Thuyết minh về ca dao Việt Nam (dàn ý – 5 mẫu)
Thuyết minh về ca dao Việt Nam
Đề bài: Thuyết minh về ca dao Việt Nam
Bạn đang xem bài: Thuyết minh về ca dao Việt Nam (dàn ý – 5 mẫu)
Dàn ý Thuyết minh về ca dao Việt Nam
1. Mở bài
– Giới thiệu khái quát về ca dao Việt Nam.
2. Thân bài
– Trình bày định nghĩa về ca dao.
– Giới thiệu những đặc điểm của ca dao.
– Giới thiệu những nội dung lớn của ca dao Việt Nam.
– Giới thiệu những nét đặc sắc về nghệ thuật của ca dao Việt Nam.
– Đánh giá về vai trò và tác dụng của ca dao Việt Nam trong nền văn học của dân tộc và trong đời sống mọi người.
3. Kết bài
– Khẳng định lại giá trị của ca dao.
Thuyết minh về ca dao Việt Nam – mẫu 1
Mỗi nền văn học từ mỗi quốc gia khác nhau lại có những đặc điểm, đặc trưng riêng. Là một quốc gia có nền văn hiến lâu đời, văn học Việt Nam cũng có nhiều nét đặc trưng không thể trộn lẫn. Nếu như Trung Quốc nổi tiếng với những tác phẩm tiểu thuyết, Nhật Bản nổi tiếng với những bộ truyện tranh thì Việt Nam ta cũng vô cùng tự hào với những bài ca dao đã đi cùng bao thế hệ.
Ca dao là thơ ca dân gian Việt Nam, được kết hợp giữa lời thơ và âm nhạc, diễn tả đời sống nội tâm của con người Việt Nam. Ca dao còn là một thể loại văn học đơn giản – thể thơ dân gian. Ca dao Việt Nam ra đời từ rất sớm, được truyền miệng dưới dạng những câu hát không theo nhịp điệu nhất định. Trải qua nhiều cải biến và phát triển, cho đến ngày nay, ca dao vẫn là một thể loại văn học đặc trưng của dân tộc.
Ca dao có tên gọi khác là thơ trữ tình, do đó nó cũng có những đặc điểm về nội dung và hình thức của một thể loại văn học. Về nội dung, đề tài, ca dao bao quát và phản ánh phạm vi rất rộng của cuộc sống con người bao gồm cả nghi lễ, phong tục tập quán, đời sống gia đình, cộng đồng, những nét đẹp đạo đức lối sống và cả kinh nghiệm sống quý báu. Đối tượng của ca dao đa dạng và phổ biến ở tất cả lứa tuổi, nhưng trong mỗi đề tài khác nhau thì nhân vật trữ tình lại khác nhau. Ca dao viết về gia đình, nhân vật trữ tình là người mẹ, người vợ… Ca dao viết về tình yêu trai gái, nhân vật trữ tình là chàng trai và cô gái. Ở phạm vi rộng lớn hơn như xã hội, thời đại nhân vật trữ tình mà ca dao lựa chọn lại là người đại diện cho cả tầng lớp hoặc một đối tượng trong xã hội như người phụ nữ, người nông dân.
Về hình thức, ca dao có những đặc điểm nghệ thuật truyền thống. Thể thơ được sử dụng chủ yếu trong ca dao là thể thơ của dân tộc – lục bát và lục bát biến thể. Ngoài ra, ca dao đôi khi còn dùng các thể thơ như song thất lục bát, thơ bốn tiếng, năm tiếng. Ca dao Việt Nam thường ngắn gọn, súc tích nhưng giàu cảm xúc, sử dụng linh hoạt nhiều biện pháp tu từ và các hình ảnh mang tính biểu tượng. Trong ca dao thường xuất hiện hình thức lặp lại: lặp kết cấu, lặp từ, cụm từ, hình ảnh, đôi khi lặp cả dòng thơ. Điều đó yêu cầu chúng ta khi phân tích ca dao phải xuất phát từ yếu tố đó. Cho nên, khi phân tích ca dao, chúng ta phải xuất phát từ những hình thức lặp đó. Ngôn từ sử dụng trong ca dao thường trong sáng, gần gũi với lời ăn tiếng nói của nhân dân, đậm đà màu sắc dân tộc và địa phương.
Ca dao Việt Nam có rất nhiều nội dung, mỗi nội dung được phản ánh trong một mảng với đối tượng phản ánh và chủ đề khác biệt. Loại đầu tiên là ca dao với tình cảm yêu thương, tình nghĩa bao gồm tình cảm gia đình cha mẹ, con cái, vợ chồng; tình yêu đôi lứa, yêu quê hương, đất nước, ca ngợi vẻ đẹp dân tộc. Đó là những lời ca về mọi miền của Tổ quốc thân yêu:
“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.”
Hay thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến:
“Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ,
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn.
Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn,
Hỏi ai gây dựng nên non nước này?!”
Ca dao yêu thương, tình nghĩa dễ khơi gợi nên niềm đồng cảm, niềm tự hào, yêu nước và lòng biết ơn thế hệ cha anh đi trước đã anh dũng chiến đấu hi sinh hay gần gũi nhất là yêu thương, biết ơn những người đã có công sinh thành dưỡng dục. Có một bài ca dao mà ngày nay bao người vẫn thuộc:
“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ, kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”
Loại ca dao quen thuộc tiếp theo là ca dao than thân, ra đời từ vất vả, bất công của cuộc sống. Đó là người nông dân trong xã hội cũ và là người phụ nữ với những đè nén, áp bức bất công.
“Thân em như hạt mưa sa,
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày.
Thân em như giếng giữa đàng,
Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”
Trong xã hội phong kiến xưa kia, chế độ nam quyền gia trưởng đã đẩy bao người phụ nữ vào hoàn cảnh bi kịch bất hạnh. Ca dao giống như những lời than thân trách phận, vang lên từ tận đáy lòng họ. Để rồi mãi mãi về sau, người ta vẫn ghi nhớ mãi.
Ngoài những mảng trên, kho tàng ca dao Việt Nam còn có rất nhiều bài ca dao hài hước, trào phúng, châm biếm. Ca dao mảng này chủ yếu làm nổi bật những nét đặc sắc trong nghệ thuật trào lộng đặc trưng của dân gian Việt Nam. Nó tạo ra tiếng cười mua vui, giải trí, phê phán những thói hư tật xấu, những con người đáng cười trong xã hội. Ví như một bài ca dao châm biếm thói mê tín dị đoan:
“Số cô chẳng giàu thì nghèo,
Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà.
Số cô có mẹ có cha,
Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông.
Số cô có vợ có chồng,
Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai”
Không biết tự bao giờ, ca dao đã trở thành một phần không thể thiếu trong tâm hồn con người Việt Nam. Ca dao là giá trị văn hóa tình thần phi vật thể được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Ca dao không chỉ ngân vang giai điệu ngọt ngào của yêu thương mà còn là nơi lưu giữ bao kinh nghiệm quý giá mà cha ông ta đúc kết từ cuộc sống thực tế như “Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng/ Ngày tháng mười chưa cười đã tối.” Đồng thời, ca dao cũng gửi gắm những bài học đạo lý làm người như lòng hiếu thảo với cha mẹ, sức mạnh của tình yêu. Trong văn học, ca dao cũng tạo nên động lực cho văn học phát triển. Đó là nguồn tư liệu quý giá, phong phú cho các nhà văn, nhà thơ sáng tạo các tác phẩm của mình. Ca dao chính là nét đẹp tâm hồn Việt Nam.
Nhiều năm tháng đã qua đi nhưng ca dao vẫn luôn sống mãi với trái tim triệu triệu con người Việt. Để rồi mỗi lần giai điệu quen thuộc của ca dao vang lên, chúng ta lại bồi hồi nghĩ về quá khứ vàng son của Tổ quốc.
Thuyết minh về ca dao Việt Nam – mẫu 2
Từ bao năm nay, ca dao Việt Nam đã trở thành tài sản vô giá của dân tộc. Ca dao là nơi chứa đựng tâm hồn của dân tộc, là tâm tư, tiếng nói của dân tộc ta.
Về khái niệm, ca dao là tác phẩm thơ trữ tình dân gian, thường tồn tại dưới dạng lời thơ hoặc điệu hát, kết hợp với âm nhạc khi diễn xướng, được sáng tác nhằm diễn tả thế giới nội tâm của người dân lao động.
Về đặc trưng thể loại của ca dao. Ca dao được sáng tác, lưu truyền bằng miệng và trí nhớ bởi tập thể nhân dân lao động. Lúc đầu đó có thể là sáng tác của một cá nhân nhưng qua quá trình lưu truyền, mỗi người tự đóng góp và làm phong phú thêm ca dao. Ca dao mang tính tập thể và tính nhân dân sâu sắc, có nội dung phản ánh rất rộng lớn. Đó là tình cảm của nhân dân với thiên nhiên, quê hương, đất nước, những mối quan hệ gia đình, xã hội. Trong ca dao, một số kiểu nhân vật trữ tình đều có tâm trạng chung phù hợp với lứa tuổi, gia đình, nghề nghiệp, địa vị xã hội… nhưng trên cái nền chung đó mỗi kiểu nhân vật lại có nét đặc sắc riêng, tạo nên sự hấp dẫn khó quên với người thưởng thức. Ca dao thường được biểu diễn, người ta gọi đó là diễn xướng. Xét về hình thức diễn xướng, ca dao có hai hình thức cơ bản nhất là hát cuộc và hát lẻ. Hát cuộc là hình thức hát tập thể trong lao động hoặc trong các hội hè đình đám được diễn ra quy mô, có tổ chức. Còn hát lẻ là hình thức hát tự do, không cần tuân thủ lề lối, quy cách như hát cuộc. Người hát có thể ngẫu hứng hát khi đang lao động, đang nghỉ ngơi. Dù là hát cuộc hay hát lẻ thì nhân dân lao động cũng đều gửi gắm tâm tình của mình qua tiếng hát đó.
Ca dao có nội dung vô cùng phong phú, đa dạng. Ca dao gắn bó chặt chẽ với nghi lễ, tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng của từng vùng miền tổ quốc. Trong lao động, ca dao là tiếng hát ca ngợi công việc, sức khỏe của con người, ngợi ca tình yêu quê hương đất nước. Ca dao còn phản ánh những tình cảm cao đẹp, yêu thương tình nghĩa của con người trong các mối quan hệ gia đình, xã hội như tình cảm cha con, mẹ con, vợ chồng, tình yêu đôi lứa,… Bên cạnh đó, ca dao còn là tiếng hát than thân của con người về những nỗi khổ trong cuộc sống mà chủ yếu là nỗi khổ của người phụ nữ; là tiếng nói phản ánh chống lại cường quyền (vua, quan) và những hủ tục gây nhiều nỗi khổ cho con người. Ca dao trào phúng là tiếng cười phê phán những thói hư tật xấu, những tính cách xấu của con người.
Nghệ thuật của ca dao cũng có nhiều điểm đặc sắc. Ngôn ngữ ca dao là ngôn ngữ nghệ thuật thơ ca giản dị, đẹp đẽ, trong sáng, được gọt giũa, trau chuốt, chắt lọc qua nhiều thế hệ, là sự kết hợp hài hòa giữa tính dân tộc và tính địa phương, giữa lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân và ngôn ngữ thơ ca bác học. Để giãi bày tâm tư, tình cảm của con người thơ ca thường sử dụng các biện pháp tu từ như: so sánh, ẩn dụ, nhân hóa…và sử dụng các hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng cao. Kết cấu ca dao thường ngắn gọn, thể hiện rõ dấu ấn của lối đối đáp, trò chuyện giữa nhân vật trữ tình và đối tượng trữ tình. Sử dụng nhiều motip có tính chất lặp lại. Thể thơ thường được sử dụng trong ca dao là thể thơ lục bát, ngoài ra còn có các thể song thất lục bát, thơ ba chữ, thơ bốn chữ…
Ca dao có vai trò vô cùng to lớn trong đời sống mỗi người dân Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá rất cao giá trị của ca dao, Xuân Diệu cho rằng: “Những câu ca dao từ Nam chí Bắc như có đất, như có nước, như có cát, có biển, như có mồ hôi người, chúng ta sẽ cảm thấy dần dần tụ lại nơi khóe mắt một giọt ướt sáng ngời. Đó là một giọt tinh túy chắt ra từ ruột của non sông”. Xuân Diệu cũng cho rằng trong ca dao có cái chất tâm hồn người mới cày xới lên, còn tươi rói, bốc hơi chảy máu. Có lẽ vì vậy, có thể coi ca dao là cây đàn muôn điệu của tâm hồn dân tộc. Ca dao giúp ta hiểu về tâm hồn, tính cách, lối sống của cha ông ta cũng như con người trong thời đại xa xưa. Ca dao còn là kho tàng kinh nghiệm quý báu để chúng ta ứng dụng trong đời sống với nhiều bài học đạo đức, bài học kinh nghiệm… Ca dao là nguồn tư liệu quý giá để các nhà thơ nhà văn sau này học tập và sử dụng một cách sáng tạo.
Nói chung, ca dao bắt nguồn từ cuộc sống của con người, nuôi dưỡng đời sống con người, cho nên nó sẽ còn tồn tại mãi với thời gian. Mỗi người chúng ta, tùy từng nơi, từng lúc, từng hoàn cảnh đều như tìm thấy ở ca dao một phần tâm hồn mình trong đó.
Thuyết minh về ca dao Việt Nam – mẫu 3
Ca dao ra đời từ rất sớm và lưu truyền cho đến ngày nay. Ca dao đã thấm vào ta qua những làn điệu quê hương gần gũi, thân quen, những lời ru thắm thiết, đậm chất trữ tình.
Ca dao là một trong những thể loại chủ yếu của nền văn học dân gian Việt Nam. Đó là những sáng tác trữ tình dân gian diễn tả đời sống nội tâm của con người. Ca dao là nguồn sữa tinh thần nuôi dưỡng trẻ thơ qua lời hát ru, là hình thức trò chuyện tâm tình của các chàng trai cô gái, là tiếng nói biết ơn, tự hào về công đức của tổ tiên và anh linh của những người đã khuất, là phương tiện bộc lộ nỗi tức giận hay lòng hân hoan của người lao động, trong gia đình, xã hội. Dựa vào cung bậc tình cảm ấy ca dao được chia làm 3 loại.
Loại đầu tiên là tiếng hát yêu thương, tình nghĩa, ca dao bộc lộ tình sâu nghĩa nặng đối với xóm làng, quê hương, đất nước, đối với cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè và dạt dào nhất là tình cảm lứa đôi. Trong suốt chiều dài lịch sử, khắp chiều rộng không gian đất nước, đâu đâu cũng đều vang lên những câu ca về cảnh núi rừng hùng vĩ, cảnh non xanh nước biếc, những sản vật phong phú của mỗi miền:
Sâu nhất là sông Bạch Đằng
Ba lần giặc đến, ba lần giặc tan
Cao nhất là núi Lam Sơn
Có ông Lê Lợi trong ngàn tiến ra.
Ca dao nói về tình cảm gia đình, tình yêu lứa đôi rất trong sáng, hồn nhiên, tha thiết:
Con người có tổ có tông
Như cây có cội như sông có nguồn.
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Trong ca dao yêu thương, tình nghĩa hiện lên hình ảnh con người Việt Nam lạc quan, yêu đời, cần cù trong lao động, dũng cảm trong đấu tranh, nhân ái, vị tha, giàu đức hi sinh trong quan hệ giữa người với người… Ca dao thể hiện những phẩm chất tốt đẹp đó của người Việt Nam và hướng con người Việt Nam đến cái chân, cái thiện, cái mĩ trong cuộc sống.
Loại thứ hai là ca dao than thân ra đời từ cuộc sống làm ăn vất vả, cực nhọc và bị áp bức nặng nề của người dân trong xã hội cũ. Ca dao than cho cảnh đè nén, áp bức:
Thương thay thân phận con rùa
Lên đình đội hạc, xuống chùa đội bia.
Đặc biệt là tiếng than của người phụ nữ chịu nhiều bất công do chế độ nam quyền và lễ giáo phong kiến gây ra:
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.
Loại thứ ba là ca dao hài hước châm biếm: Cùng với truyện cười, vè sinh hoạt, ca dao hài hước châm biếm đã thể hiện tập trung các nét đặc sắc của nghệ thuật trào lộng dân gian Việt Nam nhằm tạo ra tiếng cười mua vui, giải trí, phê phán những thói hư tật xấu hay những người đáng cười trong xã hội:
Ăn thì ăn những miếng ngon
Làm thì chọn việc cỏn con mà làm.
Ca dao phong phú trong cách cấu tứ và xây dựng hình tượng. Thể loại được dùng nhiều trong ca dao là thể lục bát, song thất lục bát và các thể vãn. Mỗi bài ca dao thường có hai dòng thơ lục bát nên kết cấu đơn giản, ngắn gọn. Sức hấp dẫn ở ca dao là ở âm điệu, vừa phong phú, vừa thanh thoát và ở lời ca dao giàu hình ảnh. Biện pháp nghệ thuật ẩn dụ, so sánh, nói quá,… tạo ra những hình ảnh gợi cảm, mở rộng trường liên tưởng sâu xa. Nghệ thuật so sánh ví von đã tạo nên những hình ảnh truyền thống độc đáo trong ca dao: cây đa – bến nước – con đò; trúc – mai, con cò, chiếc cầu, …Có thể nói ca dao dùng lời ăn tiếng nói của nhân dân để chuyển tải tâm tư, tình cảm của nhân dân.
Chúng ta đã đi qua hành trình ca dao Việt Nam đẹp đẽ, để rồi ca dao vẫn khắc dấu trong tâm hồn mỗi chúng ta. Phải biết yêu câu ca dao, thương lời ru của mẹ, hát những khúc dân ca chân chất, ngọt ngào để thêm yêu Tổ quốc mình, để vươn ra văn hóa toàn cầu mà giữ vững bản sắc dân tộc Việt.
Thuyết minh về ca dao Việt Nam – mẫu 4
Ca dao (còn được gọi là phong dao) được dùng với nhiều nghĩa rộng hẹp khác nhau. Theo nghĩa gốc thì ca là bài hát có khúc điệu, dao là bài hát không có khúc điệu. Ca dao là danh từ ghép chỉ toàn bộ những bài hát lưu hành phổ biến trong dân gian có hoặc không có khúc điệu; trong trường hợp này, ca dao đồng nghĩa với dân ca.
Do tác động của hoạt động sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian, từ ca dao đã dần chuyển nghĩa. Hiện nay, từ ca dao để chỉ thành phần nghệ thuật ngôn từ của dân gian với nghĩa này ca dao là những sáng tác trữ tình dân gian truyền thống diễn tả đời sống nội tâm của con người. Ca dao là nguồn sữa tinh thần nuôi dưỡng trẻ thơ qua lời hát ru, là hình thức trò chuyện tâm tình của các chàng trai cô gái, là tiếng nói biết ơn, tự hào về công đức của tổ tiên và anh linh của những người đã khuất, là phương tiện bộc lộ nỗi tức giận hay lòng hân hoan của người lao động, trong gia đình, xã hội. Dựa vào cung bậc tình cảm ấy ca dao được chia làm 3 loại.
Về nội dung, có thể nhận thấy ca dao Việt Nam là thơ trữ tình – trò chuyện diễn tả tình cảm, tâm trạng một số nhân vật chữ tình: người mẹ, người vợ, người con… trong quan hệ gia đình, chàng trai, cô gái trong quan hệ tình bạn, tình yêu lứa đôi, người phụ nữ, người dân thường… trong quan hệ xã hội. Nó không mang dấu ấn tác giả như thơ trữ tình mà thể hiện tình cảm, cảm nhận, tâm trạng của các kiểu nhân vật trữ tình và có cách thể hiện tình cảm, thế giới nội tâm mang tính chung, phù hợp với lứa tuổi, giới tính, địa phương… của kiểu nhân vật này. Tuy nhiên, dù mang tính chất chung nhưng mỗi bài ca dao lại có nét riêng độc đáo, sáng tạo, thể hiện sự phong phú, thể hiện sự phong phú, đa dạng của sắc thái tình cảm.
Ca dao là tiếng hát yêu thương, tình nghĩa, ca dao bộc lộ tình sâu nghĩa nặng đối với xóm làng, quê hương, đất nước, đối với cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè và dạt dào nhất là tình cảm lứa đôi.
Trong suốt chiều dài lịch sử, khắp chiều rộng không gian đất nước, đâu đâu cũng đều vang lên những câu ca về cảnh núi rừng hùng vĩ, cảnh non xanh nước biếc, những sản vật phong phú của mỗi miền:
Sâu nhất là sông Bạch Đằng
Ba lần giặc đến, ba lần giặc tan
Cao nhất là núi Lam Sơn
Có ông Lê Lợi trong ngàn tiến ra.
Ai về Phú Thọ cùng ta
Vui ngày giỗ tổ tháng ba mùng mười
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba.
Hội An bán gấm, bán điều
Khiêm Bồng bán vải, Trà Nhiêu bán hàng
Lụa này thật lụa Cố Đô
Chính tông lụa cống các cô hay dùng
Ca dao nói về tình cảm gia đình, tình yêu lứa đôi rất trong sáng, hồn nhiên, tha thiết:
Con người có tổ có tông
Như cây có cội như sông có nguồn.
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau.
Mỗi đêm thắp một đèn trời
Cầu cho cha mẹ ở đời với con.
Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay.
Trong ca dao yêu thương, tình nghĩa hiện lên hình ảnh con người Việt Nam lạc quan, yêu đời, cần cù trong lao động, dũng cảm trong đấu tranh, nhân ái, vị tha, giàu đức hi sinh trong quan hệ giữa người với người… Ca dao thể hiện những phẩm chất tốt đẹp đó của người Việt Nam và hướng con người Việt Nam đến cái chân, cái thiện, cái mĩ trong cuộc sống.
Ca dao than thân ra đời từ cuộc sống làm ăn vất vả, cực nhọc và bị áp bức nặng nề của người dân trong xã hội cũ. Ca dao than cho cảnh đè nén, áp bức:
Thương thay thân phận con rùa
Lên đình đội hạc, xuống chùa đội bia.
Đặc biệt là tiếng than của người phụ nữ chịu nhiều bất công do chế độ nam quyền và lễ giáo phong kiến gây ra:
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.
Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen
Ai ơi nếm thử mà xem
Nếm xong mới biết rằng em ngọt bùi.
Bồng bồng cõng chồng đi chơi
Đi qua chỗ lội đánh rơi mất chồng.
Chị em ơi, cho tôi mượn gàu sòng
Để tôi tát nước vớt chồng tôi lên.
Than mà phản kháng, người dân lao động khi khổ thì cất tiếng than nhưng không bao giờ để mất niềm tin.
Chớ than phận khó ai ơi
Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây.
Bao giờ dân nổi can qua
Con vua thất thế lại ra quét chùa.
Ca dao hài hước châm biếm: Cùng với truyện cười, về sinh hoạt, ca dao hài hước châm biếm đã thể hiện tập trung các nét đặc sắc của nghệ thuật trào lộng dân gian Việt Nam nhằm tạo ra tiếng cười mua vui, giải trí, phê phán những thói hư tật xấu hay những người đáng cười trong xã hội:
Ăn thì ăn những miếng ngon
Làm thì chọn việc cỏn con mà làm.
Cái cò là cái là quăm
Mày hay đánh vợ tối nằm với ai
Cái cò là cái cò kì
Ăn cơm nhà dì, uống nước nhà cô.
Làm trai cho đáng nên trai
Khom lưng chống gối gánh hai hạt vừng.
Ca dao phong phú trong cách cấu tứ và xây dựng hình tượng. Thể loại được dùng nhiều trong ca dao là thể lục bát, song thất lục bát và các thể vãn. Mỗi bài ca dao thường có hai dòng thơ lục bát nên kết cấu đơn giản, ngắn gọn. Sức hấp dẫn ở ca dao là ở âm điệu, vừa phong phú, vừa thanh thoát và ở lời ca dao giàu hình ảnh. Biện pháp nghệ thuật ẩn dụ, so sánh, nói quá,… tạo ra những hình ảnh gợi cảm, mở rộng trường liên tưởng sâu xa:
Đôi ta thương mãi nhớ lâu
Như sông nhớ nước, như dâu nhớ tằm.
Đôi ta như lửa mới nhen
Như trăng mới mọc, như đèn mới khêu.
Đường xa thì mặc đường xa
Nhờ mình làm mối cho ta một người
Một người mười tám đôi mươi
Một người vừa đẹp, vừa tươi như mình
Nghệ thuật so sánh ví von đã tạo nên những hình ảnh truyền thống độc đáo trong ca dao: cây đa – bến nước – con đò; trúc – mai, con cò, chiếc cầu,…
Cái cò đi đón cơn mưa
Tối tăm mù mịt ai đưa cò về.
Cây đa cũ, bến đò xưa
Bộ hành có nghĩa, nắng mưa cũng chờ.
Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi.
Có thể nói ca dao dùng lời ăn tiếng nói của nhân dân để chuyển tải tâm tư, tình cảm của nhân dân.
Chúng ta đã đi qua hành trình ca dao Việt Nam đẹp đẽ, để rồi ca dao vẫn khắc dấu trong tâm hồn mỗi chúng ta. Phải biết yêu câu ca dao, thương lời ru của mẹ, hát những khúc dân ca chân chất, ngọt ngào để thêm yêu Tổ quốc mình, để vươn ra văn hoá toàn cầu mà giữ vững bản sắc dân tộc Việt.
Thuyết minh về ca dao Việt Nam – mẫu 5
Ca dao, dân ca là những khái niệm tương đương chỉ các thể loại trữ tình dân gian kết hợp lời và nhạc, diễn tả đời sống nội tâm của con người Việt Nam. Hiện nay, người ta có sự phân biệt hai khái niệm dân ca và ca dao. Dân ca là những sáng tác kết hợp lời và nhạc, ca dao là lời thơ của dân ca.
Thí dụ:
“Ai đem con sáo sang sông
Để cho con sáo sổ lồng bay xa”.
là lời ca dao của bài dân ca Lí con sáo với âm điệu thay đổi theo từng miền:
Thí dụ:
“Ải i…i đem con sáo… sáo sang sông
Cho sáo sổ lồng….
Cho sáo sổ lồng…
Sổ lồng bay xa con sáo… sáo bay xa…
Sổ lồng bay xa con sáo… sáo bay xa…”
Ca dao còn gồm cả những bài thơ dân gian mang phong cách nghệ thuật chung với lời thơ dân ca.
Ngoài ra, khái niệm ca dao còn được dùng để chỉ một thể thơ dân gian – thể ca dao. Đó là một thể thơ xen kẽ những câu sáu chữ với câu tám chữ, theo nhịp chắn, chữ thứ sáu ở câu sáu vần với chữ thứ sáu của câu tám. Thí dụ:
“Tay ôm bó mạ xuống đồng
Miệng ca tay cấy mà lòng nhớ ai”
Ca dao diễn tả tình cảm, tâm trạng của một số kiểu nhân vật trữ tình: Người mẹ, người vợ, người con, v.v… trong quan hệ gia đình; chàng trai, cô gái trong quan hệ tình bạn, tình yêu; người phụ nữ, người dân thường v.v… trong quan hệ xã hội. Nó không mang dấu ấn cá nhân tác giả như thơ chữ tình (của văn học viết). Trong ca dao, những tình cảm, tâm trạng của kiểu nhân vật trữ tình và cách thể hiện thế giới nội tâm của các kiểu nhân vật này đều mang tính chất chung, phù hợp với lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, địa phương… Trong cái chung đó, mỗi bài ca dao lại có nét riêng độc đáo, sáng tạo. Bất cứ ai trong nhân dân, nếu thấy bài ca phù hợp đều có thể sử dụng, xem đó là tiếng lòng mình. Vì thế, ca dao được coi là “thơ của vạn nhà”, là tấm gương soi của tâm hồn và đời sống dân tộc Việt Nam.
Ca dao có những đặc điểm nghệ thuật truyền thống. Nó rất ngắn gọn. hơn 90% số bài ca dao đã được sưu tầm đều sử dụng thể thơ lục bát hoặc lục bát biến thể. Trong ca dao còn có các thể thơ khác như song thất lục bát (hai câu 7 tiếng kết hợp với câu thơ sáu tám), vãn bốn (câu thơ bốn tiếng) vãn năm (câu thơ năm tiếng).
Ca dao là thơ chữ tình – trò chuyện nên khi phân tích, cần tìm hiểu bài ca dao ấy là lời của ai tâm sự với ai, tâm sự ấy là gì và được thể hiện như thế nào.
Ca dao rất ngắn gọn, hàm súc, thể hiện đậm nét những yếu tố truyền thống. Khi tìm hiểu những vấn đề nói trên, cần đặt bài ca dao vào nhóm tác phẩm và các hệ thống (đề tài, nhân vật, hình ảnh, ngôn ngữ) của nó. Làm như vậy tức là dựa vào cái chung để hiểu cái riêng và từ cái riêng mà hiểu cái chung của kho tàng ca dao, từng bài ca dao cụ thể.
Trích nguồn: Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường miền Trung
Danh mục: Văn mẫu lớp 8