 tết là mấy bà nội trợ đã lo chuẩn bị nếp. Một ngày trước khi gói bánh, nếp được đem đi ngâm và gút. Hôm sau, họ cắt mấy tàu lá chuối còn nguyên và xanh um ở mé vườn hay sau hè. Lá chuối được rọc nhỏ lại theo kích cỡ đòn bánh, rồi lau sạch và quét lên tí dầu ăn cho láng. Nếp gút lại thật kỹ, sau đó mới bày lên lá với lớp nếp đến lớp nhân. Người gói bánh tiến hành gói phần lá bên ngoài và gói ở 2 đầu bánh, rồi dùng sức buộc dây lạt thật chặt thân bánh, phần dây thừa được gọi là đuôi bánh. Cách gói phần đầu bánh có hai dạng: Gói theo kiểu hình tròn hay hình tam giác. Người gói bánh cột phần đuôi 2 hay 3,4 đòn bánh lại với nhau thành từng xâu, rồi bỏ vào nồi nước sôi trên lò than, lò củi để luộc chín. Mấy đứa nhỏ ngồi xung quanh nồi bánh tét chụm lửa. Hồi còn nhỏ, ai đã từng ngồi như thế thì chắc không thể quên được hình ảnh bập bùng của lò than với âm thanh tí tách, cái háo hức mong đợi khi bánh được vớt khỏi nồi nước luộc và cái hơi nóng tỏa ra làm ấm cả gian nhà bếp. Đó là cảm giác của ngày tết sắp về ở từng gia đình. Độ chừng 3 đến 4 tiếng, người ta vớt bánh ra khỏi nồi nước, treo thành từng xâu trên cái đòn dài của nhà bếp để bánh ráo nước và tránh sự dòm ngó của lũ mèo, chuột. Sáng 30 cúng rước ông bà, họ cắt bánh thành từng khoanh rồi đặt vào đĩa để cúng. Bánh cúng xong thì con cháu mới được ăn. Khi ăn cũng là dịp để thưởng thức sự khéo léo của người nội trợ. Bánh tét ngon là khi mở ra phần nếp không dính lá, nếp phải dẻo, mịn và trong, phần nhân phải vừa ăn (không quá mặn cũng không quá ngọt) và có mùi thơm. Muốn được như vậy phải biết kỹ thuật gói bánh. Nếp chọn là loại nếp thượng hạng, nếp rặt, không được pha với thứ khác. Còn lá chuối là loại lá còn nguyên vẹn, không được rách để tránh cho bánh bị “xì” khi nấu. Mặt khác, nếp phải được gút kỹ nhiều lần sao cho thật sạch để khi ăn bánh phần nếp mới dẻo, mịn. Kỹ lưỡng hơn nữa, khi gút người ta cho thêm muối vào cho nếp thêm sạch, dễ gút. Nước ngâm nếp phải được để trong lu vài ngày để lắng tạp chất xuống đáy. Điều này giúp bánh được giữ lâu hơn trong ba ngày tết. Khi gói bánh phải gói thật chặt, không được gói lỏng vì dễ làm hư bánh trong khi luộc. Đậu xanh ngâm kỹ, đãi vỏ thật sạch thì nhân mới ngon.
Nói là bánh tét ngày tết, nhưng dân Nam bộ chia làm 2 loại: Bánh tét mặn và bánh tét ngọt. Bánh tét mặn là loại bánh tét có nhân đậu xanh với mỡ, thịt ba rọi, một số nơi còn thêm hột vịt muối. Còn bánh tét ngọt gồm bánh tét nước tro, bánh tét nhân chuối, nhân đậu xanh,…Bánh tét mặn được làm phổ biến vào dịp tết. Người ta chọn mỡ heo hay thịt ba rọi còn tươi, rửa sạch và để ráo nước. Khi gói bánh thì để thịt, mỡ trên lớp đậu xanh. Nếu gói bằng thịt ba rọi, khi cắt bánh, phần chính giữa vừa trong vừa đục, trông rất bắt mắt. Còn bánh tét nhân mỡ thì phần mỡ trong vắt mới ngon. Ở Tiền Giang, khi làm bánh tét nhân mỡ, mấy bà lấy mỡ ướp với tí đường, củ hành tím rồi phơi trong thau nhôm chừng 5 đến 6 tiếng. Mỡ ướp hành tím làm cho nhân không nặng mùi, thơm và dễ ăn, khác với ướp tỏi. Phơi mỡ trong thau nhôm để lấy nhiệt cho mỡ dễ chín, săn chắc. Mấy ngày tết, sợ ăn bánh tét mặn ngán, bà con còn gói thêm bánh tét ngọt để ăn thêm, đặc biệt ở một số gia đình ăn chay. Bánh tét ngày Tết bằng nước tro là loại bánh mà nếp được ngâm với nước tro tàu, phần nhân gồm đậu xanh xào chung dừa nạo. Bánh có mùi thơm lạ, màu hơi đen, ăn rất ngon. Gọi bánh tét chuối vì phần nhân được làm bằng chuối. Người ta chọn loại chuối xiêm chín rục làm nhân. Khi cắt bánh, phần nhân có màu đỏ thẫm, vị ngọt tự nhiên. Ở miệt Bến Tre còn có loại bánh tét không nhân. Bánh được làm toàn bằng nếp trộn chung với đậu đen hay đậu phộng và nước cốt dừa, ăn rất béo và thơm. Còn ở Tiền Giang, cũng bánh loại này, mấy bà còn cho thêm chuối xiêm chín đã bóp nhỏ vào hỗn hợp đậu, nếp, nước cốt dừa, đậu đen rồi mới gói. Khi cắt ra, bánh gồm nhiều màu, rất bắt mắt và có vị ngọt của chuối, vị bùi của đậu, vị béo của nước cốt dừa, vị dẻo của nếp.
Ở Nam bộ, khi ăn, bánh tét ngày Tết thường được dùng chung với dưa kiệu, dưa muối cho đỡ ngán. Có người thích ngọt, khi ăn họ còn cho thêm đường trên mặt bánh. Người ta còn dùng bánh tét thay cơm. Họ chan nước thịt kho tàu dầm tí ớt, trộn thêm dưa giá hay dưa kiệu để ăn chung với bánh. Ăn kiểu này thì ngon và hết sẩy! Vị béo, ngọt của bánh cùng vị chua chua của dưa giá, dưa kiệu và vị mặn mặn, cay cay của nước thịt kho tàu tạo nên một hương vị khó tả và nhớ mãi. Mấy bà nội trợ ở Tiền Giang còn làm thêm món củ cải trắng ngâm với nước tương hoặc nước mắm, bỏ trong hũ sành để ăn kèm với bánh tét.
Bánh tét ở Nam bộ có một số loại rất ngon, nổi tiếng, ăn thì khỏi chê, biếu rất sang như: Bánh tét Trà Cuôn (Trà Vinh), Bánh tét lá cẩm (Cần Thơ) và bánh tét Tiền Giang. Bánh tét Trà Cuôn có gốc tích từ xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Phần nếp bánh có màu xanh, nhân đậu xanh, trong cùng là thịt mỡ và hột vịt muối. Phần nếp có màu xanh do được làm từ nước lá chùm ngót giã nhuyễn trộn vào. Đây được cho là cách làm bánh tét của người Khmer Trà Vinh. Theo người dân Cần Thơ cho biết bánh tét lá cẩm có nguồn từ gia tộc họ Huỳnh ở Bình Thủy. Dòng họ này đã làm cho bánh độc đáo hơn bằng cách nấu lá cẩm lấy nước, sau đó cho nước hòa chung với nếp. Do đó,khi cắt bên ngoài,bánh có màu tím than, phần nhân có màu vàng của đậu, màu hồng của thịt, màu trắng của mỡ và màu đỏ của trứng vịt muối, trông rất đẹp và duyên dáng. Còn bánh tét Tiền Giang có nhân thịt ba rọi, tôm khô và hột vịt. Do nếp được ngâm nước lá dứa, nên khi ăn bánh có mùi thơm nhẹ.
Mặt khác, trứng hột vịt muối- nguyên liệu chế biến thức ăn phổ biến của người Hoa có mặt trong nhân bánh tét hay sự tiếp thu từ cách làm bánh của người Khmer (bánh tét Trà Cuôn) đã phản ánh rõ nét sự giao lưu văn hóa ở vùng đất Nam bộ. Sự khác biệt trong cách làm bánh tét ở một số địa phương như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Cần Thơ thể hiện được tính thống nhất mà đa dạng của văn hóa ẩm thực. Phải chăng đó chính là những nét nghĩa văn hóa của đòn bánh tét ngày tết ở vùng đất phương Nam ấm áp và yên bình?
Bài văn thuyết minh về món bánh mang bản sắc văn hóa dân tộc – Bánh Chưng
Nhắc đến một yếu tố tạo nên sự phong phú và đa dạng cho sản vật Việt Nam, chúng ta không thể không nhắc tới các loại bánh với hương vị thơm ngon và đẹp mắt, phù hợp với khẩu vị của nhiều người. Trong sự đa dạng về bánh trái, mỗi khi nhắc tới một loại bánh mang truyền thống văn hóa dân tộc, có lẽ người ta không thể nào bỏ qua được bánh chưng.
Bánh chưng có nguồn gốc chính xác từ khi nào, chúng ta chưa lý giải được. Trước nay người ta vẫn thường dùng một truyền thuyết để giải thích cho nguồn gốc của bánh chưng : truyền thuyết Bánh chưng bánh giầy. Bánh chưng ra đời bắt nguồn từ gợi ý của thần cho Lang Liêu làm để tế lễ Hùng Vương. Chiếc bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất, với màu lá xanh tươi bọc bên ngoài bánh, tượng trưng cho cây cỏ muôn loài sinh sôi, phát triển không ngừng.
Nguyên liệu làm bánh chưng cũng vô cùng đơn giản, với những sản vật quen thuộc của người nông dân. Lá dùng để gói bánh thường sẽ là lá dong được lấy ở trên rừng. Lạt buộc bánh có nguồn gốc từ những cây tre. Gạo làm bánh thường sẽ là gạo nếp với vị thơm và dẻo đặc trưng. Ngoài ra, để làm được bánh chưng, người ta còn cần đỗ xanh và thịt lợn, thịt thường được dùng là loại thịt ba chỉ. Bên cạnh những nguyên liệu chính, thì một số gia vị quan trọng không thể thiếu làm tăng hương vị cho bánh chưng chính là một chút muối và hạt tiêu.
Là một loại bánh ngon đặc biệt của dân tộc, nên nguyên liệu làm bánh tuy giản dị, nhưng quy trình làm bánh chưng lại cầu kì hơn. Trước hết, người ta sẽ phải chọn những loại lá dong to và xanh, chiếc lá càng xanh thì màu bánh sẽ càng đẹp. Lá bánh sẽ được rửa sạch và phơi khô ráo. Gạo và đỗ trước khi làm bánh bánh sẽ được ngâm vo rửa thật kĩ và nhặt bỏ các hạt mốc. Thịt gói bánh sẽ được rửa sạch, cắt miếng to hơn thông thường và rắc hạt tiêu, muối. Người ta chọn thịt lợn ba chỉ để khi cắt chiếc bánh ra, thịt lợn đủ mềm, vẫn giữ được vị béo, thơm mà không quá ngấy. Khi gói bánh, thông thường người ta sẽ dùng 4 lớp lá xếp xen kẽ nhau. Người gói cẩn thận đổ từng lớp: một lớp gạo, một lớp đỗ, một lớp thịt rồi lại tiếp tục đổ thêm một lớp đỗ và một lớp gạo. Chiếc bánh chưng được gói khéo léo là khi nhân đỗ xanh và thịt lợn nằm vuông vắn ngay chính giữa, không bị lệch, và hạt đỗ không bị lẫn vào lớp gạo nếp ôm bên ngoài cùng của bánh. Sau khi gói, người ta sẽ cẩn thận dùng tay gói lá bên ngoài và dùng lạt cố định lại. Bánh sau khi gói xong sẽ được luộc trong một nồi qua khoảng 11 – 12 tiếng, sau đó đó vớt ra, để ráo, qua hôm sau là có thể bày lên mâm cỗ rồi.
Bánh chưng là một món bánh cổ truyền của dân tộc, có hương vị dễ ăn. Đây là món ăn luôn luôn được người dân Việt Nam sử dụng trong mâm cỗ cúng gia tiên ngày Tết. Trước đây bánh chưng chỉ có vào dịp Tết nhưng ngày nay, do nhu cầu, bánh chưng ngày nào cũng được sản xuất và bán để người dân có thể ăn hàng ngày hoặc cúng trong các ngày mùng 1 hoặc ngày rằm. Cùng với sự phát triển của xã hội, có nhiều loại bánh độc đáo mới lạ hơn được du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam, nhưng bánh chưng vẫn luôn luôn giữ được vị trí quan trọng trong tiềm thức của người dân Việt Nam. Đó là một loại bánh tượng trưng cho tổ tiên, trời đất, tượng trưng cho đời sống tín ngưỡng và tâm linh của người Việt Từ ngàn đời.
Với tất cả những ý nghĩa thiêng liêng nằm sẵn trong chiếc bánh chưng dân dã, đây chắc chắn sẽ luôn là loại bánh ở vị trí cao quý, biểu trưng cho văn hóa của dân tộc (một nền văn hóa lúa nước) và cũng thể hiện tấm lòng thành kính hiếu thảo thiêng liêng của người dân Việt Nam với tổ tiên của mình
Thuyết minh món bánh mang bản sắc văn hóa dân tộc – Bánh Trung Thu
Tết trung thu phải nói đến chiếc bánh nướng, bánh dẻo kì diệu cũng giống như chiếc bánh chưng trong những ngày tết nguyên đán.
Bánh dẻo có hai phần: phần áo và phần nhân. Áo bánh phải chọn gạo nếp cái hoa vàng vùng Trôi hoặc vùng Bắc Ninh, Bắc Giang. Gạo được rang rồi xay, hoặc giã nhỏ mịn, nhào với nước đường thắng ngan ngát một mùi hương bưởi. Tất cả những công đoạn kể trên đều phải do một bàn tay thợ có “nghề” đã được “hạ sơn” đảm nhiệm. Người thợ không được sai sót một khâu nào, sai một li đi một dặm. Lúc ra quân, cái bánh hiện rõ những hoa văn chìm nổi của một bông hoa nở 8 cánh hoặc 10 cánh. Khuôn mặt áo bánh dẻo mịn, bánh ngọt đậm, thơm dịu. Phần nhân bánh nhất thiết phải do thợ cả quán xuyến với những khâu quan trọng đầy bí quyết nhà nghề như: rang vừng, ủ vừng, xử lý mứt bí khẩu, mứt sen, hạt dưa, hạnh nhân, ướp nhân, tạo hương cho nhân,…
Nhân của bánh dẻo chay tịnh, nặng mùi hương đồng gió nội. Mãi về sau này thấy người ta mới phá cách cho thêm lạp sườn vào. Nhân bánh nướng được cải tiến với nhiều sáng kiến. Mỗi hiệu bánh đều muốn có phần độc đáo của mình. Vả lại bánh nướng là “em” của bánh dẻo. Nó sinh sau đẻ muộn, mới xuất hiện từ năm 1930 nên lắm trò hơn. Ngoài mứt bí, hạt dưa, nhân bánh nướng còn có thêm cả ruột quả trứng ở giữa hoặc thịt lợn quay, gà quay, lạp sườn,…gọi là nhân thập cẩm. Bánh nướng cũng có loại nhân chay bằng đậu xay mịn, dừa sợi, hạt sen.
Bánh dẻo trắng trong, bánh nướng có màu vàng sẫm và vàng nhạt do chỗ nướng già, nướng non tạo ra, thường có đường kính chừng 7-8 cm, chiều dày 2,5 -3cm. Cứ 4 cái bánh được xếp chồng lên nhau là 1kg. Ngoài giấy bọc có in nhãn hiệu thật nổi. Nhiều nhà còn đặt làm những chiếc bánh dẻo đặc biệt to bằng chiếc đĩa tây hoặc gần bằng cái mâm, trên có hình mặt trăng tròn, lưỡng long tranh trâu, song phượng,…
Nghĩa là người thợ làm cả cái việc tạo hình trên chiếc bánh. Bánh dẻo, bánh nướng trung thu nói lên cái tài hoa của người thợ. Ngay cả ở các hiệu lớn của người Hoa trước đây, thợ Việt Nam cũng chiếm 70-90%. Hàng năm, cứ đến gần Tết trung thu là các hiệu lại rộn rã cho người về các vùng lân cận mượn, đón các phường thợ làm bánh nổi tiếng ra Hà Nội vào mùa. Các chủ hiệu ưu ái họ lắm, mỗi người được chủ hiệu phát một áo choàng trắng, mũ trắng và một đôi guốc mộc. Các cửa hàng lấy làm hãnh diện đã mời được ông Toàn làng Bưởi, các ông Ba Thiện xã Cào ở tỉnh Sờn hoặc ông Lý Bắc Ninh.
Sự thật đã có 1 thời vẻ vang, các hiệu bánh Tùng Hiên, Tràng Thái, Ngọc Anh, Cự Hương, Việt Hương,…đã nổi danh xa gần, ai cũng biết tiếng. Bánh của họ đủ sức cạnh tranh với các hiệu người Hoa như Tây Nam, Mỹ Kinh. Từ cả chợ đến vùng quê, nhân dân các tỉnh khác không bao giờ quên, sản phẩm của họ với các “tạng”, cái “gu” Việt Nam. Có điều, các hiệu của người Hoa chú ý đến bao bì, quảng cáo hơn. Họ tiếp khách niềm nở với đủ những chi tiết tế nhị và tỉ mỉ.
Tết trung thu, nhà nào cũng phải có bánh dẻo. Người nghèo cũng cố mua cho con 1 vài cái bánh dẻo. Không có bánh dẻo tức là không có Tết. Người ta làm quà cho ân nhân, khách quý, bạn thân,… bằng bánh trung thu. Chiếc bánh dẻo tròn gợi hình mặt trăng thể hiện sự tròn đầy, viên mãn.
Vào những năm 1989-1990, những chiếc bánh trung thu từng tham dự hội chợ quốc tế tại Đức và Bungari, gây sự chú ý đặc biệt và được tăng huy chương độc đáo. Chúng mang mùi vị, thanh sắc Việt Nam, kèm theo cái nghệ thuật thưởng thức miếng ngon tinh tế, thanh nhã. Nó cũng là biểu tượng văn hóa của Việt Nam.
Chiếc bánh trung thu sẽ trường tồn. Chúng ta mong sao có thêm nhiều người thợ tài hoa kế tục nghệ thuật làm bánh trung thu truyền thống, không những cho mọi người mà còn cho khách nước ngoài thưởng thức mỗi khi đến mùa Tết trung thu.
Thuyết minh món bánh mang bản sắc văn hóa dân tộc – Bánh Xèo
Từ lâu bánh xèo đã trở thành loại bánh mang tính đặc trưng của vùng quê Việt Nam, đặc biệt ở miền Nam và miền Trung. Hiện nay bánh xèo rất nổi tiếng ở Việt Nam và cộng đồng người Việt trên khắp thế giới.
Bánh xèo là một món ăn dân dã, ra đời ở các vùng quê từ khá lâu. Không ai biết thời gian xuất hiện và thuộc miền xứ sở nào vì từ Huế trở vào phía Nam nơi nào cũng có.
Cái tên gọi “bánh xèo” cũng làm người ta nghĩ suy “có phải rằng tiếng xèo xèo khi đổ làm nên tên gọi của chiếc bánh”. Chiếc bánh ở từng vùng cũng khác nhau về kích cỡ và cách làm nhân: bánh xèo Huế, bánh xèo Phan Thiết thường nhỏ nhưng bánh xèo Nam Bộ lại khác hẳn, to và nhiều nhân. Nhất là ai đã về miền Tây Nam Bộ thưởng thức chiếc bánh xèo giòn rụm với đủ loại rau chắc khó thể nào quên.
Bánh xèo Nam Bộ thường thì mùa nào thức nấy, ngày thường bà nội trợ hay dùng giá hoặc củ sắn thái sợi cùng thịt ba chỉ, tép bạc làm nhân. Đến mùa mưa măng mọc, nấm mối rộ trong vườn, bánh xèo được thay nhân mới bằng măng tươi thái sợi, nấm mối xào ngon tuyệt cú mèo, đến mùa nước lên điên điển đơm bông, nhân bánh lại rực một màu vàng. Ngày nay trong các nhà hàng sang trọng bánh xèo được sáng tạo nên nhiều loại nhân khác nhau: nấm kim châm, hải sản, phi lê gà…cũng hấp dẫn không kém. Với chiếc bánh xèo đầy màu sắc lẫn mùi vị đó khi ăn lại được cuốn trong các loại rau xanh và chấm với nước mắm chua ngọt, trong có để cà rốt và củ cải trắng ngâm giấm. Rau xanh đủ loại, đủ thành phần từ trong vườn, dưới ruộng và cả ven sông: đọt lụa, lá cách, lá điều, đọt xoài, đọt cóc, đinh lăng, quế nước, xà lách, cải bẹ xanh, các loại rau thơm: tía tô, quế, húng lũi, húng cây…
Ðể được cái bánh xèo cho khéo là cả một nghệ thuật. Bánh có màu đặc trưng là sắc vàng của nghệ, thêm vị béo, hương thơm của nước cốt dừa, mép ngoài của bánh mỏng và giòn. Cái để lại dấu ấn cho bữa ăn bánh xèo chính là các loại lá để ăn với bánh. Từ cái vị chát chát, chua chua của đọt xoài non, bằng lăng, đến cái mùi hăng hăng của cải xanh, diếp cá, rau thơm…
Vượt ra khỏi biên giới quốc gia, bánh xèo đã được mang đi giới thiệu ở rất nhiều nơi trên thế giới và đã được rất nhiều người ưa thích không chỉ ở mùi vị đặc trưng của bánh mà còn giá trị dinh dưỡng cao ở những cái bánh xèo nóng hổi.
Thuyết minh món bánh mang bản sắc văn hóa dân tộc – Bánh chưng gù Hà Giang
Nhắc đến dân tộc Việt Nam, người ta không thể quên đi đây là một trong những dân tộc nổi tiếng về nền văn hóa ẩm thực độc đáo. Một trong những món ăn nổi tiếng mà người Việt Nam muốn giới thiệu đến du khách thế giới đó là món bánh trưng gù của tỉnh Hà Giang.
Đất Việt, dải đất hình chữ S với lịch sử ngàn năm văn hiến, phải chăng đây chính là lý do tạo nên nét độc đáo, đặc sắc, đặc thù cho từng vùng miền, từng dân tộc trải dài khắp đất nước? Ngoài những nét tinh hoa tựu chung của cả dân tộc, thì mỗi một tỉnh thành mỗi một vùng đất lại mang một bản sắc riêng, và đó chính là cội nguồn cho cái hồn – vẻ đẹp tiềm ẩn – của đất nước Việt Nam. Đã là con dân đất Việt hẳn không ai trong chúng ta còn xa lạ với Sự tích Hùng Vương, Sự tích bánh chưng bánh giầy. Đúng vậy, bánh chưng chính là một món bánh cổ truyền quen thuộc trong mỗi dịp Tết Nguyên Đán của người Việt Nam. Tuy nhiên dọc theo dải đất hình chữ S, chúng ta không khó có thể bắt gặp rất nhiều dạng khác nhau của món bánh này, ví như miền Bắc là bánh chưng vuông, thì xứ Nghệ xứ Thanh cho tới Đất Mũi lại là bánh tét hình trụ dài. Đặc biệt hơn nữa chúng ta phải kể đến bánh chưng của các dân tộc thiểu số mà tiêu biểu là món “Bánh chưng gù” của dân tộc Tày ở tỉnh Hà Giang địa đầu Tổ quốc.
Cũng như các dân tộc khác, người Tày cũng sẽ chuẩn bị gói “Bánh chưng gù” vào mỗi dịp Tết cổ truyền trong năm. Bánh chưng người Tày nói riêng hay bánh chưng Việt nói chung đều được làm từ những nguyên liệu hết sức quen thuộc, gần gũi với mỗi chúng ta như gạo nếp, thịt lợn và đậu xanh kết hợp cùng một số gia vị để làm dậy lên mùi thơm cũng như hương vị đặc trưng của bánh. Tuy nhiên, do thổ nhưỡng khí hậu đặc trưng của từng vùng miền mà nguyên liệu của mỗi nơi sẽ mang một hương vị rất khác, rất riêng biệt. “Bánh chưng gù” của người Tày được làm từ gạo nếp nương (thường là gạo nếp Bắc Mê) do người dân bản tự cấy trồng, chăm sóc. Nếu bạn ghé Hà Giang vào dịp tháng 9 tháng 10 sẽ không hiếm để bắt gặp những thửa ruộng bậc thang chảy dọc triền núi, những nương lúa vàng ươm nối tiếp nhau uốn lượn mang đến cho nơi đây một vẻ đẹp đến nao lòng. Lúa ở đây đều được canh tác bằng những phương pháp rất thủ công, phải chăng vì thế mà từng hạt gạo đều giữ nguyên được chất dân dã, mùi hương mộc mạc như chính hương vị của núi rừng đại ngàn nơi địa đầu Tổ quốc. Từng hạt gạo nếp trắng ngần, bóng bẩy được chọn lựa kĩ lưỡng để bánh có được mùi vị thơm ngon nhất. Gạo được vo kĩ và ngâm qua đêm để khi luộc bánh có độ mềm dẻo, từng hạt gạo kết dính với nhau vừa đủ chặt chẽ để không quá mềm nhão, vừa đủ hòa quyện để bánh có độ dẻo ngon. Một điều thú vị nữa chắc hẳn các bạn đều thắc mắc, tại sao bánh chưng khi bóc ra lại có một màu xanh tươi đầy hấp dẫn. Bí mật nằm ở khâu chuẩn bị gạo nếp, người Tày sẽ thêm vào đó một chút nước lá riềng xay nát lọc sạch để gạo có một màu xanh tự nhiên, sau khi luộc chín bánh sẽ tỏa ra một mùi thơm nồng đượm, mùi vị đặc trưng của “Bánh chưng gù”, của núi rừng phía Bắc.
Bánh chưng Hà “Bánh chưng gù” đặc biệt như chính cái tên gọi hết sức mộc mạc và dân dã của nó. Bánh được gói bằng lá dong rừng, dáng bánh dài hình trụ và hơi khom xuống. Tưởng như ngẫu nhiên, nhưng nếu ngắm nhìn kĩ hẳn các bạn cũng nhận ra thấp thoáng đâu đó bóng dáng của những người phụ nữ vùng cao ngày ngày đeo gùi lên rẫy. Cũng như bánh chưng thông thường, bánh được luộc trong khoảng thời gian từ 8-10 tiếng để đạt được độ chín vừa vặn, lớp gạo nếp dền dẻo, đỗ xanh mịn bùi, thịt lợn thơm mềm rục. Hiện nay, để tiết kiệm công sức cũng như tiền bạc rất nhiều gia đình lựa chọn luộc bánh chưng bằng những phương pháp hiện đại hơn như dùng bếp điện. Vậy nên, hãy thử cảm nhận nếu bạn được nếm thử một miếng bánh chưng được làm ra từ những nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, được luộc chín trên bếp củi, mỗi tấm bánh được chăm chút, gửi gắm trong đó cả tấm lòng của bà con dân tộc vùng cao. Hãy thử tưởng tượng rằng, bạn không còn phải chờ đợi tới Tết đến xuân sang mới được một lần nếm lại hương vị truyền thống, cũng không cần phải đi cả một quãng đường dài để tìm đến với món bánh đặc sản này.
“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”, một lần nữa cho thấy bánh chưng là một món ăn không thể thiếu trong ngày tết cổ truyền của dân tộc. Với chiếc bánh chưng dẻo, thơm ngon trong những mâm cơm ngày tết đã tiếp tục khẳng định sự trường tồn, vĩnh cửa bánh chưng đối với mỗi người dân Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Bánh chưng trong ngày tết không chỉ tạo sự gần gũi, thân thuộc mà còn thể hiện sự sum họp, ấm áp tình thân.
Thuyết minh món bánh mang bản sắc văn hóa dân tộc – Bánh tráng trộn
Ẩm thực Việt Nam phong phú và đa dạng, từ những món ăn được bày biện trong các bữa tiệc trọng đại đến những món ăn đời thường dân giã đều mang những hương vị và vị đặc trưng riêng. Một trong những ẩm thực thu hút giới trẻ hiện nay là ẩm thực đường phố bởi tính tiện lợi của nó. Những món ăn vừa ngon vừa thú vị như bánh đa nướng, bắp xào bơ, chân gà sả ớt, bánh lọc,…..đã không còn quá xa lạ với những học sinh, sinh viên hiện nay. Đặc biệt, có một món ăn quen thuộc không kém và không thể không nhắc đến của ẩm thực đường phố đó là món bánh tráng trộn.
Món bánh tráng trộn vốn dĩ được khởi đầu từ Tây Ninh, bởi thế mà người ta thường hay gọi món ăn này là “đặc sản của Tây Ninh”. Dần dần đây là món ăn được nhiều người biết đến, được làm phổ biến khắp mọi nơi. Đặc biệt là ở Sài Gòn, bánh tráng trốn thực sự đang “làm mưa, làm gió” khắp nơi của thành phố mà chưa bao giờ có dấu hiệu hạ nhiệt. Ở một số thành phố khác như Huế, Đà Nẵng hay Hội An, món ăn này cũng được sự săn đón của nhiều bạn trẻ.
Ban đầu, để làm món bánh tráng trộn người ta lấy những mẩu vụn của bánh tráng trong các nhà máy, trộn thêm một ít dầu ăn, muối ớt, chút hành phi. Song, qua sở thích cũng như sự sáng tạo của những “vị đầu bếp” không chuyên, có thể “mix” thêm nhiều nguyên liệu khác nhau để tạo nên một món bánh tráng trộn vừa ngon, vừa đảm bảo chất dinh dưỡng.
Nhìn chung, nguyên liệu chủ yếu để làm nên món ăn này cần phải có bánh tráng cắt sẵn, trứng cút, khô bò đen, xoài, tắc, ớt, ít đậu phộng rang, hành lá vài cọng, muối tôm tây ninh…và một số gia vị khác. Có thể thấy, nguyên liệu làm bánh tráng trộn không quá khó khăn để tìm kiếm hoặc đắt đỏ để phải e dè túi tiền của mình khi mua.
Sau khi chuẩn bị nguyên liệu sẵn sàng, bắt đầu bước vào công đoạn làm trộn bánh. Trước tiên, cắt bánh tráng thành các sợi nhỏ, không quá dài, vừa miệng. Rửa sạch rau răm, cắt nhỏ. Sau đó là luộc trứng cút, vắt tắt để lấy nước cốt, tước khô bò thành các sợi mỏng. Việc tiếp theo là trộn hết tất cả các nguyên vật liệu vừa hoàn thành vào một chiếc thau lớn, thêm muối tôm Tây Ninh vào rồi dùng đũa thường trộn chúng lên thật đều. Sau cùng, cần bỏ thêm hành phi và rau răm vào rồi trộn đều thêm lần nữa. Lưu ý, khi làm cần đảm bảo vệ sinh, thêm gia vị vừa phải để tránh bị quá mặn hoặc quá nhạt. Mặt khác, cũng cần chịu khó trộn đi trộn lại nhiều lần để từng sợi bánh được thấm đều gia vị.
Bánh tráng trộn đạt chuẩn ngon không chỉ đẹp về hình thức mà còn phải hấp dẫn bởi hương vị. Sợi bánh khi làm xong không quá mềm, đủ độ dai, dẻo. Khi ăn có vị chua chua ngọt ngọt của tắt, vị dai của bánh, vị béo ngậy của lạc, trứng cút, vị thơm của bò khô, vị thanh thanh của rau răm. Ngoài ra, còn có vị cay cay của ớt và mặn mà của muối Tây Ninh. Bánh tráng trộn khi hoàn thành được bọc trong từng túi ni lông nhỏ để đảm bảo hạn chế việc không khí lọt vào bên trong, cần ăn liền khi làm xong, không nên để bánh quá lâu vì nó dễ bị mềm đi, mất đi hương vị vốn có.
Dù hiện nay, có rất nhiều món ăn đường phố nhưng vẫn không thể thay thế được món bánh tráng trộn trong lòng các bạn sinh viên. Có lẽ sự hấp dẫn của món ăn này không chỉ đến từ vị ngon mà còn đến từ giá cả của nó. Món bánh tráng trộn giá dao động từ 7000 đến 15000 đồng một gói, đó là một giá cả hợp lý, phù hợp với túi tiền của các bạn sinh viên, học sinh. Song, vẫn có thể thấy bánh tráng trộn không chỉ hấp dẫn những người trẻ thôi đâu, trong các quán bán bánh tráng trộn ta vẫn thấy những chị công nhân ngồi nhâm nhi từng sợi bánh, một vài anh chàng trưởng thành đang xếp hàng đứng đợi để mua bằng được bịch bánh tráng trộn về cho vợ con ở nhà.
Phong vị đặc trưng mà bánh tráng trộn vốn có đã khiến món ăn thực sự phổ biến và thu hút dẫu ở nơi đâu.Nếu đến Sài Gòn, vòng quanh những con đường như Nguyễn Thượng Hiền quận 1, cạnh những ngôi trường phổ thông hay ghé chợ Bình Tây bạn sẽ không khó để tìm và thưởng thức món bánh này. Nếu ghé Huế, lang thang dạo mát trên vỉa hè Hồ Đắc Đi, Hùng Vương, Duy Tân cũng có thể chọn lựa cho mình một quán bánh tráng trộn để ngồi thưởng thức khi đêm về.
Bánh tráng trộn không chỉ mang lại nguồn dinh dưỡng hữu ích cho người thưởng thức, đáp ứng nhu cầu của mọi người mà nó còn là món ăn giúp nhiều người có thêm nguồn thu nhập khi chọn nó làm kế sinh nhai. Nhiều gia đình đã gắn bó với việc buôn bán bánh tráng trộn lâu năm, tuy không lời quá cao nhưng cũng giúp họ trang trải được phần nào trong cuộc sống.
Em từng nhớ có một người chị ở Sài Gòn từng bảo với em rằng: “Nếu vào Sài Gòn mà không lựa chọn món bánh tráng trộn thì đó là một sai lầm”. Có lẽ, em sẽ chẳng bao giờ tin lời nói ấy cho đến khi hè vừa rồi có dịp được vào du lịch ở đó, được thưởng thức món ăn ấy mới hiểu được rằng những lời mà người chị kia nói quả không sai. Hy vọng rằng, trong tương lai, bánh tráng trộn sẽ trở nên phổ biến hơn nữa.
Thuyết minh món bánh mang bản sắc văn hóa dân tộc – Bánh cuốn Thanh Trì
Từ Bắc tới Nam đất nước đâu đâu cũng có lúa gạo, có bánh cuốn, bánh tráng nhưng có lẽ bánh cuốn Thanh Trì của Hà Nội vẫn đặc sắc hơn cả: lá bánh cuốn mỏng tang như một lớp lụa mịn màng.
Mỗi lá chỉ cần thoa thêm chút mỡ, rác chút hành khô phi thơm là nổi vị bát nước chấm thơm vị cà cuống đặc trưng đã làm nên phong vị đặc sắc của bánh cuốn Thanh Trì.
Đặc sản của một vùng quê:
“Thanh Trì có bánh cuốn ngon
Cỏ gò Ngũ Nhục có con sông Hồng”
Làng Thanh Trì là một làng vào loại cổ nhất của Thăng Long – Hà Nội. Hàng năm, cứ vào ngày 1 tháng 3 âm lịch, dâu làng Thanh Trì lại mở hội, trong hội có cuộc thi tráng bánh cuốn giữa các thôn trong làng. Trong cuộc thi, mỗi đội phái tráng cả bánh cuốn lá lẫn bánh cuốn nhân. Ban giảm khảo là những cụ cao niên trong làng và đại diện chính quyền địa phương sẽ chấm điểm cho mỗi đội dựa theo quy định: các đội phải làm theo đúng phương pháp cổ truyền, trong một thời gian quy định, đội nào tráng được nhiều bánh, bánh mỏng, dẻo, có sắc trắng mịn cùng nước chấm ngon, trình bày đẹp sẽ đạt giải. Theo thần tích của địa phương, nhân dân đã tụ họp về đây khai khẩn đất từ thời Hùng Vương, An Quốc, Con trai vua Hùng thứ 18 (là bạn của Sơn Tinh) đã từng dựng dinh thự, dạy dân cày cấy sống giữa vùng ao hồ rộng lớn, hai phần ba dân làng sống bằng nghề làm bánh cuốn. Bánh được làm từ những loại gạo ngon, xay mịn như nước, lá bánh mỏng tang như tờ giấy, được thoa thêm một chút mỡ phi hành cho thơm. Bánh cuốn Thanh Trì bao đời nay đã là niềm tự hào của người dân nơi dây.
“Múc lưng muôi bột giàn đều trên khuôn vai, đậy nắp vung lại. Đợi khi mỡ nấp vung ra, mặt bánh phồng lên tức là bánh đã chín. Sau lấy que tre xọc ngang, nguyên một tờ gạo mong manh được nhác ra. Xoa một tý mỡ hành cho bóng bẩy rồi gấp lại…”. Chẳng thế mà những nhà văn nhu Thạch Lam hay Vũ Bằng đều dành cho bánh cuốn Thanh Trì một sự ưu ái riêng…
Thưởng thức vài lần món bánh cuốn Thanh Trì rồi, anh sẽ thấy nhớ mãi món quà đó và nhớ từ cái dáng người bán hàng đội bánh nhớ đi. nhớ thứ nước chấm, nhớ cái cảm giác bánh trơn trôi nhẹ vào trong cổ…nhớ quá, nhớ khôn nguôi!” (Miếng ngon Hà Nội – Vũ Bằng)
Cho dù ngày hôm nay, các công đoạn làm bánh cuốn đã dược cơ hóa thế nhưng trong hội làng, người dân Thanh Trì vẫn phải chế biến theo lối cổ – nghĩa là bội vần được xay từ những chiếc cối đá làm từ đá xanh Thanh Hóa. Và để bánh mỏng tang, trắng mịn thì chậu bột được pha theo một tỷ lệ riêng cua mỗi người.
Cũng thật lạ, bánh cuốn Thanh Trì nguyên liệu chẳng có gì cao sang hay pha chế biến cầu kỳ bởi chỉ cỏ bột xay. nhân làm bằng hành hoa tươi chưng với mỡ hay nhân bánh bằng mỡ thăn cùng hành khô chưng lên để có mùi thơm nhưng làm ẩm khách nhớ khôn nguôi khi thưởng thức.
Bánh cuốn Thanh Trì đặc biệt nhất ở chỗ tráng mỏng, hành mỡ thoa vào mướt mặt mà nếm thì thanh nhẹ, sắc trắng của bánh nổi bật lên một cách hiền lành cùng những đốm nhân màu nâu đỏ cua hành phi. Nhìn những thếp bánh mới làm óng ả có thể làm bất cứ ai trông thấy thôi cùng thấy thèm.
Một trong những bí quyết để có được những mẻ bánh ngon là chọn gạo ngon, gạo có ngon thì mặt bánh mới láng mượt, óng ả. Nếu gạo quá dẻo thì bánh nát, còn gạo kém thì bánh sẽ không thơm ngon. Và không thể quên khâu quan trọng là bột. Bột được xay nhuyễn nên mặt bánh cuốn mới được láng bóng, óng ả như cậy. Nếu bột loãng quá bánh sẽ nát, mà đặc quá bánh sẽ dày mình, ăn thô thì đâu được gọi là bánh Thanh Trì.
Thường thì xế chiều, dân Thanh Trì lại nổi lửa tráng bánh. Sở dĩ bánh cuốn tráng từ chiều cho tới đêm bởi bánh tráng xong phải để qua đêm thì mới bay đi mùi nồng của bột. Đến sáng bánh vừa mềm. vừa thơm mát mùi gạo…
Người làng Thanh Trì xưa chỉ đội thúng bánh cuốn trên đầu rồi đi rong phố phường. Bây giờ nhiều người làng Thanh Trì vẫn đạp xe đi bán hàng rong Không gì thú vị bằng được thưởng thức đĩa bánh cuốn nóng còn vương sợi trong cái giá lạnh của mùa đông. Ngắm nhìn bàn tay khéo léo của chị chủ quán đang thoăn thoắt tráng từng chiếc bánh, cuộn nhân lại trong không gian mờ hơi nước từ nồi tráng bánh bay lên giúp những ai đang lạnh giá cũng cảm thấy ấm áp lạ thường. Ở Hà Nội có một cửa hàng nhỏ bán bánh cuốn Thanh Trì mang cả hương vị của riêng của Hà Nội. Dù chỗ ngồi chẳng đủ, người nọ phải đợi người kia nhưng khách hàng đều chấp nhận để được thường thức một xuất bánh cuốn đúng như vị Thanh Trì.
Bánh Thanh Trì thơm dịu được chấm với nước chấm được pha rất hài hoà. không quá chua cũng không quá mặn và thêm vài lát chả. Chắc chắn, ai đã thưởng thức một lần thì sẽ không thể quên được mùi vị ngon lành đó.
Bánh cuốn nóng nhân thịt được “kế thừa” từ bánh cuốn Thanh Trì mà ra. Những chiếc bánh cuốn nóng óng mượt vỏ bóng mỏng tang, ỏng như lụa để khoe lớp nhân thịt cùng nấm hương ẩn hiện bên trong. Rồi rau thơm Láng, giò chả Ước Lễ trong một bát nước chấm ngon cũng là để tăng thêm mùi vị cho đĩa bánh cuốn nóng. Ngần đó thức dùng trong món bánh cuốn nóng đã cho ta thấy sự trau chuốt của người bán hàng trong món ăn của mình… Sau đó, bánh được tô điểm thêm bằng hành phi vàng thơm nức và chút ruốc tôm hồng như phấn làm đẹp thêm những chiếc bánh cuốn trắng.
Một đĩa bánh cuốn nóng sẽ có mùi hương của gạo mới, độ dẻo vừa phải cả miếng bánh ăn kèm với lát chả quế ngầy ngậy điểm thêm vài nhánh rau ngỏ. rau húng thơm.
Bánh cuốn ngon không thể thiếu nước chấm, phải pha sao để mà dậy được cái mùi cà cuống lên thì thật là tuyệt vời. Dù là bánh cuốn nguội Thanh Trì hay bánh cuốn nóng thì cần phải có nước chấm vừa miệng. Pha nước chấm thế nào là bí quyết riêng của mỗi cửa hàng mà họ luôn giữ kín công thức. Chỉ biết rằng, khách tới những cửa hàng bánh cuốn ngon đều mê mẩn thứ nước màu hổ phách thơm dịu đó.
Theo những người bán hàng thì nước chấm bánh cuốn không thiên về vị chua mà cần cân bằng giữa vị mặn của nước mắm và vị ngọt của đường. Chén nước mắm nhỏ xíu xinh xắn, không mặn quá, không chua quá, mà cũng không cay quá. Có lẽ vì bánh cuốn vốn mềm mại, thanh mát nên nước chấm đi cùng cũng dìu dịu như vậy để hài hoà.
Trước đây, người Hà Nội thường ăn bánh cuốn với đậu làng Mơ rán giòn, nhưng giờ đây bánh cuốn thường được ăn với giò chả của vùng Ước Lễ – Hà Tây. Chả quế Ước Lễ vừa ngon, ngọt, thơm mùi quế đặc trưng rất hấp dẫn. Chả quê thơm hương vị quế rừng, hương vị thịt nướng thuở hoang sơ, giò lụa thoáng hương chuối quê đồng nội. Ăn miếng chả quế dậy mùi thơm thịt nướng, hương vị cay hấp dẫn của quế chi, ngọt của mật ong, phảng phất mùi thơm quí phái.
Những chiếc bánh cuốn ngon đặc biệt ở độ nóng, giòn và dai của bánh, ở vị thơm của hành phi, vị mặn – ngọt của nước chấm, và với một chút rau thơm, rau mùi, vài ba miếng chả cùng 1-2 giọt tinh dầu cà cuống vừa thơm vừa cay. Không cao sang, cầu kỳ, bánh cuốn là một món ăn bình dị, thân quen đối với mọi đối tượng thực khách, từ sang trọng cho đến tầng lớp bình dân. Có thể vì thế mà những người Hà Nội đi xa hay những người từ xa tới với Hà Nội đều có chung một nhận xét rằng: Hà Nội có rất nhiều món ăn ngon và một trong những, món ăn để lại niềm thương, nỗi nhớ đó là bánh cuốn.
Nhắc đến một yếu tố tạo nên sự phong phú và đa dạng cho sản vật Việt Nam, chúng ta không thể không nhắc tới các loại bánh với hương vị thơm ngon và đẹp mắt, phù hợp với khẩu vị của nhiều người. Trong sự đa dạng về bánh trái, mỗi khi nhắc tới một loại bánh mang truyền thống văn hóa dân tộc, có lẽ người ta không thể nào bỏ qua được bánh chưng.
Bánh chưng có nguồn gốc chính xác từ khi nào, chúng ta chưa lý giải được. Trước nay người ta vẫn thường dùng một truyền thuyết để giải thích cho nguồn gốc của bánh chưng : truyền thuyết Bánh chưng bánh giầy. Bánh chưng ra đời bắt nguồn từ gợi ý của thần cho Lang Liêu làm để tế lễ Hùng Vương. Chiếc bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất, với màu lá xanh tươi bọc bên ngoài bánh, tượng trưng cho cây cỏ muôn loài sinh sôi, phát triển không ngừng.
Nguyên liệu làm bánh chưng cũng vô cùng đơn giản, với những sản vật quen thuộc của người nông dân. Lá dùng để gói bánh thường sẽ là lá dong được lấy ở trên rừng. Lạt buộc bánh có nguồn gốc từ những cây tre. Gạo làm bánh thường sẽ là gạo nếp với vị thơm và dẻo đặc trưng. Ngoài ra, để làm được bánh chưng, người ta còn cần đỗ xanh và thịt lợn, thịt thường được dùng là loại thịt ba chỉ. Bên cạnh những nguyên liệu chính, thì một số gia vị quan trọng không thể thiếu làm tăng hương vị cho bánh chưng chính là một chút muối và hạt tiêu.
Là một loại bánh ngon đặc biệt của dân tộc, nên nguyên liệu làm bánh tuy giản dị, nhưng quy trình làm bánh chưng lại cầu kì hơn. Trước hết, người ta sẽ phải chọn những loại lá dong to và xanh, chiếc lá càng xanh thì màu bánh sẽ càng đẹp. Lá bánh sẽ được rửa sạch và phơi khô ráo. Gạo và đỗ trước khi làm bánh bánh sẽ được ngâm vo rửa thật kĩ và nhặt bỏ các hạt mốc. Thịt gói bánh sẽ được rửa sạch, cắt miếng to hơn thông thường và rắc hạt tiêu, muối. Người ta chọn thịt lợn ba chỉ để khi cắt chiếc bánh ra, thịt lợn đủ mềm, vẫn giữ được vị béo, thơm mà không quá ngấy. Khi gói bánh, thông thường người ta sẽ dùng 4 lớp lá xếp xen kẽ nhau. Người gói cẩn thận đổ từng lớp: một lớp gạo, một lớp đỗ, một lớp thịt rồi lại tiếp tục đổ thêm một lớp đỗ và một lớp gạo. Chiếc bánh chưng được gói khéo léo là khi nhân đỗ xanh và thịt lợn nằm vuông vắn ngay chính giữa, không bị lệch, và hạt đỗ không bị lẫn vào lớp gạo nếp ôm bên ngoài cùng của bánh. Sau khi gói, người ta sẽ cẩn thận dùng tay gói lá bên ngoài và dùng lạt cố định lại. Bánh sau khi gói xong sẽ được luộc trong một nồi qua khoảng 11 – 12 tiếng, sau đó đó vớt ra, để ráo, qua hôm sau là có thể bày lên mâm cỗ rồi.
Bánh chưng là một món bánh cổ truyền của dân tộc, có hương vị dễ ăn. Đây là món ăn luôn luôn được người dân Việt Nam sử dụng trong mâm cỗ cúng gia tiên ngày Tết. Trước đây bánh chưng chỉ có vào dịp Tết nhưng ngày nay, do nhu cầu, bánh chưng ngày nào cũng được sản xuất và bán để người dân có thể ăn hàng ngày hoặc cúng trong các ngày mùng 1 hoặc ngày rằm. Cùng với sự phát triển của xã hội, có nhiều loại bánh độc đáo mới lạ hơn được du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam, nhưng bánh chưng vẫn luôn luôn giữ được vị trí quan trọng trong tiềm thức của người dân Việt Nam. Đó là một loại bánh tượng trưng cho tổ tiên, trời đất, tượng trưng cho đời sống tín ngưỡng và tâm linh của người Việt Từ ngàn đời.
Với tất cả những ý nghĩa thiêng liêng nằm sẵn trong chiếc bánh chưng dân dã, đây chắc chắn sẽ luôn là loại bánh ở vị trí cao quý, biểu trưng cho văn hóa của dân tộc (một nền văn hóa lúa nước) và cũng thể hiện tấm lòng thành kính hiếu thảo thiêng liêng của người dân Việt Nam với tổ tiên của mình
Trích nguồn: Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường miền Trung
Danh mục: Văn mẫu lớp 8